Khó khăn về đầu ra, giá cả bấp bênh đang khiến cho nghề nuôi thương phẩm động vật rừng thông thường ở nhiều địa phương trong tỉnh thoái trào. Hiện nay, không còn mấy hộ mặn mà với nghề nuôi này.
Một thời phát triển
Những năm trước, phong trào nuôi thương phẩm các loại động vật rừng thông thường phát triển rầm rộ ở nhiều địa phương trong tỉnh, hàng loạt cơ sở nuôi nhím, heo rừng, dúi, rắn… mọc lên với đủ quy mô. Ông Nguyễn Thâu (tổ dân phố Ngô Mây, phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) nhớ lại: “Năm 2009, thấy nhím dễ nuôi, ít dịch bệnh, có lãi khá nên gia đình tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây chuồng trại, mua 6 cặp nhím bố mẹ giống với giá hơn 47 triệu đồng/con về nuôi với hy vọng sẽ làm giàu từ nghề này. Khi ấy, phong trào nuôi nhím đang rộ lên nên chủ trại chủ yếu nuôi nhím sinh sản để bán giống với giá khoảng 15 – 17 triệu đồng/cặp nhím con 1 tháng tuổi, nhím thịt khi ấy giá cũng rất cao, 500.000 – 600.000 đồng/kg”.
Từng một thời gắn bó với nghề nuôi thương phẩm động vật rừng, ông Trần Văn Tính (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh) không ngờ nghề nuôi này lại thoái trào nhanh đến vậy. Năm 2011, thấy nhím dễ nuôi, giá nhím thịt bán tại chuồng hơn 500.000 đồng/kg, ông Tính đã đầu tư 30 chuồng nhím, mua giống, gầy đàn, số lượng cá thể nhím cao nhất lên đến 60 con. Ngoài nuôi nhím, gia đình ông còn nuôi hàng chục con heo rừng lai. Trong 2 – 3 năm đầu, các vật nuôi bán rất chạy, nhưng đến năm thứ 4 thì bắt đầu khó tiêu thụ. Năm 2019, sau một thời gian nuôi cầm chừng, không tìm được đầu ra, gia đình ông không tiếp tục gắn bó với nghề nuôi này nữa.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, nếu trước đây, trên địa bàn huyện có hàng chục cơ sở nuôi động vật rừng thông thường thì đến nay chỉ còn duy nhất Công viên du lịch Yang Bay nuôi cá sấu và một số loài động vật rừng khác phục vụ du lịch, còn các hộ nuôi thương phẩm động vật rừng đã đóng cửa chuồng trại. Trong khi đó, tại TP. Cam Ranh, trước năm 2012 có hơn 50 cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường với tổng đàn lên đến hàng nghìn con. Đến năm 2015, toàn thành phố chỉ còn 22 cơ sở nuôi, với tổng đàn khoảng 1.000 con. Hiện nay, chỉ còn 6 hộ nuôi với 1.063 cá thể, trong đó có 1.028 cá thể động vật rừng thông thường.
Khó về đầu ra
Theo đại diện hạt kiểm lâm các địa phương, điều kiện để được nuôi sinh sản, thương phẩm động vật rừng thông thường khá thuận lợi. Nếu người dân có nhu cầu nuôi, hạt kiểm lâm địa phương sẽ hướng dẫn cụ thể. Theo đó, người nuôi chỉ cần xây dựng chuồng trại, nuôi nhốt động vật rừng đảm bảo an toàn, có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của động vật rừng thông thường đưa vào nuôi. Sau khi kiểm tra, nếu đảm bảo các điều kiện thì hạt kiểm lâm sẽ cấp mã số trại nuôi, mở sổ theo dõi cơ sở nuôi động vật rừng thông thường cho chủ cơ sở.
Tuy điều kiện nuôi khá dễ dàng nhưng theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 – 3 cơ sở đăng ký mã số trại nuôi mới, trong khi số cơ sở ngừng nuôi thì rất nhiều. Cụ thể, đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 46 cơ sở nuôi động vật rừng với tổng đàn 20.533 con, chủ yếu là cá sấu, nhím, heo rừng, cầy vòi hương, chim trĩ, các loại rắn, hươu, nai…; số lượng cơ sở giảm hơn 60% so với năm 2015; đa phần các cơ sở nuôi hiện nay phục vụ hoạt động du lịch.
Theo lý giải của các hộ nuôi, sở dĩ người nuôi thương phẩm động vật rừng thông thường “treo chuồng” là do đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh. “Thị trường tiêu thụ động vật rừng thông thường chủ yếu là các nhà hàng, quán nhậu; bây giờ không mấy thực khách sử dụng thịt rừng nuôi nên giá cả xuống thấp. Hiện nay, giá nhím thương phẩm kích cỡ từ 8kg/con trở lên chỉ còn 250.000 đồng/kg mà không mấy ai mua, lâu lâu mới bán được 1 con; giá heo rừng nuôi cũng không cao hơn so với heo thường nên không mấy ai mặn mà với nghề nuôi này nữa. Đây chính là nguyên nhân khiến nghề nuôi thương phẩm động vật rừng thông thường trong tỉnh thoái trào”, ông Thâu nói.
HẢI LĂNG