Tờ Reuters mới đây đăng tải bài viết nhận định về tình hình phục hồi du lịch nội địa của Việt Nam và New Zealand. Đây là hai quốc gia kiểm soát dịch tốt và nhanh chóng quay trở lại khôi phục kinh tế, nhất là du lịch.
Theo ghi nhận của phóng viên Reuters, sau dịch Covid – 19, xu hướng du lịch của hai nước có sự khác biệt. Trong đó, du lịch nội địa của Việt Nam phát triển rõ rệt và nổi hơn của New Zealand.
“Sự phục hồi đối với người dân New Zealand phụ thuộc vào du lịch được dự kiến sẽ diễn ra chậm, trái ngược với các ngành du lịch ở Việt Nam, một quốc gia được ca ngợi về thành công trong cuộc chiến chống virus Corona ở châu Á. Trong khi ngành du lịch của New Zealand đang gặp khó khăn trong việc chờ đợi từ nước ngoài thì Việt Nam đã tập trung phát triển du lịch nội địa”, bài viết cho hay.
Tháng 7 thường là mùa du lịch cao điểm của xứ kiwi nhưng hiện các chuyến nay theo dự kiến đã bị giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí là nhiều chuyến đang bị hủy bỏ, theo dữ liệu từ Công ty Phân tích Du lịch Cirium.
Start – up du lịch của Laura Douglas (33 tuổi), một trang trại nằm giữa những ngọn núi phủ tuyết ở miền nam New Zealand, vốn thu hút hàng trăm khách nước ngoài mỗi tháng trước khi đại dịch Covid – 19 xảy ra. Đến nay, cơ sở này vẫn chìm trong tình trạng ảm đạm.
Dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh du lịch của trang trại bị dừng đột ngột từ tháng 3 và không thể trở lại như xưa dù New Zealand đã dỡ bỏ các lệnh phong tỏa.
Trong một cuộc điện thoại trả lời phỏng vấn Reuters, Laura Douglas đã than khóc về việc cô gần như đánh mất start – up của mình, cô phải nhận một công việc thứ hai là bác sĩ thú y để thanh toán các hóa đơn trong thời kỳ dịch bệnh.
“Hiện nhu cầu đặt phòng cuối tuần trên ứng dụng phòng nghỉ và nhà nghỉ Airbnb và Vrbo trong tháng 7/2020 đã giảm 55% so với năm ngoái và khả năng phục hồi là không thể xảy ra cho đến cuối năm nay với New Zealand”, bài viết nhận định.
Hiện chính quyền New Zealand đang khuyến khích người dân thực hiện các chuyến trải nghiệm tại những nơi gần của họ sinh sống và chỉ làm việc 4 ngày trong tuần, tăng thêm ngày nghỉ lễ trong năm để người dân có thể đi du lịch.
Một số người New Zealand dường như đang chú ý đến sự khuyến khích ấy và thực hiện các chuyến đi trải nghiệm vào dịp cuối tuần.
Vào thứ sáu, bà Ardern sẽ tái khởi động mùa trượt tuyết tại địa điểm du lịch Queenstown, với hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy một chuyến du lịch nội địa.
Nhưng dường như nhu cầu về khách sạn và phòng nghỉ vẫn trong tình trạng chán nản.
Bài viết cũng cung cấp những số liệu về ngành du lịch của Việt Nam hiện nay.
Trong khi du lịch ở xứ kiwi đang chật vật, chờ đợi khách quốc tế thì tại Việt Nam, trong tháng 7, Việt Nam đã có hơn 26.000 chuyến bay dự kiến bay với 5 triệu khách, tăng 16% và 24% so với năm ngoái.
Chủ một công ty du lịch đặt phòng Minh Việt Booking chia sẻ với phóng viên của Reuters rằng họ đang xử lý một sự tăng mạnh trong đặt phòng khi các doanh nghiệp giảm giá để thu hút khách du lịch địa phương. Nhiều người đã không kịp mua dịch vụ năm sao trong các gói giảm giá của năm nay.
Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, đảo Phú Quốc, vịnh Cam Ranh là những địa điểm của Việt Nam được Reuters nhận định là “điểm nóng” cho các mùa du lịch, đặc biệt là điểm đến hàng đầu trong tháng 6, khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào cuối tháng 4.
Giảm giá vé, tung hàng loạt các gói khuyến mãi hấp dẫn là một phần làm nên sức hút của du lịch nội địa Việt Nam, theo tờ Reuters.