Đối với ông Biden, những nhà tài trợ sáu con số từ Thung lũng Silicon đến Phố Wall đóng vai trò then chốt trong việc mang lại cho ông lợi thế tài chính bất ngờ trước ông Trump
Hồi đầu tháng 6, một nhóm nhỏ bao gồm các tỷ phú và những người khác thuộc giới tinh hoa ở Thung lũng Silicon đã gặp nhau qua một sự kiện trực tuyến. Chỉ trong vòng 20 phút, 25 người đã quyên góp tổng cộng 4 triệu USD cho ông Joe Biden, người khi đó được mặc định là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong bầu cử Mỹ năm nay, dù vẫn chưa nhận đề cử chính thức.
Đó là một sự kiện “kỳ lạ”, Vox bình luận, dù diễn ra trong thời buổi các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngốn cả núi tiền như hiện nay. Nhân vật chủ chốt tổ chức cuộc gây quỹ qua Zoom này là Tom Steyer, tỷ phú “quỹ phòng hộ” (hedge fund) từng ra tranh cử và đến nay là người quyên góp nhiều nhất cho ông Biden và đảng Dân chủ.
Một tối thứ hai hồi tháng 9, hơn 20 người khác tham gia một cuộc gây quỹ cho ông Biden, được tổ chức bởi tỷ phú, ông trùm truyền hình Haim Saban. Số tiền thu được còn lớn hơn: 4,5 triệu USD.
Cùng tối hôm đó, một sự kiện gây quỹ trực tuyến, với sự tham gia của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Kamala Harris, đã mang về thêm cho chiến dịch của ông Biden 4,4 triệu USD. Buổi livestream đã thu hút hơn 100.000 người xem và quyên góp, theo New York Times.
Trong khi ban vận động tranh cử của ông Biden đã loan tin về việc họ tiếp nhận kỷ lục các khoản quyên góp nhỏ, thế giới thượng lưu với các tỷ phú và siêu triệu phú vẫn là một bánh răng quan trọng trong cỗ máy kiếm tiền của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ.
Từ Hollywood đến Thung lũng Silicon rồi Phố Wall, ông Biden đã tích cực thu hút tầng lớp giàu có. Họ đã huy động được gần 200 triệu USD từ các nhà tài trợ, những người đã chi ít nhất 100.000 USD cho các hoạt động chung của ông với đảng Dân chủ trong 6 tháng qua. Số tiền này gần như gấp đôi con số Tổng thống Donald Trump huy động được từ các nhà tài trợ sáu con số trong cùng thời gian, theo phân tích hồ sơ liên bang.
Ứng viên đảng Dân chủ bước vào tháng 10 với tài khoản nhiều hơn ông Trump đến 180 triệu USD, tính chung toàn đảng của họ.
Theo một thống kê được cập nhật thường xuyên của Forbes, tính đến tháng 9/2020, 150 tỷ phú đã quyên góp trực tiếp cho chiến dịch của ông Biden hoặc cho các ủy ban gây quỹ liên kết với ông. Tổng số tiền mà các tỷ phú này đã quyên góp cho ông Biden và phe Dân chủ là 568,9 triệu USD. Hai thống kê tương ứng với ông Trump là 107 tỷ phú/248,6 triệu USD, dù chiến dịch tái tranh cử của ông về lý thuyết đã bắt đầu từ đầu năm 2017, khi ông nhậm chức tổng thống.
Danh sách những người “rút ví” cho ông Biden bao gồm một số nhân vật giàu có và nổi tiếng nhất nước Mỹ: Jeffrey Katzenberg, nhà sản xuất Hollywood, và vợ ông, Marilyn Katzenberg, đã chi 1,4 triệu USD. Sean Parker, doanh nhân công nghệ và vợ ông, Alexandra Lenas, đã chi 1,2 triệu USD. Và Reed Hastings, Giám đốc điều hành Netflix, và vợ ông, Patty Ann Quillin, đã bỏ ra 1,4 triệu USD. Quản lý cấp cao hàng đầu tại các quỹ đầu tư như Blackstone, Bain Capital, Kleiner Perkins và Warburg Pincus đều đóng góp những khoản tiền lớn.
Tỷ phú Tom Steyer (ảnh dưới), người tổ chức sự kiện quyên góp cho ông Biden hồi tháng 6, và vợ Kat Taylor đến nay là nhà tài trợ lớn nhất của ông Biden và phe Dân chủ trong mùa bầu cử 2020, với tổng cộng 397,4 triệu USD. (Dù vậy, nếu tính số tiền dành riêng cho chiến dịch của ông Biden thì ông Steyer không phải người đứng đầu, và tổng số tiền quyên góp này cũng đã tính luôn khoảng 191 triệu USD ông chi cho chiến dịch tranh cử của chính mình).
