Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã đề nghị Microsoft thoái vốn tại Trung Quốc
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã đề nghị Microsoft thoái vốn tại Trung Quốc nếu họ muốn mua lại ứng dụng TikTok từ ByteDance, đồng thời phải nộp ngân sách lại cho Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã đồng ý cho ByteDance 45 ngày để đàm phán bán TikTok cho Microsoft. Trước đó, vào hôm 1/8, ông Trump cho biết đã lên kế hoạch cấm TikTok tại Mỹ sau khi bác bỏ ý tưởng bán cho Microsoft.
Thương vụ ByteDance bán TikTok cho Microsoft sẽ được giám sát bởi Ủy ban Đầu tư quốc tế (CFIUS) và một ủy ban kinh tế độc lập khác tại Mỹ
“Mircosoft đánh giá cao sự quan tâm của Tổng thống Trump, chúng tôi đang cân nhắc mua lại TikTok dưới sự xem xét về bảo mật thông tin người dùng và lợi ích kinh tế cả nước Mỹ”, đại diện Microsoft cho biết.
Theo Reuters, TikTok đang được những nhà đầu tư ban đầu của ByteDance định giá khoảng 50 tỷ USD, một con số rất lớn nếu so với ứng dụng Snap đang có mức vốn hóa thị trường là 33,6 tỷ USD.
Với việc ông Trump đặt một cột mốc thời gian giao dịch là trước 15/9, đồng thời xác định lý do hoãn là vì tôn trọng quyền lợi kinh tế của Microsoft, TikTok bị đẩy vào tình thế rất khó khăn: phải bán mình cho Microsoft và phải bán nhanh.
Microsoft chưa cho biết số tiền công ty này sẵn sàng bỏ ra và hình thức giao dịch là như thế nào. Nhưng nhiều khả năng, Microsoft có thể ép giá của thương vụ thấp hơn con số 50 tỷ USD rất nhiều để buộc TikTok sớm hoàn thành trước ngày 15/9.
Theo thỏa thuận được đề xuất, Microsoft cho biết họ sẽ tiếp quản các hoạt động của TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand
Công ty cam kết tất cả dữ liệu người dùng TikTok Mỹ sẽ được đặt tại Mỹ.
Ông Trump ban hành lệnh cấm ứng dụng TikTok được cho là có thể sẽ ảnh hưởng tới kết quả của cuộc tranh cử sắp tới của ông, khi nền tảng chia sẻ video này được sử dụng bởi rất nhiều người dùng trẻ. Vì vậy, một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã thuyết phục ông Trump để thương vụ Microsoft và TikTok được tiếp tục.
Trang tin China Daily có ý kiến khác khi xác định ByteDance là “nạn nhân” khi chính phủ Mỹ không thể cung cấp bằng chứng chính xác về việc công ty này làm ảnh hưởng an ninh quốc gia Mỹ.
Một vấn đề quan trọng khác của cuộc đàm phán là tách TikTok ra khỏi cơ sở hạ tầng và quyền truy cập của ByteDance nhằm giảm bớt lo ngại của chính phủ Mỹ về tính trọn vẹn của dữ liệu người dùng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News Channel, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết bất kỳ công ty nào muốn mua lại TikTok đều có thể trở thành mối lo ngại. Ông Navarro trích dẫn ví dụ như Bing và Skype của Microsoft, cả 2 nền tảng này đều có khả năng tạo thuận lợi cho Trung Quốc cài gián điệp an ninh mạng thông qua quá trình kiểm duyệt, giám sát.
Microsoft có hơn 6.000 nhân viên tại Trung Quốc, tại các văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Tô Châu
Công ty này đã mở cơ sở tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, mức doanh thu từ Trung Quốc chỉ chiếm hơn 1% doanh thu của cả công ty.
Microsoft hiện đang thúc đẩy dịch vụ đám mây Azure tới khách hàng Trung Quốc, thông qua quan hệ đối tác với nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu địa phương 21Vianet.
Ở một diễn biến khác, chính phủ Anh đã bật “đèn xanh” cho TikTok để thiết lập trụ sở tại London. Một phát ngôn viên chính phủ cho biết: “Việc Byte Dance toàn cầu đặt trụ sở tại Anh là một cơ hội đầu tư mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như mở ra nhiều cơ hội việc làm”.
Hiện TikTok vẫn chưa lên tiếng xác nhận.