Trong tay chỉ cần một thanh sắt nhỏ, người thợ sửa khóa có thể mở bất cứ ổ khóa nào
Họ được ví có đôi tay ‘vạn năng’, cám dỗ và ranh giới giữa thiện – ác khá mong manh nên những người sống bằng nghề này luôn đặt chữ ‘tâm’ lên hàng đầu…
Chân dung người thợ khóa
Có lẽ người dân sống quanh khu vực góc đường Bùi Thị Xuân giao với đường Lê Thánh Tôn (TP. Nha Trang), ít ai mà không biết đến ông Nguyễn Xuân Hòa (67 tuổi) – một thợ sửa khóa khuyết tật với cái tủ nhỏ có treo lủng lẳng chìa khóa cùng 2 chiếc ghế nhựa cho khách ngồi chờ. Chỉ có vậy, nhưng đó chính là cơ ngơi nghề nghiệp và là phương tiện nuôi sống vợ con của người thợ già trong suốt 43 năm qua.
Với ông Hòa, người thợ khóa đòi hỏi cần có sự khéo léo, tỉ mỉ
Tôi tìm đến “tiệm” ông Hòa vào một buổi chiều tà khi ông đang loay hoay sửa ổ khóa cho khách. Thấy chúng tôi, ông liền vui vẻ nở nụ cười, kéo ghế mời chúng tôi ngồi trò chuyện… Trong cuộc sống có rất nhiều con đường để lập nghiệp, nhưng đối với ông Hòa việc chọn nghề sửa khóa là “duyên số”. Ông kể, sau ngày miền Nam giải phóng, ông không có việc làm, đi đứng lại khó khăn, nhưng phải nuôi cả gia đình nên ông rơi vào hoàn cảnh túng quẫn. Thấy ông hiền lành, ngay thẳng, một người bạn vốn là thợ sửa khóa ở chợ Đầm dạy nghề cho ông. Nhanh trí, nên sau một thời gian ngắn theo học, ông Hòa đã tách ra kiếm sống và gắn bó với nghề cho đến nay. “Hồi đó, ngày nào tôi cũng đi ra chỗ học bằng chiếc xe 3 bánh lắc tay dành cho người khuyết tật. Mưa cũng đi, nắng cũng đi, cứ quan sát, để ý, nhẫn nại ấy vậy mà sau 2 năm tôi đã học được hết các bài sửa khóa”, ông Hòa nhớ lại.
Là học trò của ông Hòa, thợ khóa Nguyễn Thành Quang (50 tuổi) trên đường Thống Nhất nhớ lại: “Gọi là học trò thế thôi, tôi học lỏm từ chú ấy đấy, có mất đồng nào đâu… Cách đây 14 năm, tôi làm bảo vệ cho kho bạc, chú ấy sửa khóa trước cổng. Lúc rảnh, tôi thường ra ngồi trò chuyện, thấy nghề này thú vị, tôi xin học nên chú ấy chỉ cho. Sau này nghỉ việc, vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi ra làm thợ sửa khóa luôn đến bây giờ!”.
Đôi tay “vạn năng”
Ông Hòa kể, trước đây, đồ nghề của những người thợ khóa khá đơn giản, chỉ là chiếc máy ê-tô và cái cưa sắt. Người thợ phải làm các công đoạn hoàn toàn thủ công, cưa chìa rồi soi, sửa, tra chìa… Công đoạn này thao tác lui tới không biết bao nhiêu lần để “tạc” nên một chiếc chìa khóa thành phẩm. Nhưng với những người thợ cao tay, chỉ cần dùng đèn pin soi vào lỗ khóa đã biết vị trí và độ cao thấp của từng viên bi bên trong để cắt đúng răng chìa khóa. Hiện nay, đồ nghề của thợ sửa khóa chuyên nghiệp hơn, nên chỉ mất từ 2 – 5 phút để chế tác một chiếc chìa khóa hoàn chỉnh.
Có quan sát quá trình sản xuất ra một chiếc chìa khóa hay mở thành công một loại khóa bất kỳ nào, chúng tôi mới thấy được rằng công việc của họ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và nhẫn nại đến thế nào. “Người hành nghề cần có đôi mắt tinh tường, nhận biết từng loại chìa, ổ khóa nhằm tìm ra cách xử lý có hiệu quả và nhanh nhất có thể”, ông Hòa cho biết. Không chỉ biết quan sát, người thợ phải không ngừng học hỏi, tự nâng cao tay nghề và theo dõi thị trường để tìm hiểu nhiều loại khóa mới. “Nghề này không phải chỉ dừng lại ở những ổ khóa thông thường mà phải không ngừng học hỏi, tự nâng cao tay nghề vì thị trường càng ngày ra nhiều loại ổ khóa khác nhau. Tất cả các loại khóa đều có nguyên lý cơ bản để mở, nên mở được một loại là phải nhớ cấu tạo để lần sau mở các loại khóa cùng dạng, cùng nhãn hiệu, dòng sản xuất”, ông Quang nói.
