Theo giới chuyên gia, để có thể ‘xô ngã’ Big Tech, cần chặn đứng các giao dịch thông tin trực tuyến thiếu minh bạch – vốn là lợi thế chính của các công ty công nghệ lớn.
Công bằng xã hội liệu có dẫn tới công bằng kinh tế? Đây không chỉ là câu hỏi được phong trào Black Lives Matter – vốn chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ và sự bất bình đẳng kinh tế – đặt ra, mà còn là câu hỏi đối với thế giới doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm Big Tech, gồm các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ.
Có một thực tế là hiện nay các trang mạng xã hội như Facebook, Snapchat và Twitter đang mất dần doanh thu quảng cáo từ các công ty lớn vốn quan ngại về việc mình có liên quan đến các nội dung mang tính kích động được đăng tải trên các nền tảng này.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, chỉ làn sóng tẩy chay quảng cáo liên quan đến phát ngôn thù địch khó có thể “xô ngã” được sức mạnh kinh tế của Big Tech.
Trước hết, tẩy chay có thể chỉ là cơ hội để các công ty thể hiện hình ảnh khi ngân sách tiếp thị giảm sút. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đang đặt cược vào điều đó, khi nói với nhân viên của mình rằng “tất cả những nhà quảng cáo sẽ sớm quay lại nền tảng này”.
Dù phỏng đoán của “ông chủ” Facebook đúng hay sai, thì những công ty tham gia chiến dịch tẩy chay gồm Starbucks, Coca-Cola và Unilever chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu quảng cáo trên mạng xã hội.
Ước tính, hơn 70% doanh thu quảng cáo trên 70 tỷ USD của Facebook đến từ các doanh nghiệp nhỏ.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nhưng khi phục hồi, có thể họ sẽ chi bất kỳ khoản ngân sách tiếp thị nào còn lại cho quảng cáo kỹ thuật số, được coi rẻ hơn và hiệu quả hơn các loại hình khác. Tất nhiên, quảng cáo trực tuyến sẽ chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, khả năng tồn tại của mô hình kinh doanh cung cấp dữ liệu cá nhân để thu lợi lại không thay đổi.
Nhiều khả năng các nhà thu thập dữ liệu tiêu dùng lớn nhất – trong đó có Google, Amazon và Facebook – sẽ nổi hơn và mạnh hơn sau đại dịch.
Tỷ trọng của lĩnh vực công nghệ trong chỉ số S&P500 hiện chiếm gần 30% – mức cao nhất trong 20 năm qua.
Vì vậy, trong khi tẩy chay thu hút sự chú ý tới các vấn đề như nội dung độc hại, quyền riêng tư và tự do dân sự thì việc chia sẻ doanh thu từ dịch vụ kỹ thuật số công bằng lại đòi hỏi những yếu tố khác.
Điều quan trọng nhất là minh bạch hơn. Giống như các thể chế tài chính lớn, các công ty công nghệ tiêu dùng lớn bán thông tin.
Các công ty này giám sát mọi giao dịch mà không để khách hàng, các đối thủ cạnh tranh hoặc nhà chức trách biết. Điều này mang lại cho các công ty công nghệ một lợi thế cạnh tranh không công bằng.
Giới chuyên gia cho rằng để thị trường vận hành công bằng và hiệu quả, người dùng và nhà cung cấp dịch vụ cần được tiếp cận và chia sẻ thông tin một cách công bằng. Tuy nhiên, đây không phải là mô hình ngày nay.
Theo giới chuyên gia, để có thể “xô ngã” Big Tech, cần chặn đứng các giao dịch thông tin trực tuyến thiếu minh bạch – vốn là lợi thế chính của các công ty công nghệ lớn.
Do đó, hiện nay các nhà chức trách tại châu Âu và Mỹ muốn các công ty công nghệ công khai thuật toán thu thập dữ liệu.
Ông Sherrod Brown, thành viên cấp cao của Ủy ban Thượng viện Mỹ về các vấn đề ngân hàng, nhà ở và đô thị đã đề xuất một dự luật thay đổi việc thu thập dữ liệu, nhằm giảm gánh nặng trách nhiệm đối với người tiêu dùng – những người phải đọc chính sách quyền riêng tư lên tới 4.000 từ và bấm vào dòng chữ “Tôi đồng ý”.
Dự luật này cũng cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt, giới hạn khả năng kiếm tiền từ các giao dịch đơn lẻ, thay vì cho phép các công ty thu thập dữ liệu của người tiêu dùng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau và không giới hạn thời gian.
Việc thực thi các nguyên tắc này có thể đòi hỏi việc đánh giá các thuật toán. Vấn đề này đã thu hút sự chú ý ngày một tăng trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa gia tăng.
Tránh sử dụng các thuật toán thu thập dữ liệu dường như không chỉ liên quan đến công bằng xã hội mà còn cả cạnh tranh.
Các công ty công nghệ cho rằng nếu họ buộc phải công khai thuật toán cũng như mô hình kinh doanh thì tiện lợi trong dịch vụ sẽ giảm.
Không chỉ giao dịch thông tin trực tuyến thiếu minh bạch, Big Tech còn dựa vào quy mô và phạm vi toàn cầu để tạo ra lợi nhuận không tương xứng.
Chính vì vậy, cần vận dụng tới chính sách thuế để “kìm hãm” các công ty công nghệ.
Dự kiến vào cuối tháng 7 tới, tại Mỹ, các lãnh đạo của Apple, Facebook, Google và Amazon sẽ có phiên điều trần chống độc quyền. Đây là cuộc tranh luận lớn đầu tiên về chính sách cạnh tranh của Mỹ trong 50 năm qua./.