Ngay cả khi đang giữ ‘miếng bánh’ lớn nhất trong chuỗi cung ứng Apple, lãnh đạo của công ty Đài Loan Foxconn vẫn để mắt tới đối thủ nhỏ con đến từ Trung Quốc: Luxshare-ICT.
Luxshare sẽ là công ty Trung Quốc đầu tiên lắp ráp iPhone
Đối với Foxconn, Luxshare như đúc cùng một khuôn với mình, ít nhất là vì nó là “con đẻ” của Grace Wang – cựu nhân viên, người có phong cách rất giống nhà sáng lập Foxconn Terry Gou. Foxconn tin rằng Luxshare có thể là một đối thủ đáng gờm. Một quan chức tại công ty Đài Loan cho biết họ theo dõi Luxshare nhiều năm nay. Bà Wang có ý chí lãnh đạo mạnh mẽ, tiếp thu nhanh, đội ngũ cũng vô cùng tham vọng và cạnh tranh.
Những phán đoán kể trên hoàn toàn chính xác. Luxshare, thành lập năm 2004 tại Trung Quốc, đôi lúc được gọi là “tiểu Foxconn”, đang gặm nhấm thị phần của ông lớn Đài Loan và muốn xáo trộn một trong các chuỗi cung ứng công nghiệp quan trọng nhất thế giới thông qua kế hoạch thâu tóm.
Doanh thu Luxshare đã tăng 5 lần lên 62,09 tỷ NDT trong vòng 5 năm sau khi được Apple và nhiều tên tuổi công nghệ lớn như Microsoft, Google, Amazon, HP và Dell tin tưởng. Giá trị thị trường của hãng cũng tăng mạnh, vào khoảng 375,1 tỷ NDT.
Một quan chức trong chuỗi cung ứng iPhone tiết lộ: “Ngay cả Young Liu (Chủ tịch Foxconn – PV) cũng chú ý tới biến động giá cổ phiếu Luxshare. Giá trị thị trường của họ đã vượt Foxconn”.
Tháng trước, Luxshare ký hợp đồng 3,3 tỷ NDT mua lại một nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc từ Wistron, công ty nhỏ nhất trong bộ ba nhà lắp ráp iPhone của Đài Loan, sau Foxconn và Pegatron. Dù vẫn cung ứng linh kiện iPhone, đây là lần đầu tiên Luxshare đảm nhận nhiệm vụ phức tạp hơn là lắp ráp toàn bộ điện thoại. Sự kiện cũng đặt dấu chấm hết cho sự thống trị của các đối tác Đài Loan trong sản xuất iPhone.
Luxshare không dừng lại ở đây. Họ đang đàm phán cho những thương vụ tiếp theo với các nhà cung ứng công nghệ khác và có thể đạt thỏa thuận trong vài tháng tới, theo nguồn tin của Nikkei. Một trong số đó là đối tác cung ứng khung kim loại cho iPhone. Nó sẽ giúp mở rộng sự hiện diện và làm sâu sắc mối quan hệ của Luxshare với Apple. Hiện tại, Apple đóng góp hơn 50% doanh thu cho Luxshare.
Giá trị thị trường của Luxshare và Foxconn từ năm 2010 tới 2020
Thực tế, “táo khuyết” nâng đỡ Luxshare không ít. CEO Apple Tim Cook vào tháng 12/2017 đã thăm cơ sở sản xuất AirPods của Luxshare và khen ngợi nhà sáng lập Wang vì đã “hiện thức hóa giấc mơ của người Trung Quốc”. Mối quan tâm của Apple dành cho Luxshare cho thấy nước này quan trọng thế nào đối với Apple trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang, đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Gần 20% doanh thu của nhà sản xuất iPhone đến từ Trung Quốc.
