Trở về quê hương với hai bàn tay trắng, anh Trần Ngọc Ánh quyết theo đuổi đam mê trồng hoa hồng. Đến bây giờ anh vẫn chẳng thể ngờ, vườn hoa hồng của mình có thể ‘nở’ ra 4 tỷ đồng mỗi năm.
Gần 10 năm đi làm công, ra về tay trắng
Ngắm những gốc hồng cổ hoa bung nở đủ màu sắc phía trước hiên nhà, anh Trần Ngọc Ánh ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội) hào hứng: “Đây là những cây tôi tâm đắc nhất, được bày ở đây cho khách chiêm ngưỡng. Thời điểm này, khách từ khắp nơi tìm về chọn mua hoa để chuẩn bị chơi Tết, vì thế tầm tháng 10 là vườn nhà tôi đã cháy hàng”.
Nhà vốn không làm nông, học xong cấp 3, anh Ánh được định hướng đi học nấu ăn với hy vọng trở thành một đầu bếp theo truyền thống của gia đình bên ngoại. Năm 2004, học xong, anh đi làm đầu bếp cho một khách sạn ở Hà Nội.
Tưởng mọi việc suôn sẻ, song làm được một thời gian anh nhận ra việc nấu nướng cho nhiều người ăn không dễ như tưởng tượng. Nhiều lần nấu bị hỏng, không vừa ý khách, bị quản lý nhắc nhở khiến anh chán nản. Làm được một năm, anh chuyển sang thử sức ở một nhà hàng nhỏ hơn.
“Làm đầu bếp khá vất vả, yêu cầu đi làm cả những ngày nghỉ lễ trong khi mình lại đang độ tuổi khao khát khám phá, mong muốn làm được một điều gì đó mới mẻ, lớn lao, đúng đam mê và sở thích. Vì thế, năm 2006, tôi quyết định bỏ nghề nấu ăn tìm hướng đi khác cho riêng mình”, anh tâm sự.
Hai năm sau, anh Ánh quyết định đi xuất khẩu lao động mong đổi đời. Tuy vậy, khó khăn nối tiếp khó khăn, cuộc sống bấp bênh, cơ cực nơi đất khách khiến anh nung nấu ước muốn quay trở về quê hương lập nghiệp, mong một cuộc sống ổn định nơi quê nhà.
Năm 2012, anh trở về quê. Trong khi các bạn cùng trang lứa cuộc sống đã ổn định, anh vẫn hai bàn tay trắng, không có định hướng tương lai, tiền vốn tích cóp được dần cũng hết.
Hai tháng sau khi trở về nước, anh Ánh quyết định lên Sapa làm kinh tế, phụ giúp công việc cho người cô chuyên bán hoa hồng trên đó.
“Cũng tại nơi đây, tôi bén duyên với hoa hồng. Những cây hồng cổ trồng rải rác trong sân nhà dân, ngoài bờ rào hay ven đường, với những bông hoa đủ màu sắc khiến mình say mê lúc nào không hay”, anh kể. Ban đầu, anh bỏ tiền ra mua 3-4 cây về chơi, những cây có tuổi từ 10-20 năm giá 1-2 triệu đồng/cây.
Mang hồng về trồng trong chậu trước sân, chăm bón kỹ lưỡng nên dần dần, cây cho dáng và hoa đẹp hơn. Khi đó, anh Ánh chỉ mua về ngắm chơi chứ chưa nghĩ đến chuyện buôn bán.
Tình cờ, nhiều vị khách du lịch đi ngang qua thấy hoa đẹp, họ lân la tìm hiểu rồi hỏi mua. Thấy được giá, anh bán lại kiếm lời. Cứ thế, người này giới thiệu cho người kia, ngày càng có nhiều người tìm đến anh hỏi mua giống hoa hồng cổ Sa Pa.
Vườn hồng cổ “nở” tiền tỷ
Từ đó, anh nảy ra ý định mang giống hoa hồng từ Sa Pa về trồng trên mảnh đất quê hương.
