Ở tuổi U60, cô Phương thực hiện được những động tác yoga nâng cao mà người trẻ cũng phải… lắc đầu
Ở độ tuổi U60, nhiều phụ nữ chấp nhận sống chung với cơ thể ngày một xuống cấp, già nua và ốm yếu, nhưng cô Nguyễn Thị Phương (giáo viên cấp II đã về hưu, ở Hà Nội) thì khác. Khi thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu của tuổi già, cô bắt tay ngay vào “công cuộc yêu thương bản thân”.
Làm quen với yoga lúc đã 57 tuổi, sau 2 năm tập luyện, cơ thể và tinh thần cô Phương có những thay đổi tích cực rất bất ngờ. Cô thực hiện được những động tác yoga điêu luyện và khó, thậm chí người trẻ cũng phải… lắc đầu.
Những tư thế yoga mà trước đây cô mơ ước, nay đều thực hiện được dễ dàng. Càng ngày cô càng yêu thích bộ môn này.
Cô Phương kể, cô đến với yoga chỉ mong mình khỏe hơn, cơ thể gọn gàng để mặc quần áo cho dễ nhìn
Trước khi tập, người cô nhão, nhiều mỡ thừa, ăn ngủ kém và thường xuyên đau ốm. Sau thời gian dài tập luyện, cô giảm được 7cm vòng eo, vòng ngực và vòng mông vẫn giữ số đo 92cm, cơ thể săn chắc, không ốm vặt nhiều như trước.
Tập yoga khi tuổi đã cao là một thách thức. Đã có những lúc cô muốn bỏ cuộc, nhưng rồi cô tự động viên để vượt qua. Câu thần chú của cô là: “Tất cả sẽ qua cả thôi, cái gì cũng có giá của nó”. Cô sắp xếp lại thời gian, xác định giờ giấc tập yoga phải có “chỗ đứng” chắc chân trong thời gian biểu. Mỗi ngày, cô dành 1 tiếng buổi sáng đến trung tâm để tập. Thời điểm dịch bệnh COVID-19, cô tập luyện siêng năng ở nhà.
Khi được hỏi về bí quyết theo đuổi yoga ở thời điểm cơ thể đã… muốn nghỉ hưu, cô Phương chia sẻ: “Cô tập 40% để dẻo và 60% để tăng thể lực. Dù ở tuổi nào, mấu chốt của yoga vẫn là lắng nghe cơ thể. Tìm hiểu kỹ năng của các tư thế, tập đúng bài bản, không tập cố, tập bừa. Nếu cơ thể lên tiếng bằng cảm giác đau hay mỏi, thì dừng lại nghỉ ngơi. Cho cơ thể thời gian để hồi phục, rồi mình tập tiếp, không có gì phải vội”.
U60 đi học yoga, cô Phương được bầu làm lớp trưởng vì khả năng nổi bật. Năm 49 tuổi, cô đi học lái xe hơi. Là học viên nhiều tuổi nhất lớp, nhưng siêng năng nên cô lái giỏi, được giáo viên khen ngợi.
Con gái cô luôn hỏi “làm sao để sau này được giỏi giang như mẹ?”. Người thân, bạn bè cũng hết lời dành cho cô. Cô Phương khiêm tốn: “Mọi người khen thì tôi vui, nhưng cũng nghĩ là động viên nhau thế thôi”. Và cô không ngừng cố gắng.
Nghe người phụ nữ này chia sẻ về phong cách sống, càng thấy rõ cô rất yêu thương bản thân, hiểu mình muốn gì, cần gì. Cô quan niệm: “Tôi không chú trọng vấn đề trang phục bằng rèn luyện thể thao. Cơ thể khỏe mạnh không bệnh tật thì khắc đẹp. Ngoài ra, tôi ăn nhiều rau củ quả và các loại đậu, luôn ăn nhẹ nhàng, không no quá. Uống đủ nước không để khát, và thường uống nước trà xanh. Mỗi tuần tôi đi spa một lần. Ngoài ra, tôi dành thời gian đều đặn đi làm đẹp chuyên sâu da mặt, gội đầu dưỡng sinh, đả thông kinh lạc…”.
Cô Phương cho rằng, phải khỏe mới đẹp. Đó là lý do vì sao cô chú trọng tập luyện hơn thời trang
Cô kể, chồng cô ủng hộ cô làm đẹp vô điều kiện, miễn sao cô thấy vui và khỏe. Vợ chồng cô đồng hành qua 34 năm nay và vẫn luôn hiểu, thương nhau như ngày đầu. Ở tuổi xế chiều, cô chú cùng nhau đi dạo mỗi ngày, đi du lịch thường xuyên trong và ngoài nước.
Cô ít hơn chú 12 tuổi, nhưng không vì thế mà cô cho mình quyền “bốc đồng”. Cô bộc bạch về bí quyết giữ lửa hôn nhân: “Nhường nhịn và đáp ứng nhu cầu của nhau – tôi nghĩ hai điều này cần thiết hơn cả. Khi nóng giận mà mình cứ giành thắng với chồng (hoặc vợ) là nguy hiểm. Đáp ứng nhu cầu nghĩa là hiểu những thứ bạn đời cần, từ tinh thần cho đến vật chất. Nếu điều gì đáp ứng được, tôi sẽ cố gắng, và luôn đặt tiêu chí cuộc sống bình yên lên hàng đầu”.
Ở tuổi già, cô chú dành nhiều thời gian đi du lịch và vui vầy bên con cháu
Cô Phương có 2 con gái và đã lên chức bà với 3 cháu ngoại. Các con cô sống riêng nhưng gần gũi tình cảm với cha mẹ. Có được điều ấy là nhờ cô chú trọng sự kết nối với con gái từ nhỏ, mẹ con cô thân thiết nhau như bạn bè.
Cô kể, thời còn làm việc ở trường, nửa ngày cô đi dạy, thời gian còn lại cô cùng con học hành và chăm sóc bữa ăn gia đình. Cô dành nhiều thời gian trò chuyện và tâm sự cùng con, để hiểu và nắm bắt kịp những gì đang xảy ra với con.
“Phụ nữ ở tuổi nào cũng vậy, khi xác định được mục tiêu sống, đặt gia đình lên hàng đầu nhưng không quên việc chăm sóc bản thân, thì nhất định sẽ hạnh phúc”, cô Phương khẳng định. Cô quan niệm rằng, cô là người nhiều tuổi, chứ không phải người già. Bởi nhiều người ít tuổi nhưng lối sống rất già. Và có những người sống lâu năm – nhiều tuổi, mà vẫn tích cực, minh mẫn và trẻ trung.