Tôi vốn có sở thích kinh doanh, thế nên sau khi học đại học xong, tôi đã tìm được công việc ổn định với mức lương 17 triệu đồng/tháng nhưng giờ tôi lại muốn mở một nhà hàng nho nhỏ để tự kinh doanh.
Có một khoản tiền tiết kiệm 300 triệu đồng, tôi đang muốn nghỉ làm việc ở một công ty thực phẩm với mức lương 17 triệu đồng/tháng để mở một nhà hàng chuyên các món nhậu ở Hà Nội nhằm thỏa thích ao ước tự kinh doanh của mình.
Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, cũng như để học hỏi thêm kinh nghiệm, tôi có nhờ bạn của anh trai mình là người có gần chục năm kinh doanh nhà hàng, đồ uống “chỉ giáo” cho vài “chiêu”.
Vừa mới gặp, bạn của anh tôi đã đặt một loạt câu hỏi, rằng cậu có thường xuyên đi ăn nhà hàng không? Có biết nấu các món ăn ngon không? Có tìm hiểu mô hình kinh doanh của nhà hàng nổi tiếng nào chưa? Nếu mở quán thì đối tượng khách hàng chính sẽ “nhắm” đến để phục vụ là ai…?
Chưa kịp trả lời các câu hỏi ấy, bạn của anh tôi lại phân tích cho tôi về các chi phí. Đầu tiên là chi phí thuê mặt bằng, mới mở thì có thể thuê mặt bằng vừa phải, mức chi phí khoảng 20-30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tìm được mặt bằng phù hợp chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Vị trí nhà hàng là yếu tố quyết định lớn trong việc kinh doanh nhà hàng.
Chi phí mua sắm bàn ghế, dụng cụ bếp, trang trí nhà hàng… khoản này cũng không nhỏ, có thể mất từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Rồi tiền điện nước cũng mất đứt ít nhất vài triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, chi phí cho nhân viên mới là điều cần chú ý, nhất là đầu bếp bởi họ chính là linh hồn của nhà hàng. Phải có kinh nghiệm, biết thưởng thức, đánh giá món ăn… việc này khá khó để đánh giá đầu bếp. Và lương của mỗi đầu bếp lương cũng phải từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng hoặc có thể hơn.
Ngoài ra, chi phí cho phụ bếp, nhân viên chạy bàn, bảo vệ, tạp vụ… nếu không quản lý được thì còn phải thuê cả quản lý nhà hàng cũng tốn thêm một khoản.
Tiếp đến là tiền cho đồ uống, thực phẩm luôn phải chuẩn bị sẵn một khoản để trả theo ngày hoặc theo tuần và nhiều chi phí phát sinh khác. Cộng tất cả chi phí này vào thì áp lực doanh thu mỗi ngày cũng không phải nhỏ.
Người bạn của anh tôi cũng nhắc tới việc ban đầu mở nhà hàng cũng phải làm quảng cáo, giới thiệu về nhà hàng để nhiều người biết đến. Tiếp đó, mời được khách đến rồi nhưng làm sao để giữ chân được họ, khiến họ quay lại nhà hàng cùng người thân, bạn bè là điều không dễ dàng.
“Nếu cậu có thể giải quyết được những vấn đề tôi vừa nêu ra mà không băn khoăn, lo lắng nhiều thì có thể mở nhà hàng thử sức. Với số vốn 300 triệu đồng thì chỉ có thể mở nhà hàng bình dân. Còn nếu liên kết được với bên nào có sẵn mặt bằng, không phải lo trả chi phí hàng tháng thì sẽ đỡ áp lực hơn. Tiết kiệm được số tiền đó thì có thể đầu tư thêm vào thực đơn của nhà hàng”, bạn của anh tôi khuyên.
Hơn nữa, anh cũng khuyên tôi đừng nên bỏ việc hiện tại khi đang có thu nhập ổn định, mà hãy coi việc mở nhà hàng là việc đầu tư thêm để có nguồn thu thụ động. Ban ngày vẫn đi làm bình thường nhưng tối qua nhà hàng để hỗ trợ thêm. Để hạn chế rủi ro, anh khuyên tôi nên kiếm thêm đối tác cùng chí hướng để hợp tác kinh doanh.
Thú thực, tôi cũng chỉ biết nấu nướng những món bình thường và cũng chưa có nhiều điều kiện để thưởng thức ở những nhà hàng sang trọng. Vì thế, tôi cũng chỉ có hướng mở nhà hàng bình dân phục vụ các món nhậu cho khách hàng. Như vậy với số vốn 300 triệu đồng hiện có của tôi có làm nên cơm cháo gì không?
Đăng Hưng (Hà Nội)