Anh Sáu Đủ đã thành công từ mô hình vườn – ao – chuồng (VAC) với thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm
Năng động, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Sáu Đủ (Trần Văn Đủ), ở ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, đã thành công từ mô hình vườn – ao – chuồng (VAC) với thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm.
Tâm sự với chúng tôi, anh Đủ cho biết sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân như nhiều hộ thuần nông khác. Cuộc sống gia đình anh hơn 20 năm trước thật sự khó khăn, bởi không ruộng đất. Để có được miếng ăn hàng ngày, anh phải cật lực làm thuê, còn vợ anh là chị Nguyễn Thị Út ở nhà vừa chăm con, vừa làm công việc nội trợ nấu rượu nuôi heo. Tích cóp nhiều năm, anh mua được 2ha đất rồi lên liếp lập vườn trồng cam, bưởi, mít, sầu riêng cho nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Như chưa thỏa mãn khát vọng vươn lên làm giàu từ mảnh vườn của mình, anh tiếp tục đầu tư mở thêm chuồng trại chăn nuôi heo
Thức ăn cho heo được anh tận dụng từ bã hèm rượu chị nấu, lấy chất thải từ hầm ủ biogas của heo để làm phân bón cho cây trồng, nguồn khí gas làm chất đốt sinh hoạt nấu ăn trong gia đình, mỗi năm anh tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Những năm gần đây, nhờ tìm hiểu thêm thông tin trên báo, đài… về kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, anh thấy như đã mở ra cho người nông dân hướng phát triển kinh tế, làm giàu từ mô hình VAC trang trại. Thấy có lợi, anh bắt tay vào việc nuôi thêm ốc. Những năm đầu do kinh nghiệm còn hạn chế, anh bị thất bại khi cho ấp nở không thành công. Anh tiếp tục kiên nhẫn làm lại từ đầu và anh thấy nuôi ốc bươu đen không tốn kém chỉ đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ được những công đoạn nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường.
Anh Đủ cho rằng ốc bươu đen ăn bẩn nhưng ở sạch, chúng chỉ sống được trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm, không được nuôi cùng ao với các loại vịt, cá, bởi thức ăn của những loài này chính là ốc và trứng ốc. Ao nuôi cũng cần vệ sinh mỗi năm 1 lần, dưới mương nên trồng thêm nhiều rong đuôi chồn để làm nơi trú ngụ cho ốc, vừa ngăn được cá vào mương ăn ốc.
Thức ăn của ốc bươu đen thường là những thứ có sẵn trong vườn nhà như lá khoai lang, khoai mì, xơ mít, mít trái hư thối, bèo tấm, chuối cây… Chỉ khi ương ốc con 3-4 tuần tuổi thì mới vỗ bằng cám gạo để ốc con phát triển tốt hơn. Đặc điểm của ốc bươu đen là trú ngụ dưới bóng mát như cây lục bình, bông súng. Bờ ao cũng không nên làm kè kiên cố mà phải để tự nhiên. Bởi khi ốc sinh sản sẽ bám vào cây hoặc cỏ quanh bờ để đẻ trứng và ốc giống cần phải lựa chọn những con khỏe mạnh, thân miệng đầy đặn để nuôi sinh sản.
Mật độ nuôi từ 10-12 con/m2 theo tỷ lệ cân đối 1 đực 1 cái, ốc bươu đen có khả năng sinh sản quanh năm và nhiều nhất vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Khi trứng ốc mới đẻ có màu trắng trong và chuyển sang trắng đục khi sắp nở. Sau khi trứng nở, ốc con rơi xuống nước vỏ cứng dần, chúng tự bò đi kiếm chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn.
Khoảng thời gian 5-6 tháng tuổi, ốc trưởng thành có thể thu hoạch với trọng lượng cân nặng khoảng 25-30 con/kg. Từ kinh nghiệm nhiều năm nghề nuôi ốc, anh Đủ và con trai tên Trần Quang Vinh đã nhân giống thành công giống ốc bươu đen, với tỷ lệ đạt hơn 90% số lượng. Đến nay, anh có thể chủ động cung cấp ốc con giống cho khách hàng ở các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, hoặc một số tỉnh, thành phía Bắc với số lượng nhiều.
Theo anh Đủ, thông thường thời gian nuôi ốc từ giai đoạn trứng đến ốc thương phẩm là hơn 3 tháng, nếu muốn giữ làm ốc bố mẹ thì cần nuôi kéo dài thêm 2 tháng nữa
Còn thời gian thu hoạch ốc thương phẩm gối vụ rải rác trong năm, thường tập trung vào các tháng 4 kéo dài đến tháng 9 âm lịch. Hiện anh Đủ đang sở hữu hơn 40 mương vườn nuôi ốc bươu đen, trên cùng diện tích trồng cam, bưởi, sầu riêng và mít Thái. Anh Đủ cho biết hiện mức thu nhập hàng năm của anh đã vượt con số hơn 1 tỉ đồng/năm từ các nguồn thu như tiền bán trái cây, heo, ốc thịt, ốc giống.
Anh Hồ Phát Tài, cán bộ Tổ kỹ thuật nông nghiệp thị trấn Mái Dầm, thừa nhận với cách làm sáng tạo của anh Đủ đã phát triển được nguồn giống ốc đặc sản tại địa phương. Hướng tới đây, thị trấn sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề nghị về trên nhân rộng mô hình cho nhiều hộ nuôi khác, nhằm góp phần nâng mức thu nhập cho người dân.