Ông Steyer, 62 tuổi, người sáng lập công ty đầu tư Farallon Capital vào thập niên 1980, sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, theo ước tính của Forbes. Ông bán cổ phần tại công ty năm 2012 và chuyển hướng sang chính trị và môi trường. Từ năm 2014 đến năm 2017, ông đã chi hơn 300 triệu USD cho chính trị, bao gồm 65 triệu USD trong mùa bầu cử năm 2016.
Ông Steyer tự nhận mình là một người ngoại đạo cấp tiến với thành tích kinh doanh, kêu gọi giới hạn nhiệm kỳ tại quốc hội, phi hình sự hóa việc vượt biên bất hợp pháp và mở rộng Tòa án Tối cao. Ông cho biết các ưu tiên hàng đầu của mình là phá vỡ ảnh hưởng của các tập đoàn và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong cuộc gây quỹ qua Zoom hôm 4/6, ngoài ông Steyer đóng vai trò chủ trì, những người đồng tổ chức bao gồm Nicole Systrom – vợ của nhà sáng lập Instagram Kevin Systrom, cũng như cặp đôi quyền lực ở Thung lũng Silicon – Swati Mylavarapu, người quản lý tài chính cho chiến dịch của Pete Buttigieg, và chồng bà, Matt Rogers, đồng sáng lập của Nest. Sự kiện bán vé tham dự ở mức tối thiểu 100.000 USD, theo thư mời.
Ông Biden vốn có quan hệ không quá tốt đẹp với các nhà tài trợ ở Thung lũng Silicon trong những ngày đầu của bầu cử sơ bộ. Cuộc gây quỹ là dấu hiệu cho thấy ông đã nhận được sự ủng hộ của giới công nghệ. Một số tỷ phú ở Thung lũng Silicon không chỉ quyên góp mà còn tự tay thúc đẩy sự ủng hộ dành cho cựu phó tổng thống bằng các giải pháp truyền thông và Internet của chính họ.
Bốn tỷ phú – nhà sáng lập LinkedIn Reid Hoffman, nhà đồng sáng lập Facebook Dustin Moskovitz, nhà từ thiện Laurene Powell Jobs và cựu CEO Google Eric Schmidt – đã có những kế hoạch tham vọng nhất, theo một bài viết của Vox hồi tháng 6. Những nước cờ của tập hợp quyền lực này được xem là công cụ để hoàn thành nhiệm vụ mà đảng Dân chủ – và của phần lớn Thung lũng Silicon – trong 4 năm qua: lật đổ Tổng thống Donald Trump.
Các tỷ phú tài trợ mọi thứ, từ các thử nghiệm khoa học chính trị không mấy thú vị đến các trang tin tức mang tính đảng phái gây chia rẽ, cho đến những nỗ lực quyết liệt nhằm đại tu hệ thống dữ liệu nhiều điểm yếu của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, mỗi tỷ phú hành động với mức độ bí mật khác nhau, và rất ít tiết lộ hay giải thích.
Vợ chồng tỷ phú Haim Saban, người tổ chức cuộc gây quỹ cho ông Biden hồi tháng 9, cũng là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của đảng Dân chủ. Khối tài sản ước tính 3,2 tỷ USD được tích lũy từ những năm tháng ông Saban hoạt động trong ngành truyền hình, bao gồm việc sản xuất các series nổi tiếng như Power Rangers.
“Chúng tôi không giàu như thế. Chúng tôi không phải Larry Ellison hay Bill Gates hay Jeffrey Bezos”, ông Saban từng nói trong một cuộc phỏng vấn với Hollywood Reporter. “Chúng tôi không đứng trong hàng ngũ đó nhưng chúng tôi cũng tàm tạm”.
Dù là dân nhập cư từ Israel, ông Saban đã chọn không đứng về phía ông Trump, người đã xây dựng mối quan hệ rất tốt với quốc gia Do Thái. Chính quyền hiện tại công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và dời đại sứ quán về đây, cũng như giúp đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Israel và một số nước Arab.
Sau Thung lũng Silicon và Hollywood, ông Biden cũng giành được sự ủng hộ của giới tinh hoa ở Phố Wall. Khi ông Biden vượt qua mùa đông đầy biến động hồi đầu năm nay để trở thành ứng viên mặc định của đảng Dân chủ, hàng triệu USD mà cư dân Phố Wall quyên góp cho ông Biden và các nhóm bên ngoài ủng hộ chiến dịch của ông đã giúp ông có được vị trí dẫn trước trong các cuộc thăm dò toàn quốc.
