Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động nghiêm trọng tới các hãng hàng không thế giới, buộc các hãng phải tìm kiếm sự cứu trợ, sa thải nhân viên, cắt giảm hoạt động…
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hãng hàng không quốc gia Garuda của Indonesia trong 6 tháng đầu năm nay thua lỗ 10.100 tỷ rupiah (696,55 triệu USD) so với mức lãi ròng 24,11 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Giám đốc điều hành (CEO) Garuda, Irfan Setiaputra, tuần trước cho biết dịch COVID-19 đã buộc hãng phải cắt giảm tần suất chuyến bay từ 400 chuyến/ngày xuống còn 100 chuyến/ngày, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận khi lượng hành khách giảm tới khoảng 90%.
Tổng doanh thu của Garuda đã giảm 58,2% xuống còn 917,28 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2020
Doanh thu từ các chuyến bay theo lịch trình giảm gần 60% xuống còn 750,26 triệu USD trong khi doanh thu từ các chuyến bay không theo lịch trình hoặc thuê riêng tăng gần 400% lên 21,55 triệu USD.
Nhằm giúp hãng hàng không quốc gia trụ vững, ông Setiaputra đã đề xuất phát hành trái phiếu chuyển đổi bắt buộc với tổng trị giá 8.500 tỷ rupiah cho công ty tài chính quốc doanh PT Sarana Multi Infrastruktur.
Tuy nhiên, hiện Chính phủ Indonesia chưa phản hồi về đề xuất này. Garuda cũng đang đàm phán với hãng Airbus về việc hoãn giao 4 máy bay mới.
Trước đó, hãng hàng không này đã hủy đơn đặt hàng 49 máy bay Boeing 737 Max 8, đồng thời đặt mục tiêu tái cấu trúc đội máy bay thuê và chấm dứt các hợp đồng không được sử dụng, khai thác.
Theo ông Setiaputra, bên cạnh việc đàm phán lại với các chủ nợ, Garuda cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính.
Ngoài ra, hãng hàng không này còn có kế hoạch cắt giảm 20% chi phí hoạt động và đang tìm kiếm một số hình thức hỗ trợ của Chính phủ Indonesia.
3.000 nhân viên bị sa thải và chấm dứt hoạt động của công ty con – thương hiệu bay giá rẻ Tigerair Australia
Tại Australia, hãng hàng không Virgin Australia ngày 5/8 công bố sa thải 3.000 nhân viên và chấm dứt hoạt động của công ty con – thương hiệu bay giá rẻ Tigerair Australia, đồng thời tiếp tục đình chỉ các chuyến bay quốc tế đường dài, ngừng hoạt động các đội máy bay trong bối cảnh biên giới nước này có thể vẫn bị hạn chế cho đến năm 2021.
Do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 đối với ngành hàng không thế giới, Virgin Australia đã lâm vào tình trạng đứng trước bờ vực phá sản, với số nợ lên tới 7 tỷ AUD (gần 5 tỷ USD).
Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư, tháng Sáu vừa qua, hãng hàng không này đã được bán lại cho quỹ đầu tư Bain Capital của Mỹ, bắt đầu triển khai kế hoạch tái cấu trúc, hướng đến mô hình Virgin Australia 2.0 nhỏ gọn và hiệu quả hơn trong tương lai.
Hãng hàng không Virgin Atlantic của Anh đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ trong bối cảnh hãng này đang tìm cách đạt được một thỏa thuận cứu trợ ở Anh.
Theo hồ sơ tòa án, hãng Virgin Atlantic xin bảo hộ phá sản tại New York theo Chương 15 nhằm bảo vệ tài sản của hãng ở Mỹ với tư cách chủ nợ nước ngoài trong khi tìm cách để các chủ tín dụng thông qua kế hoạch cứu trợ của hãng ở Anh.
Virgin Atlantic đã thông báo kế hoạch giảm chi phí hằng năm xuống 280 triệu bảng/năm và đầu năm nay đã thông báo kế hoạch giảm hơn 3.000 việc làm do dịch bệnh khiến hãng đình chỉ mọi hoạt động bay.
Trong khi đó, sân bay Copenhagen của Đan Mạch (CPH) đang cân nhắc sa thải 650 nhân viên do không thể duy trì đội ngũ nhân viên như ở thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh.
CPH ước tính kế hoạch cắt giảm nhân viên này sẽ giúp tiết kiệm chi phí khoảng 325 triệu crown (khoảng 52 triệu USD).
Doanh thu của CPH trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm 55,5% do khủng hoảng dịch COVID-19.
Lượng hành khách qua lại sân bay này trong 6 tháng đầu năm giảm 65,2% so với cùng kỳ năm ngoái khi sân bay đón tiếp khoảng 14,4 triệu lượt khách.
CPH dự báo mức thua lỗ sau khi nộp thuế là từ 450-750 triệu crown trong năm 2020./.