Dù Apple đề nghị nhiều đối tác cung ứng đa dạng hóa nhà máy bên ngoài Trung Quốc, Luxshare lại trở thành lựa chọn hàng đầu của họ khi muốn tìm kiếm đối tác cung ứng địa phương hoàn chỉnh, trung thành. Một nguồn tin nhận xét Apple hoàn toàn biết về các cuộc đàm phán của Luxshare và các nước đi này cũng được Apple đồng thuận. Rõ ràng, Apple muốn Luxshare đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc giữa căng thẳng Mỹ Trung.
Luxshare cũng đáp lời kêu gọi của Apple khi xây nhà máy sản xuất AirPods tại Việt Nam vào năm 2019, chỉ cách nhà máy Foxconn khoảng 15 phút lái xe. Luxshare còn mở công ty liên doanh với Merry Electronics để sản xuất linh kiện âm thanh tại miền Trung Việt Nam.
Luxshare không chỉ là lựa chọn của Apple mà còn là trung tâm trong tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. Cuối năm 2019, Bắc Kinh thành lập quỹ 147,2 tỷ NDT để nâng cấp năng lực sản xuất của quốc gia. Luxshare – gánh trên vai hi vọng trở thành “Foxconn của Trung Quốc” – là một trong các công ty trọng điểm được nhận trợ cấp chính phủ, theo nguồn tin của Nikkei. Trên tài khoản WeChat chính thức, Luxshare cho biết bà Wang đã tham dự hội nghị chuyên đề giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các công ty nhà nước, tư nhân ngày 21/7.
Tuy nhiên, Luxshare tăng trưởng cũng đi kèm với rủi ro địa chính trị.
Mỹ đã nhằm vào hàng loạt công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE, TikTok vì nguy cơ an ninh quốc gia. O-Film Tech, đối tác cung ứng mô-đun camera cho Apple, gần đây cũng ngồi chung danh sách cấm vận với Huawei. Sự phát triển nhanh chóng của Luxshare có thể đánh động Washington.
Nhà sáng lập Luxshare Grace Wang (đứng giữa)
Cũng như Foxconn, công ty được Terry Gou thành lập năm 1974, Luxshare mở rộng hoạt động thông qua đầu tư vào nhiều nhà sản xuất linh kiện khác nhau, đặc biệt trong chuỗi cung ứng Apple, từ đầu dây nối tới mô-đun camera, linh kiện âm thanh, để đa dạng hóa danh mục sản phẩm và hình thành liên kết sâu hơn với Apple.
Trước khi tham gia vào lắp ráp iPhone, Luxshare đã cung ứng nhiều linh kiện như motor rung, loa, mô-đun sạc không dây, mô-đun camera. Họ còn cung cấp mô-đun chính để kích hoạt kết nối Bluetooth trong tai nghe AirPods Pro.
Đây từng là chìa khóa thành công của Foxconn, giúp họ kiểm soát chặt hơn chuỗi cung ứng và trở nên cạnh tranh hơn. Những người hiểu biết về Luxshare cho rằng họ giống như “con ruồi” khó chịu, vo ve theo Foxconn khắp nơi, từ Đông Nam Á sang Ấn Độ. “Luxshare muốn làm mọi thứ Foxconn đang làm và muốn làm những gì Foxconn đang yếu kém”, người này nhận xét.
Một giám đốc trong chuỗi cung ứng hồi tưởng lại bình luận của bà Wang về Foxconn. Theo đó, dù khen ngợi tính chuyên nghiệp và quản lý tốt, bà cho rằng các công ty Đài Loan thua Trung Quốc về tốc độ và sự hiếu chiến. “Anh thiếu đi phẩm chất quan trọng: hành động như một con sói”, trích lời bà Wang.
Bà Wang từng là công nhân tại Foxlink, công ty cung ứng đầu dây nối của em trai ông Gou, vào những năm 1980. Bà từng bước thăng cấp tại đây trước khi rời đi để mở công ty xuất nhập khẩu linh kiện riêng – tiền thân của Luxshare – vào cuối những năm 1990.