Phố Wall đã sống rất tốt dưới thời ông Trump: miễn giảm thuế nhiều, nới lỏng quy định, và cho đến trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, giá cổ phiếu tăng kỷ lục. Song trong những tháng qua, nhiều cư dân đã tức giận vì phản ứng của chính quyền Trump trước đại dịch.
Ngày càng nhiều người trong giới tài chính gạt sang một bên lo lắng của họ về tuổi của ông Biden – 77 – và phong cách của ông. Họ cũng tỏ ra không nao núng trước khả năng ông sẽ tăng thuế và giám sát chặt hơn lĩnh vực của họ. Ngược lại, họ trông chờ sự lãnh đạo đầy kinh nghiệm và có phương pháp mà ông có thể mang lại.
“Tôi đã thấy một số lượng đáng kể người gạt sang bên lợi ích kinh tế ngắn hạn bởi họ coi trọng việc là công dân trong một nền dân chủ”, Seth Klarman, người sáng lập quỹ đầu cơ Baupost, nói với New York Times.
Là cử tri độc lập lâu năm, ông Klarman từng có lúc là nhà tài trợ lớn nhất của đảng Cộng hòa tại vùng New England. Song trong mùa bầu cử này, tỷ phú với khối tài sản khoảng 1,5 tỷ USD đã quyên góp 3 triệu USD cho các nhóm hỗ trợ ông Biden.
Ông Biden đã không chỉ trích giới tinh hoa Phố Wall mạnh mẽ như các đối thủ của ông trong bầu cử sơ bộ, hai thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders. Ngược lại, ông đã tập hợp được sự ủng hộ của một nhóm nhỏ người trong giới tài chính khi còn là thượng nghị sĩ đại diện bang Delaware.
“Người giàu cũng yêu nước như những người nghèo”, ông Biden nói với các nhà tài trợ trong một buổi gây quỹ tại khách sạn Carlyle ở Manhattan năm ngoái. Trong một sự kiện của Viện Brookings năm 2018, ông nói: “Tôi không nghĩ 500 tỷ phú là lý do chúng ta gặp rắc rối”.
Trong khi các nhà tài chính Phố Wall có xu hướng tự do hơn về mặt xã hội, họ lại cùng nhau “dao động” qua lại giữa các đảng phái. Dữ liệu từ Center for Responsive Politics cho thấy cộng đồng chứng khoán và đầu tư đã quyên góp nhiều hơn cho ông George W. Bush vào năm 2004, sau đó cho ông Obama vào năm 2008, cho ông Mitt Romney vào năm 2012, và cho bà Clinton vào năm 2016.
Năm nay, người đó là ông Biden. Dòng tiền trong ngành tài chính chảy đến ông Biden và các nhóm bên ngoài ủng hộ ông cho thấy ông đã quyên góp được nhiều hơn tổng thống đương nhiệm một cách đáng kể, với 50 triệu USD so với 10 triệu USD của ông Trump.
Tháng trước, nhiều nhà đầu tư ở Phố Wall, bao gồm Alan Leventhal, giám đốc điều hành của Beacon Capital; Nat Simons, người điều hành một quỹ đầu tư công nghệ sạch; và Jon Gray, chủ tịch của Blackstone, đã tổ chức gây quỹ trực tuyến cho ông Biden.
Việc quyên góp giờ đây mạnh mẽ đến mức ban vận động tranh cử của ông Biden đã bắt đầu yêu cầu quyên góp ít nhất 1 triệu USD trước khi xác nhận sự tham dự của cựu phó tổng thống tại một sự kiện, theo New York Times.
Đồng thời, khi quy mô quyên góp ngày càng lớn, phía Biden đã trở nên kín kẽ hơn. Cho đến nay, họ vẫn từ chối tiết lộ tên những người gây quỹ có ảnh hưởng nhất của họ, những người thu thập các khoản quyên góp lớn từ bạn bè và cộng sự kinh doanh rồi sau đó chuyển tiền cho chiến dịch.
Để tiếp tục “rút ví” của các nhà tài trợ, phía Biden đã tổ chức các sự kiện kín với một số cố vấn chính sách hàng đầu của ứng viên Dân chủ, cung cấp quyền tiếp cận với những người có thể trở thành người ra quyết định chính trong chính quyền Biden tương lai.
Chẳng hạn, như Politico đưa tin, tỷ phú Steyer đã tỏ ra hứng thú với việc tham gia chính quyền nếu ông Biden đắc cử và đã thảo luận về khả năng này với các cố vấn của cựu phó tổng thống. Nguồn tin cho hay tỷ phú San Francisco quan tâm đến một vị trí phụ trách chính sách khí hậu và kinh tế.
