Hiện nay, người Mỹ đang sống nhờ vào lòng tốt của những ‘ông lớn công nghệ’ giữa cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tại chính đất nước này.
Bài viết được Zing lược dịch theo quan điểm của tác giả Theodore Schleifer, phóng viên chuyên mục Recode, trang tin Vox.
Chính phủ Mỹ đang thể hiện sự chậm chạp và bất lực trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước. Con số tử vong vì Covid-19 đã vượt ngưỡng 30.000 ca trong khi các nhà lãnh đạo không giúp được gì nhiều để cải thiện tình hình.
Những cứu tinh thực sự trong hoàn cảnh này lại là các tỷ phú, cụ thể hơn là các “ông lớn công nghệ”. Họ là những người giàu nhất thế giới. Hơn bất cứ thời điểm nào, Thung lũng Silicon có thể khẳng định vị trí quan trọng của mình giữa thời cuộc hỗn loạn.
Jack Dorsey, CEO Twitter hứa sẽ ủng hộ một tỷ đô cho cuộc chiến chống đại dịch, Apple quyên tặng 20 triệu khẩu trang và Bill Gates đang tiến hành xây dựng các nhà máy chế tạo vaccine ngừa virus corona. Hàng loạt triệu phú công nghệ khác cũng huy động mạng lưới của họ để thu gom thiết bị y tế trên toàn cầu phục vụ đội ngũ y bác sĩ trong nước.
Nhưng sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân, những ông lớn giàu có này là một mối nguy hiểm tiềm tàng mà chúng ta chưa rõ hậu quả. Sau khi giông bão đi qua, người dân phải trả giá những gì cho sự hào phóng này?
Sự ràng buộc với những ông lớn công nghệ
Trong cuộc đối thoại với Recode tuần trước, các nhà hảo tâm, những cố vấn đã mô tả về sự ràng buộc không mấy dễ chịu này. Ở một góc nhìn nào đó, những “ông lớn công nghệ” đang làm việc tốt. Một y tá ở tuyến đầu chống dịch sẽ chẳng quan tâm chiếc khẩu trang đến tay cô do Tim Cook hay Donald Trump gửi tặng, họ chỉ vui vì nhận được hỗ trợ.
Nhưng có hai vấn đề được đưa ra tranh luận tại thời điểm này. Thứ nhất, các tỷ phú công nghệ đang làm tốt vai trò của mình, thể hiện sức mạnh trong cuộc chiến chống virus. Thứ hai, khi chính phủ bất ổn, mạng lưới an toàn sụp đổ thì sức ảnh hưởng của giới công nghệ sẽ được đẩy lên cao, thậm chí sau khi đại dịch chấm dứt.
“Nếu chúng ta thực sự cần số tài nguyên y tế đó và sau này mới hối hận, tại sao bây giờ phải suy nghĩ nhiều thế?”
Megan Tompkins-Stange, một nhà báo chuyên nghiên cứu về sự ảnh hưởng của giới thượng lưu đã đặt câu hỏi trong cuộc đối thoại: “Nếu chúng ta thực sự cần số tài nguyên y tế đó và sau này mới hối hận, tại sao bây giờ phải suy nghĩ nhiều thế?”
Cô cũng nói thêm: “Trước những nỗ lực thất bại từ chính phủ, chúng ta cần các tỷ phú hỗ trợ bằng tài nguyên của họ. Đồng thời, nên mở cửa cho các tổ chức từ thiện khác, dù là ngắn hạn để hỗ trợ nhu cầu của cộng đồng cũng như nên đẩy mạnh tính hợp pháp dân chủ sau cuộc khủng hoảng này”.
Có bốn khía cạnh mà các tỷ phú công nghệ sẽ “hưởng lợi” trong cuộc khủng hoảng này: sức mạnh từ thiện, sức mạnh hợp tác, quyền lực chính trị và sức mạnh thương hiệu cá nhân. Trong tình cảnh này, chúng ta đang sống nhờ vào họ. Và cũng đáng suy ngẫm xem việc này có thực sự tốt hay không.