Để tiết kiệm thời gian và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, hiện nay, thợ khóa còn đầu tư thêm một số loại máy cắt chuyên dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc phải bỏ ra một nguồn kinh phí khá cao để đầu tư máy móc. Yêu nghề như thế, liệu nghề có “yêu” mình? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Thanh Thuận (58 tuổi), người có thâm niên hơn 30 năm làm nghề sửa khóa trên đường Phan Bội Châu tiết lộ: “Chi phí đầu tư khá cao, thế nhưng thu nhập bấp bênh. Nếu khách gọi đến nhà thì có thêm chút đỉnh tiền công, còn làm khóa tại chỗ trung bình dao động từ 8 – 15 ngàn đồng tùy chìa. Thi thoảng mới gặp những chiếc két sắt, khóa công phu thì kiếm khoảng vài trăm nghìn đồng, đủ sống qua ngày”.
Nghề chọn người có “tâm”
Công việc sửa khóa tưởng như chẳng ai bận tâm như thợ khóa song mỗi khi trong khu dân cư hay địa bàn lân cận mất trộm thì thợ khóa lại là “đối tượng” được cơ quan chức năng “soi” trước tiên. Do đó, trở thành một thợ khóa và sống được với nghề phải có cái tâm trong sáng. “Nghề sửa khóa đặt giữa hai ranh giới thiện và ác, điều quan trọng cần có là cái tâm vững vàng để không bị lung lay trước mọi cám dỗ”, ông Quang trải lòng.
Nhưng chỉ thiên về cái tâm và đức thì chưa đủ, người thợ khóa phải có con mắt nhìn người tỏ tường. Những thợ khóa có thâm niên nhìn qua sẽ nhận ra ngay ai là người tốt, ai là kẻ gian để quyết định có làm cho họ hay nhận làm “đồ đệ” để truyền nghề. Thông thường những đơn đặt hàng mang tính “bịp bợm” như in hình dáng chìa khóa lên bánh xà phòng, xốp, cắt theo mẫu vẽ trên giấy… sẽ bị các gian hàng làm chìa khóa từ chối ngay. Bởi, “chỉ có những người tính chuyện mờ ám mới sử dụng hình thức làm chìa kiểu này thôi”, ông Thuận nhận xét.
Trường hợp khác mà người thợ khóa luôn dè chừng là khách nhờ đến nhà mở khóa. Có không ít trường hợp thợ khóa vì tin khách hàng và chủ quan mà đến tận nhà giúp, cuối cùng lại bị vào tròng và bị gán cho là đồng phạm của kẻ trộm cắp. Ông Thuận kể lại: “Ngày đầu chập chững bước vào nghề, vì tin người nên tôi được một cô hàng xóm nhờ đến mở khóa tủ của người chị bà con sống chung nhà. Nào ngờ, khi đã mở thành công, người này vơ vét hết tài sản mang đi bán lấy tiền đánh bạc. Sự việc được phát giác, tôi được gọi lên cơ quan công an làm việc thì mới tá hỏa mình vừa tiếp tay cho kẻ xấu. Qua tiếp nhận và điều tra, cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở, cảnh cáo và cho tôi về. Đây là bài học xương máu, nhớ đời của tôi”.
Ở khía cạnh khác, những người thợ khóa lại là trợ thủ đắc lực cho công an. Ông Quang cho biết, cách đây không lâu, có một thanh niên xăm trổ đầy mình, dẫn bộ chiếc xe máy đến nhờ ông mở khóa với lý do đánh mất chìa. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cộng với dáng vẻ khả nghi của người này, ông đã bí mật báo cho lực lượng chức năng đến giải quyết và sự thật xe đó là vật chứng tên này vừa trộm được.
Bên cạnh niềm vui vì đã làm một việc có ích cho cộng đồng như trên, thợ khóa cũng có những niềm vui rất dung dị. Ông Quang chia sẻ: “Vui nhất là khi đến làm tại gia, được gia chủ trân trọng, mời nước. Nhất là những lần nửa đêm gà gáy hay tối khuya, điện thoại khách gọi, sự có mặt của mình đôi khi giúp họ tránh một lần phải đứng ngoài đường, hay thiếu một thứ giấy tờ nào đó trong thời điểm khẩn cấp… Nghe tiếng thở phào của khách hàng khi mình mở được khóa, nắng hay mưa, gió hay rét đều tan biến”.
Chẳng ai biết chính xác nghề làm chìa, sửa khóa có tự bao giờ, nhưng họ đã “cứu nguy” cho không ít trường hợp làm mất chìa khóa nhà, khóa xe ô tô, xe máy… Chẳng ồn ã, những người thợ cứ lẳng lặng làm nghề, không chỉ để kiếm sống đơn thuần, mà họ còn tìm thấy trong nghề niềm vui, ý nghĩa giúp ích cho đời…
Thanh Trúc