Về mặt luật pháp, ông Biden phải công khai danh tính của chính những người đóng góp. Sau khi được New York Times liên hệ hồi giữa tháng 10, ban vận động tranh cử của ông nói họ sẽ tiết lộ những người thay mặt chiến dịch gây quỹ vào cuối tháng.
“Joe Biden đang đấu tranh chống lại vị tổng thống tham nhũng và không trung thực nhất trong lịch sử của chúng ta, và đã làm như vậy trong khi duy trì tiêu chuẩn minh bạch và liêm chính vượt xa cách đối thủ tiến hành chiến dịch của họ”, T.J. Ducklo, phát ngôn viên của ông Biden, nói.
Thực tế, ông Biden vẫn đang tiết lộ nhiều hơn so với ông Trump về việc ai đang tài trợ cho chiến dịch và mức độ tiếp cận của những nhà tài trợ đó. Tổng thống đương nhiệm đã tổ chức các cuộc gây quỹ với những người đóng góp lớn hoàn toàn ở sau cánh cửa đóng kín, bao gồm một số sự kiện được tổ chức tại doanh nghiệp của riêng ông, nơi ông đồng thời thu lợi nhuận.
Hồi tháng 9, tạp chí Forbes đã tiến hành khảo sát với 600 tỷ phú tại Mỹ, bao gồm cả những người đã quyên góp và những người chưa quyên góp đồng nào trong mùa bầu cử năm nay, và thu về phản hồi từ 42 tỷ phú.
Kết quả, được công bố hôm 20/10, cho thấy số tỷ phú theo đảng Cộng hòa (43%) nhiều hơn số người theo đảng Dân chủ (33%). Tuy nhiên, gần một nửa, tức 48%, nói họ sẽ bầu cho ông Biden, trong khi chỉ 40% nói sẽ bầu cho ông Trump.
Không tỷ phú nào nói họ sẽ thay đổi lập trường từ bầu cho ứng viên Dân chủ năm 2016 sang bầu cho ứng viên Cộng hòa năm 2020, và ngược lại. Dù vậy, họ dường như nhất trí ở một điểm, khi 80% người trả lời nói họ đồng ý hoặc vô cùng đồng ý rằng đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong cuộc đời họ.
Tiền nhiều hơn hoàn toàn không giúp đảm bảo chiến thắng trong ngày 3/11 – điều mà cuộc bầu cử năm 2016 đã chỉ ra. Năm đó, bà Clinton, ứng viên đảng Dân chủ, chi tổng cộng 565 triệu USD cho chiến dịch, trong khi ông Trump chi 322 triệu USD, theo New York Times.
Tuy nhiên, một số hệ lụy đang diễn ra ngay lúc này, sau khi tỷ phú Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng New York, quyết định đầu tư 100 triệu USD để hỗ trợ ông Biden và đảng Dân chủ tại Florida, bang chiến trường có thể xem là khốc liệt nhất trong cuộc đua năm nay.
Chiến dịch quảng cáo và chi tiêu thực địa mạnh tay của ông Bloomberg, bắt đầu hơn một tháng trước, đã đẩy ông Trump vào thế phòng ngự tại Florida. Kết quả, chiến dịch của ông phải giảm quy mô quảng cáo truyền hình tại các bang dao động chủ chốt ở phía bắc như Wisconsin, Pennsylvania và Michigan.
100 triệu USD là số tiền rất lớn, ngang bằng khoản tài trợ mà ông Bloomberg bỏ ra hồi năm 2018 để giúp phe Dân chủ giành lại hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Đồng thời, việc đổ lượng tiền lớn như vậy cho riêng một bang là điều chưa từng xảy ra.
Ở Florida, ranh giới giữa thắng và thua là rất nhỏ, vì sự phân bố cử tri của cả hai đảng rất cân bằng. Trong ba cuộc bầu cử lớn gần đây nhất, chiến thắng ở Florida chỉ được định đoạt bằng cách biệt nhỏ hơn một điểm phần trăm.
“Gần như ông Trump không thể đắc cử tổng thống nếu không thắng ở Florida”, Kevin Sheekey, cố vấn chính trị cấp cao của ông Bloomberg, cho biết.
“Đó là lý do Bloomberg đầu tư 100 triệu USD vào cuộc đua ở đó – để biến nó thành một bang mà ông Trump và đảng Cộng hòa phải rất vất vả mới giành được chiến thắng, đồng thời giải phóng nguồn lực của đảng Dân chủ cho các bang khác như Pennsylvania có thể củng cố chiến thắng của ông Biden”,
“Florida là bang chủ chốt để giành chức tổng thống – và là nơi chúng tôi hy vọng Donald Trump sẽ cư trú sau khi ông thua”, ông Sheekey nói.