May mắn được gia đình ủng hộ, anh dồn hết khoản 300 triệu đồng tích cóp được trước đó đầu tư vào cây hoa hồng. Với diện tích hơn 100m2, anh Ánh bắt đầu nhân 1.000 cây giống hoa hồng cổ. Thời gian này, cây chưa lớn nên chưa bán được, anh vừa phải quản lý, chăm sóc vườn ở quê, vừa phải quay trở lại Sa Pa tiếp tục công việc cũ, đi lại thường xuyên khá vất vả.
Do mới đưa giống hoa này về trồng, khác khí hậu, đất đai, bản thân anh lại chưa có nhiều kiến thức trong việc chăm bón, phun thuốc, chưa nắm bắt được mạch bệnh của cây nên thời gian đầu cây chậm lớn, hoa nở không đạt tiêu chuẩn, một số cây bị hỏng. Tiền của, công sức tổn thất rất lớn.
“3 tháng sau, cây ra đợt bông hoa đầu tiên. Tôi đăng lên Facebook bán thử, may mắn có người hỏi mua ngay”, anh kể. Tuy vậy, thời điểm đó, lượng bán ra chưa nhiều. Mỗi tuần anh bán được khoảng 20 cây, giá 100.000 đồng/cây.
Năm 2016, anh Ánh mở rộng diện tích trồng hoa hồng lên 1,5 mẫu với số lượng 30.000 cây. Không chỉ hồng cổ, anh còn trồng thêm cả giống hồng ngoại đáp ứng nhu cầu đa dạng của người chơi hoa.
Song, lứa hoa đầu này anh cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc kiểm soát bệnh tật cho cây. Thường một lứa hoa thì sau 100 ngày có thu, nhưng đến 200 ngày vườn hoa của anh vẫn chưa thu được. Cảm thấy hụt hẫng, anh sợ mình lại lâm cảnh trắng tay. Hoa không đạt yêu cầu của khách thì coi như mất hết.
Sau nhiều ngày đêm thấp thỏm, lo lắng như ngồi trên đống lửa, lứa hoa đó cuối cùng cũng ra bông hoa đầu tiên dù chất lượng không được như mong đợi.
Mỗi lần thất bại anh đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm. Anh cũng thường xuyên tìm tới bạn bè, người dân trong làng học hỏi, nhờ hướng dẫn nên những năm tiếp theo, bệnh trên cây hoa hồng dần được kiểm soát, kỹ thuật trồng cũng tốt hơn. Vườn hoa cho thu sớm, hoa nở đẹp, đáp ứng yêu cầu của nhiều khách hàng khó tính.
Đến nay, diện tích trồng hoa hồng của anh đã lên đến 2ha, với số lượng 60.000 cây, trong đó phần lớn là hoa hồng ngoại, hồng cổ.
Theo anh, hoa hồng ngoại có nhiều ưu điểm như: màu sắc, hương thơm đa dạng (hương chanh, xả, vani,… ), dáng hoa phong phú nên hấp dẫn người chơi. Còn hồng cổ chỉ có 3 màu: đỏ, hồng, trắng với mùi hương truyền thống nên phụ thuộc sở thích, gu chơi hoa của từng người.
Với hồng khoảng 1 năm tuổi, anh bán từ 80.000-300.000 đồng/cây tùy loại. Những cây tuổi đời khoảng 10-20 năm giá 10-30 triệu đồng/cây. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán khoảng 6.000 cây. Những năm gần đây, trang trại hoa hồng của anh cho doanh thu 4 tỷ/năm, trừ chi phí lãi khoảng 1,5 tỷ/năm.
“Tôi thuê 15 người làm chăm sóc, cắt tỉa cho cây. Vào mùa hè, công việc vất vả nhất, phải điều tiết nước, phòng ngừa bệnh tật. Từ tháng 8 trở đi, các chậu hoa bắt đầu được xuất bán. Hiện tôi cung cấp chủ yếu các giống hoa hồng cho đại lý, công trình, khu hành chính, công sở, khu du lịch, resort tại các tỉnh nên chỉ tầm tháng 10 là hết hàng”, anh Ánh cho hay.
Với anh Ánh, được như ngày hôm nay cũng là cái duyên. Niềm đam mê cây cối đã giúp anh từ một thanh niên thiếu định hướng nghề nghiệp trở thành ông chủ vườn hồng giá trị hàng tỷ đồng, cuộc sống ổn định sung túc hơn.