Từ doanh nhân trở thành anh hùng dân tộc
Trong 1-2 năm qua, một câu hỏi khá thú vị được đặt ra với giới thượng lưu: Thay vì làm từ thiện, tại sao những người giàu, cực giàu không nộp thuế nhiều hơn?
Cuộc khủng hoảng này đã chứng minh, tại một thời điểm cụ thể khi chính phủ thất bại, chúng ta cần sự giúp đỡ của những người giàu. Nhiều nhà phê bình cho rằng đại dịch Covid-19 đã chỉ ra nhiều vấn đề và lỗ hổng trong hệ thống chính trị. Nước Mỹ phải dựa vào lòng hảo tâm của các tỷ phú để có đủ thiết bị y tế như khẩu trang, máy thở.
Dustin Moskovit, người đồng sáng lập Facebook và cũng là một trong những tỷ phú hảo tâm nhất Thung lũng Silicon nói: “Hoạt động từ thiện đang đảm nhiệm phần lớn trọng trách ứng phó với dịch bệnh hơn bất kỳ ai. Nhưng tôi nghĩ những ai đang theo dõi tình hình gần đây đều biết rõ cuộc khủng hoảng không thể chỉ giải quyết bằng việc từ thiện”.
Giá trị tài sản của các “ông lớn” tại Thung lũng Silicon đã tăng mạnh trong suốt thập kỷ qua. Một số người giàu tới mức ngay cả khi muốn cho tiền đi, họ cũng không thể đạt được ước nguyện nhanh chóng.
Từ đó những phương thức từ thiện như quỹ tài trợ ngày càng phát triển. Nhiều cố vấn của các tỷ phú công nghệ mô tả người giàu không biết làm gì với tiền của họ nên phải cất đi để có dịp sẽ khai thác tới.
Nhiều nhà phê bình cho rằng việc từ thiện của các tỷ phú là biểu hiện của quyền lực tư nhân. Thực vậy, những nhà hảo tâm như Moskovitz có sức ảnh hưởng lớn đến động thái phản ứng của Mỹ trước cuộc khủng hoảng.
Sức ảnh hưởng này không đo đếm được, không nhìn thấy được và phi dân chủ. Liệu có xảy ra việc lợi dụng quyền lực? Những đóng góp của các tỷ phú có thể giúp hợp pháp hóa nhiều hoạt động kinh doanh không minh bạch, biến họ từ những doanh nhân thành anh hùng dân tộc.
Lý thuyết này bỏ qua hai vấn đề ở thời điểm hiện tại. Thứ nhất, các khoản đóng góp chắc chắn mang lại lợi ích cho cộng đồng. Thứ hai, có thể bài phê bình này đánh giá quá mức việc từ thiện cho đại dịch khi tập trung hoàn toàn vào giới thượng lưu.
Giả sử những đóng góp này thay bằng việc các tỷ phú nộp thuế cao hơn, mà số thuế do chính phủ quyết định, chưa chắc đã có diễn biến như bây giờ. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng ta cần 25 triệu USD từ Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Moskovitz hơn là tiền thuế.
“Mặc dù có những lo ngại về việc từ thiện hay hỗ trợ người dân thay cho chính phủ, nhưng hiện tại không có sự thay thế nào tuyệt vời hơn cả”.
Sam Altman, cựu chủ tịch của Y Combinator viết trên blog cá nhân: “Tôi nghĩ mặc dù có những lo ngại về việc từ thiện hay hỗ trợ người dân thay cho chính phủ, nhưng hiện tại không có sự thay thế nào tuyệt vời hơn cả”.
Những người ủng hộ các tỷ phú thường ca ngợi Bill Gates, người đang dành số tài sản của mình để tìm cách sản xuất 7 loại vaccine khác nhau cho đại dịch. Nhiều người ngưỡng mộ Bill Gates đến mức nói rằng họ thà để ông dùng tiền làm việc thiện còn hơn đóng thuế cho bộ máy nhà nước quan liêu.
