Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại nhiều xã của tỉnh Điện Biên, đặc biệt, dịch bệnh diễn ra đúng thời điểm các hộ chăn nuôi tăng cường tái đàn.
Trong đợt dịch tả lợn châu Phi kéo dài từ giữa năm 2019 đến đầu năm 2020 vừa qua, gia đình ông Trần Xuân Dụ ở đội C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã bị thiệt hại trên 100 triệu đồng, với 35 con lợn bị chết, trọng lượng gần 2,5 tấn phải tiêu hủy.
Là gia đình thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trước đây gia đình đã đầu tư hệ thống chuồng trại lên đến cả trăm triệu đồng, nên sau khi dịch lắng xuống, ông Dụ quyết định vay mượn tiền từ ngân hàng để tái đàn. Mặc dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng như: rắc vôi toàn bộ chuồng trại, đốt rơm, rạ, bồ kết trong khắp khu vực chuồng nuôi, chọn giống từ nơi có uy tín… Song, từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6 vừa qua, cả đàn lợn 30 con của gia đình lại dính bệnh tả lần 2, chết rải rác và phải đem tiêu hủy cả đàn.
“Không hiểu nguyên nhân tại sao lại bị dính dịch tả đợt 2. Lo nhất bây giờ là tái đàn tiếp vào thì lại dính dịch bệnh. Hiện giờ đã xây dựng chuồng trại, nếu không chăn nuôi thì không được, mà chăn nuôi tiếp thì không biết sẽ như thế nào. Gia đình chúng tôi đang rất khó khăn, còn nợ ngân hàng qua 2 đợt dịch, rất lo không biết lấy khoản gì để mà trả ngân hàng”, ông Trần Xuân Dụ chia sẻ.
Tương tự gia đình ông Dụ, gia đình ông Trần Văn Thuận, cùng ở đội C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cũng mất hơn 7 tạ lợn trong đợt cao điểm dịch năm 2019, khiến kinh tế gia đình lao đao. Khi được chính quyền địa phương động viên thực hiện tái đàn lợn để bù đắp nguồn cung, gia đình ông quyết định nuôi 3 con lợn nái để gây dựng lại kinh tế. Chuẩn bị đến kỳ phối giống sinh sản, nghe tin trong xã có 2 hộ gia đình tái phát dịch, ông rất lo lắng.
“Hiện nay, dịch bệnh đang bùng phát như vậy mà thực tế về kỹ thuật người dân lại không nắm bắt được, nên chưa dám tái đàn. Khó khăn thì rất nhiều, không có giống, chuồng trại chưa biết có đảm bảo không để mà tái đàn, đó là những trăn trở của người dân”, ông Thuận nói.
Thanh Xương là 1 trong 7 xã của tỉnh Điện Biên phát hiện có dịch bệnh tả lợn châu Phi tái phát trở lại. Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết, năm 2019, xã từng chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch này, khi có tới hơn 40 tấn lợn phải tiêu hủy. Hiện nay, cả xã chỉ còn khoảng 1.100 con lợn, bằng 1/4 so với tổng đàn năm 2019, trong khi đó, kế hoạch đầu năm đưa ra là phải đạt trên 3.000 con.
“Trong quá trình tổ chức triển khai tiêu hủy tại hộ gia đình ông Trần Xuân Dụ, chúng tôi thấy, phía gia đình đã có các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nhưng qua nắm bắt tình hình thì nguồn lây chưa xác định được. So với những năm trước đây, có những năm chăn nuôi lợn trên địa bàn của xã tổng đàn là hơn 6.000 con, trong điều kiện tình hình như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề thu nhập của người dân trên địa bàn xã”, ông Ngô Minh Cương cho biết.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cho biết, việc Điện Biên bùng phát dịch tả lợn châu Phi trở lại cũng không nằm ngoài dự đoán, bởi hiện nay vẫn chưa có vaccine tiêm phòng và dịch cũng tái phát ở nhiều địa phương trong cả nước do virus tả lợn châu Phi có khả năng tồn dư rất lâu trong quần thể của đàn lợn.
Tại Điện Biên, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát vì chỉ diễn ra ở một số hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, áp dụng vệ sinh an toàn sinh học kém. Để phòng chống dịch một cách thật sự hiệu quả, tránh tổn thất lớn cho người chăn nuôi, Chi cục Thú y Điện Biên khuyến cáo người dân cẩn trọng, không tái đàn ồ ạt trong giai đoạn dịch đang tái bùng phát và chỉ tái đàn khi thực sự đảm bảo các quy định về vệ sinh chuồng trại, con giống.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay là trong lúc chỉ đạo tăng cường tái đàn để bù đắp nguồn cung thì cũng phải đối mặt với nguy cơ của dịch tả lợn châu Phi tái phát, bởi lẽ trên 95% là chăn nuôi nhỏ lẻ và áp dụng các biện pháp an toàn vệ sinh là cực kỳ khó khăn. Việc tái đàn hiện nay được chỉ đạo là phải cân nhắc, chắc chắn từng bước một và đặc biệt, phải vệ sinh chuồng trại thật kỹ trước khi đưa tái đàn, nhất là trong bối cảnh nguồn cung con giống đang rất thiếu”, ông Đỗ Thái Mỹ khuyến cáo.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Điện Biên từ đầu tháng 4/2019 và đến đầu tháng 2/2020 mới được khống chế thành công. Dịch bệnh đã khiến trên 23.600 con lợn (khoảng 1.000 tấn) của hơn 5.600 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh phải tiêu hủy, thiệt hại không nhỏ đối với phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Việc tái bùng phát dịch bệnh tại một số địa phương trong tỉnh, cộng thêm những khó khăn về khan hiếm lợn giống, tâm lý dè dặt tái đàn của người dân, ảnh hưởng của dịch Covid-19… đang là vấn đề “đau đầu” cho các cơ quan quản lý của tỉnh hiện nay./.