Đưa những kiến thức ngành y áp dụng vào làm kinh tế nông nghiệp, chàng trai trẻ 8X ở Thanh Hóa thu lời mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ nuôi ốc nhồi, chạch, ếch giống.
Cả nhà làm trang trại
“Bố, chú và anh đều làm trang trại, giờ đến lượt tôi cũng làm trang trại. Mỗi người một lĩnh vực nhưng tất cả đều đến với tình yêu của nghề, chứ không thì khó mà bám trụ được với nó chứ chưa nói gì đến chuyện làm giàu”.
Lê Thiên Tư, chàng trai trẻ 8X (thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) giới thiệu về mô hình trang trại của gia đình mình. Bởi lẽ, nhờ mô hình làm kinh tế trang trại mà nhiều thế hệ tại gia đình Tư thu được lợi nhuận kinh tế cao.
Nói rồi Tư chỉ tay về phía căn nhà 2 tầng mái Thái khang trang trị giá bạc tỷ đang dần được hoàn thiện, đó chính là căn nhà của người anh trai ruột Tư. “Nhờ mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng, nhiều năm qua anh ấy cũng đỡ vất vả hơn nhiều”, Tư khiêm tốn.
Tư kể, trước đây nơi đây là vùng đồng ruộng, quanh năm người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa. Gia đình Tư cũng vậy, ngày ấy, khi thấy mô hình làm kinh tế trang trại đem lại lợi nhuận kinh tế hơn cây lúa nên những thế hệ đi trước như bố, chú ruột của Tư mới khai hoang, đưa những con giống như cá, ếch, ốc về nuôi trồng. Mãi đến tận bây giờ, Tư và anh trai vẫn nối gót, quyết làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại.
Trai điều dưỡng làm nông nghiệp giỏi
Truyền thống nghề kinh tế trang trại của gia đình là vậy, nhưng ban đầu Lê Thiên Tư chọn một lối đi khác cho riêng mình. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng y tế Thanh Hóa, anh bắt đầu làm điều dưỡng viên tại bệnh viện Mắt Bắc Trung Nam ở TP Thanh Hóa.
Thế nhưng, cái gen làm nông nghiệp đã ngấm vào người khiến Tư chẳng thể nào bám trụ với nghề điều dưỡng được. Đến năm 2014, qua giới thiệu, Tư được mời làm tư vấn kỹ thuật cho một trang trại nuôi thỏ New Zealand ở huyện Yên Định với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Được làm công việc yêu thích, lương lại cao, Tư vui lắm. Tuy nhiên, trong một lần tham quan những mô hình nuôi ốc và ếch, nhận thấy đây mới là điều mà Tư vẫn mong muốn bấy lâu. Nghĩ là làm, Tư quyết định bỏ tất cả để về quê làm giàu bằng mô hình nuôi ốc nhồi, ếch giống.
Năm 2016, tận dụng hơn 6.000m2 đất nông nghiệp của gia đình, Lê Thiên Tư vay mượn rồi đầu tư xây dựng bể xi măng, đào ao nuôi ếch, ốc, cá rô. Chủ yếu các mặt hàng mà Tư hướng đến đều được đầu tư dưới dạng bán con giống, đây là hướng đi mới của Tư so với những người đi trước ở gia đình là bán thương phẩm.
“Khi bắt tay vào làm nông nghiệp mới thấy những năm tháng học tại trường y tế không phí hoài chút nào. Vốn thạo về kiến thức dược, hóa, sinh lý nên việc áp dụng những kiến thức này vào nhân giống các con vật nuôi rất hữu ích và hiệu quả”. Tư chia sẻ.
Từ ếch, rồi Tư nhanh chóng hướng đến nhiều giống nuôi khác như ốc nhồi, chạch Tàu, cá trê, cá vược… Đến nay, Tư sở hữu một một mô hình trang trại rộng 6.000m2 với đủ các loại con giống. Theo Tư chia sẻ, mỗi năm trung bình tại trại giống của Tư xuất bán 100 vạn giống cá rô đầu vuông, gần 1 tấn cá trê, ốc, ếch các loại… đem về nguồn thu mỗi năm từ 200 – 300 triệu đồng.
Chia sẻ về về kỹ thuật nuôi con giống, Tư cho biết: “Việc nuôi con giống tuy dễ nhưng đòi hỏi sự cẩn thận trong từng công đoạn. Đặc biệt là việc vệ sinh chuồng trại, nước, thức ăn và nuôi thả đúng thời vụ. Ví dụ con ốc nhồi, điệu kiện để thả ốc nhồi đạt hiệu quả kinh tế thì đầu tiên phải xử lý ao nuôi bằng việc tháo cạn nước, bắt cá tạp, dùng vôi bột để khử sạch ao. Ốc nhồi bắt đầu nuôi tốt nhất từ tháng 3-4 hằng năm. Khi mua giống ốc nhồi phải chọn cơ sở uy tín, thả mật độ từ 100-150 con/m2, xung quanh ao nuôi ốc nhồi có thể thả cây bèo tây, trồng cây khoai môn để tạo bóng mát và che gió…”.
“Hiện tại, chạch Tàu là một trong những con được đầu tư khá kỳ công và đem lại nguồn kinh tế cao. Đây là giống chạch được lấy giống từ Đài Loan về. Lúc thả giống cá chạch xuống ao nuôi phải chọn cá khỏe mạnh, đồng đều, có chiều dài 2-5cm. Sau khi nhân được giống, chạch giống được bán với giá 200 đồng/con, nuôi sau 4-6 tháng bán với giá 80.000 đồng/kg. Năm vừa qua lứa chạch đem về cho tôi gần 100 triệu đồng.”, Tư cho biết thêm.
Thị trường tiêu thụ của trang trại Thiên Tư chủ yếu trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình.
Nói về dự định tương lai, chàng trai trẻ Lê Thiên Tư cho biết sẽ đầu tư mở rộng mô hình trang trại của mình.