Nhà phê bình Anand Giridharadas cũng đưa ra lập luận những món quà luôn được chào đón trong các tình huống khó khăn. Nhưng cách chúng ta phát triển bị phụ thuộc vào những nhà từ thiện ngay từ đầu. “Ở thời điểm cấp bách và tuyệt vọng, người giàu có thể hành động nhanh chóng và cứu sống nhiều người. Đó là lý do chúng ta thích những tỷ phú. Nhưng tôi nghĩ mọi người nên đặt ra nghi vấn nhiều hơn”.
Giridharadas cho rằng nước đi thực sự của các tỷ phú là ngăn chặn việc chính phủ dùng hàng sản xuất từ nước ngoài khiến hàng trong nước bị tồn dư, tạo nên một chiến dịch đảm bảo an toàn xã hội với các chương trình như chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh trong tình thế cấp bách hiện nay, có thể chúng ta chưa nghĩ tới, nhưng sau này chắc chắn phải đề cập lại những khúc mắc này.
Không phải tất cả các nhà tài trợ đều có ý đồ tư lợi hay truy cầu quyền lực. Thực tế có nhiều tỷ phú không công khai việc họ làm từ thiện.
Những người đứng đầu các công ty công nghệ lớn khác, tuy không phải tỷ phú nhưng họ cũng rất nỗ lực đóng góp. Ví dụ nhà đầu tư Ryan Sarver và cựu CEO Twitter Dick Costolo đã tài trợ cho nhiều bữa ăn tại nhà hàng. Ở đó không có chương trình nghị sự, không có ai cố gắng xây dựng sự ảnh hưởng cá nhân lên các chính trị gia.
Ngoài ra, không phải các tỷ phú đều quyên góp nhiều như chúng ta nghĩ. Cặp đôi nhà sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page đã từ chức trước cuộc khủng hoảng và không có hành động đóng góp đáng kể nào. Số quà từ thiện của Mark Zuckerberg và Jeff Bezos có giá trị chỉ bằng một phần rất nhỏ khối tài sản của họ.
Có hay không việc “tẩy trắng”các bê bối cũ?
Nhiều nhà hoạt động xã hội nghi ngại việc từ thiện này có mục đích khác như giảm sự ảnh hưởng chính trị lên tập đoàn của các tỷ phú. Những việc tốt này đôi khi khiến hoạt động giám sát quy mô và các vụ bê bối dữ liệu bị chậm lại hoặc thậm chí lờ đi. Ví dụ như nhóm Big Tech, sau nhiều năm im ắng, giờ có thể dùng việc từ thiện để rửa sạch những bê bối cũ và xây dựng hình ảnh đẹp cho công ty.
Sally Hubbard của Viện Thị trường mở cho rằng giới tỷ phú của Big Tech sẽ có nhiều quyền lực hơn sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Thị trường bán lẻ đang rất sôi động khi Amazon bổ sung hàng trăm nghìn mặt hàng trong mùa dịch. Google ngày càng có chỗ đứng khi triển khai Google Classroom cho việc dạy-học online.
Các quan chức từ Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom đến Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence liên tục cảm ơn sự hào phóng của Tim Cook và Mark Zuckerberg, những người mà họ sẽ phải dè chừng hơn trong nhiều năm tới.
Freada Kapor Klein, một nhà từ thiện công nghệ cũng bày tỏ sự lo lắng: “Những hành động đó sẽ khiến việc kiểm soát trách nhiệm của họ sau này khó khăn hơn”.
Sự hậu thuẫn lẫn nhau giữa doanh nghiệp và chính phủ
Cuộc khủng hoảng này cho thấy các tỷ phú công nghệ đã để lại dấu ấn lên chính sách nước Mỹ như thế nào. Sau nhiều năm xây dựng các hoạt động hành lang trên toàn cầu, họ đang dùng sức ảnh hưởng đó để làm bàn đạp cho quan điểm của mình.
