Tuần trước, Grab vừa thông báo sẽ cắt giảm 5% nhân sự toàn vùng thì tuần này đến lượt Gojek thông báo cắt giảm 9% nhân sự. Nguyên nhân cắt giảm của cả hai được cho là vì Covid-19. Cả hai tập đoàn đều có công ty con tại Việt Nam là Grab Việt Nam và GoViet, vậy điều này có ảnh hưởng thế nào với các công ty Việt?
* Grab cắt giảm 5% nhân sự
Ngày 16-6, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Grab Anthony Tan đã gửi thư đến nhân viên của tập đoàn, cho biết sẽ cắt giảm khoảng 360 nhân viên trong tổng số 7 ngàn nhân viên toàn cầu, tương đương 5% đội ngũ nhân sự. Theo ông Anthony Tan, đây là con số đã được hạn chế ở mức thấp nhất nhờ Grab đã có những giải pháp điều chuyển nguồn lực nội bộ.
Hiện Grab đang hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Grab chưa công bố chi tiết trong số 5% cắt giảm này mỗi nơi sẽ có bao nhiêu người nghỉ việc nhưng cho biết rằng Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Cần lưu ý rằng, con số nhân sự nêu trên là đội ngũ quản lý của Grab chứ không bao gồm các đối tác tài xế. Đội ngũ tài xế đông hơn rất nhiều, theo số liệu Grab công bố cuối năm 2007 thì họ có đến 2 triệu đối tác tài xế. Đội ngũ này không được tính là nhân viên chính thức của Grab và cho đến giờ Grab chưa hề có thông báo gì về việc cắt giảm hợp đồng với lực lượng này. Tuy vậy, tài xế không hề được trả lương mà chỉ hưởng thù lao trên từng dịch vụ mình thực hiện, do vậy khi tình hình dịch bệnh bùng phát, các dịch vụ giảm đi thì tất nhiên thu nhập của họ cũng giảm hẳn.
* Gojek cắt giảm 9% nhân sự
Một tuần sau khi Grab thông báo cắt giảm nhân sự, đến lượt Gojek thông báo cắt giảm 430 nhân viên, tương đương 9% tổng số nhân sự. Còn hơn thế nữa, Gojek tuyên bố đóng cửa 2 dịch vụ là GoLife và GoFoodFestivals.
Gojek hiện hoạt động tại 6 quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia) và Ấn Độ. Như Grab, hiện chưa rõ 430 nhân viên nghỉ việc này thuộc những quốc gia, bộ phận nào, tuy nhiên đa số thuộc 2 dịch vụ đóng cửa là GoLife và GoFoodFestivals. GoLife cung cấp dịch vụ massage tại nhà và dọn dẹp nhà cửa. GoFoodFestivals là những chuỗi bán thức ăn, dạng mở rộng của GoFood. Theo Gojek, các dịch vụ GoLife và GoFood Festivals trong vài tháng qua đã giảm sút nhu cầu rõ rệt do dịch bệnh làm người ta thay đổi thói quen tiêu dùng. Ở Việt Nam, 2 dịch vụ này chưa hề được mở ra, GoViet hiện chỉ có 3 dịch vụ là GoBike, GoFood và GoSend. Do vậy, đại diện của GoViet cho biết quyết định cắt giảm nhân sự của GoJek hầu như không ảnh hưởng gì đến thị trường GoViet tại Việt Nam.
* Những động thái của Grab và Gojek để vượt qua khó khăn đợt đại dịch
Grab hiện là startup có giá trị cao nhất Đông Nam Á. Theo CB Insights, Grab được định giá là 14,3 tỷ USD. Theo sau Grab và là đối thủ cạnh tranh lớn nhất chính là Gojek, được định giá 10 tỷ USD. Cùng kinh doanh nhiều ngành nghề, nhưng mảng kinh doanh lớn nhất của cả hai ông lớn này đều là vận chuyển khách, do đó trong tình hình dịch bệnh bùng phát, nhu cầu đi lại bị hạn chế thì tình hình hoạt động của cả hai đều bị suy giảm. Theo một phỏng vấn của hãng tin Reuter với 11 tài xế Grab và Gojek tại Đông Nam Á thì họ đều cho biết là thu nhập giảm hơn một nửa trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Cả Grab và Gojek đều đang chuyển hướng, thay đổi cơ cấu kinh doanh để đáp ứng tình hình mới. Do tình hình dịch bệnh, nhiều người phải ở nhà nên hai dịch vụ phát triển nhanh và được đẩy mạnh là giao thức ăn và giao hàng.
Đối với Gojek, như tin đã đưa ngày 3-6, Facebook cùng PayPal xác nhận đầu tư vào Gojek. Như vậy, hiện nay đã có 4 ông lớn về công nghệ đầu tư vào Gojek, đó là: Facebook, PayPal, Google và Tencent, bên cạnh nhiều công ty khác. Trọng tâm của các khoản đầu tư này là hỗ trợ các dịch vụ thanh toán và dịch vụ tài chính của Gojek trong khu vực. Grab cũng đang thúc đẩy các dịch vụ thanh toán và dịch vụ tài chính của mình.
Nhìn chung, mặc dù có sự tăng trưởng ở một vài dịch vụ như giao thức ăn, giao hàng nhưng doanh số chung của Grab cũng như Gojek đều suy giảm nhiều so với trước đây.