Ngày 20/4, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm trong ngày đạt kỷ lục đúng lúc chính phủ nới lỏng lệnh phong tỏa hà khắc để cho phép các hoạt động sản xuất và nông nghiệp tiếp diễn.
Quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới đã ghi nhận khoảng 1.600 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 17.615.
Quốc gia hơn 1,3 tỷ dân đã có 559 người chết vì Covid-19. Trong khi đó, các nhà dịch tễ học dự báo đỉnh dịch có thể không đạt được trước tháng 6, theo AP.
Ấn Độ áp lệnh bắt buộc người dân ở trong nhà từ ngày 24/3. Tất cả hoạt động không thiết yếu phải tạm dừng. Hôm 14/4, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới này đến ngày 3/5, khiến hàng triệu người nghèo Ấn Độ có nguy cơ thiếu lương thực.
Bắt đầu từ ngày 20/4, một số ngành công nghiệp và nông nghiệp được phép hoạt động trở lại, song các chủ lao động vẫn phải đảm bảo tuân thủ giãn cách xã hội và các tiêu chuẩn về vệ sinh. Những người lao động nhập cư có thể di chuyển giữa các bang để đến nhà máy, trang trại và các địa điểm làm việc khác.
“Trong trường hợp nhóm người nhập cư muốn quay trở lại nơi làm việc ngay trong tiểu bang họ đang ở, thì họ sẽ được kiểm tra. Những người không có triệu chứng sẽ được chở đến nơi làm việc”, theo Bộ Nội vụ Ấn Độ.
Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona ở miền trung Ấn Độ, cũng đề xuất cho phép một số công ty đủ điều kiện khởi động trở lại.
Các nới lỏng hạn chế được thực hiện trong khi Ấn Độ tiếp tục tăng cường xét nghiệm, xây dựng các kho dự trữ máy thở và đồ bảo hộ cá nhân. Họ cũng bố trí các khu vực cách ly tạm thời cho các bệnh nhân Covid-19.
Tại thủ phủ của Mumbai, Maharashtra, nơi có khu ổ chuột lớn nhất châu Á, chính quyền đã lên kế hoạch phân phát thuốc chống sốt rét hydroxycloroquine cho hàng nghìn cư dân trong 14 ngày để xem xem liệu nó có tác dụng ở nơi mà các quy định không được tuân thủ hay không. Hiện chưa rõ bao nhiêu người sẽ tham gia và cuộc thử nghiệm, cũng như khi nào sẽ bắt đầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quảng cáo loại thuốc trị sốt rét này có thể điều trị bệnh viêm phổi do virus corona gây ra, mặc dù hiệu quả của nó vẫn chưa được chứng minh.