Ví dụ điển hình phải nhắc đến Larry Ellison, người sáng lập Oracle và là một trong những người giàu nhất thế giới. Ellison khiến nhiều người ở Thung lũng Silicon ngạc nhiên khi chủ trì hoạt động gây quỹ cho Tổng thống Trump với số tiền 7 triệu đô trong chiến dịch hồi tháng 2. Đây được coi là sự kiện củng cố mối quan hệ của Ellison với Nhà Trắng. Việc này diễn ra sau nhiều năm các cửa hàng của Oracle tại Washington thiết lập quan hệ chặt chẽ với chính quyền nhà nước.
Chỉ một tháng sau, Ellison đã kêu gọi các mối quan hệ chính quyền trước đó để ủng hộ Tổng thống Trump đưa hai loại thuốc chống sốt rét chưa được kiểm nghiệm là chloroquine và hydroxychloroquine vào điều trị virus corona. Trong khi đó, các bác sĩ cho rằng chưa chứng minh được hiệu quả của hai loại thuốc này và có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tompkins-Stange tiếp tục bày tỏ rằng cô chưa biết chính xác cách thức các “ông lớn công nghệ” đang gây ảnh hưởng lên chính sách nước Mỹ một cách phi dân chủ như thế nào. Nhưng mối quan hệ của Tổng thống Trump và Ellison là một ví dụ về việc các tỷ phú công nghệ đang dùng tiền để gây dựng sức mạnh chính trị trong tương lai.
Tô đậm sức mạnh thương hiệu cá nhân ngay trong khủng hoảng
Các tỷ phú trong nhiều thập kỷ qua trở thành những nhà tiên tri, ngôi sao nhạc rock, lên hình trên bìa tạp chí, bán sách dạy công chúng làm giàu và xa hơn là biến tiền của họ thành bước đệm văn hóa.
Giữa cuộc khủng hoảng, mọi người khao khát thông tin xác thực thì những tỷ phú này dùng sự nổi tiếng và uy tín để truyền đạt tin tức. Thực tế, một số lãnh đạo công nghệ đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra đại dịch toàn cầu từ rất sớm, khi virus corona mới gây thiệt hại ở Trung Quốc.
Bên cạnh những điều tốt đẹp của việc từ thiện giữa đại dịch, cuộc khủng hoảng này có thể mang lại sức ảnh hưởng lớn hơn cho các tỷ phú trong cộng đồng. Vì họ được coi như những nhà lãnh đạo tư tưởng trong nhiều lĩnh vực xa hơn cả công nghệ.
Bill Gates là minh chứng rõ ràng nhất khi có mặt khắp mọi nơi và đưa ra những phân tích tỉnh táo, bình tĩnh về tình hình. Ông có mặt trong 30 phút đầu trên chương trình của CNN, đưa ra lời khuyên trên tờ Washington Post và The Daily Show, trên Reddit AMAs hay livestream TED.
“Tại thời điểm này, chúng ta khao khát một nhà lãnh đạo rõ ràng, sáng suốt. Bill Gates rất kiên định với tiếng nói của mình trong những vấn đề tương tự. Mọi người sẽ thích Bill khi họ không nhận được động thái rõ ràng từ giới cầm quyền”- Jeff Raikes, cựu CEO của Gates Foundation nói.
Cùng với Gates, nhiều người nổi tiếng trong giới công nghệ cũng dùng nền tảng và thương hiệu cá nhân để thu hút sự chú ý trong khủng hoảng. Ví dụ như Mark Zuckerberg đã chủ trì một buổi phỏng vấn đầy thông minh và có tính trách nhiệm trên Facebook Live cùng với những chuyên gia như Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia.
Nếu 4 loại sức mạnh trên giúp cứu sống người dân nhiều hơn thì cuộc tranh luận sẽ chỉ còn ba từ: vậy cũng được. Sự đánh đổi này có thể là hình ảnh các tỷ phú công nghệ được nâng tầm hơn bao giờ hết, trong chính đống đổ nát sau cuộc khủng hoảng. Và khi đó, xã hội cũng sẽ trở nên bất bình đẳng hơn.
Theo Recode, Vox