Lần đầu tiên Luxshare xuất hiện trong danh sách 200 nhà cung ứng hàng đầu của Apple là vào năm 2013 với tư cách nhà cung ứng đầu dây nối. Năm 2017, họ trở thành đơn vị lắp ráp AirPods và năm 2019 là Apple Watch. Hiện tại, sau khi mua lại nhà máy của Wistron, Luxshare sẽ bắt đầu với lượng nhỏ iPhone từ năm 2021 trước khi bước vào sản xuất quy mô lớn vào năm 2022, theo Nikkei.
Liên kết ngày một mạnh hơn với Apple gợi ý Luxshare đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hãng về chất lượng sản phẩm và hiệu quả. Bên cạnh lợi thế về trợ cấp của chính phủ, Luxshare còn được hưởng lợi nhờ chỉ số P/E cao của thị trường vốn, giúp họ dễ dàng tiếp cận nguồn tiền để đầu tư và thâu tóm đối thủ.
Ngoài ra, Luxshare còn chiêu mộ nhiều nhân tài đến từ các doanh nghiệp khác nhau trong chuỗi. Chẳng hạn, thư ký hội đồng quản trị Luxshare David Huang là cựu binh tại Foxconn, còn một lãnh đạo mạng lưới khác của Foxconn cũng gia nhập Luxshare năm 2019 và trở thành “cốt cán” của bộ phận ăng-ten.
Nhà sáng lập Foxconn Terry Gou
Tuy nhiên, Luxshare hình thành văn hóa doanh nghiệp khác hoàn toàn Foxconn. Foxconn thường được ví với một đội quân, nơi các lãnh đạo cao cấp bị ông Gou khiển trách hoặc phải đứng trong các cuộc họp nếu phạm lỗi. Chủ tịch Foxconn hiện tại đi theo phong cách bình dị hơn.
Trong khi đó, theo nguồn tin, đội ngũ quản lý của Luxshare tương đối trẻ. Họ khuyến khích nhân viên góp ý kiến trong nhóm WeChat có hàng trăm người tham gia, bao gồm cả nhóm quản lý. Điều này giúp họ có cảm giác được tôn trọng, như thể họ là trung tâm của công ty. Một nguồn tin tiết lộ đôi khi bà Wang còn ghé thăm nhân viên, xem họ đang thảo luận điều gì và thậm chí còn mời họ café.
Dù vậy, giới quan sát nhận định Luxshare không thể sớm truất ngôi Foxconn. Không rõ lợi thế của Luxshare sẽ ảnh hưởng thế nào nếu mở rộng địa bàn ngoài Trung Quốc nếu thiếu trợ cấp từ chính phủ. Nhờ sức mạnh xây dựng qua nhiều năm và quy mô sản xuất khổng lồ, không công ty nào trên thế giới có thể dễ dàng thay thế Foxconn. Họ vẫn sẽ đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng điện tử trong tương lai.
Song, không vì thế mà Foxconn chủ quan với Luxshare. Chủ tịch Liu làm rõ điều này vào ngày 12/8, trong khi báo cáo kết quả kinh doanh: “Trên thị trường tự do luôn có đối thủ mới. Foxconn sẽ tiếp tục tăng năng lực cạnh tranh và tôi tin tất cả đối thủ của chúng tôi biết rõ không dễ để đoạt vị trí số 1 thế giới này. Chúng tôi biết Luxshare đang chuẩn bị lắp ráp iPhone nhưng chúng tôi sẽ quan sát và theo dõi”.
Sean Kao, nhà phân tích kỳ cựu về chuỗi cung ứng của IDC, nhận xét rất khó nói ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua mới khi mọi công ty đều không chỉ cần hoạt động tại Trung Quốc mà còn mở rộng ra quốc tế. “Không rõ các công ty Trung Quốc này có thể thành công không khi họ cần phải hoạt động tại Việt Nam, Ấn Độ hay nước khác… Vẫn cần thời gian để chứng minh họ vẫn cạnh tranh được như khi ở quê hương”, ông nói.
Du Lam (Theo Nikkei)