‘Việc lựa chọn cách giải bài toán quản trị tổng thể thay vì giải từng bài toán nhỏ là dành phần khó về mình, nhưng mang lại trải nghiệm và lợi ích tốt hơn cho khách hàng’.
Trong thời đại số ngày nay, việc áp dụng quản trị thời đại số là tất yếu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong công tác quản trị, tuy rằng thời điểm ban đầu có khó khăn. Khách hàng là đối tượng hưởng lợi và tất nhiên sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, có tới 90% các doanh nghiệp đã và đang từng bước chuyển đổi số vào quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có những chiến lược quản trị riêng. Trong đó, ứng dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh là hành động tất yếu nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững.
Ông Lê Việt Thắng, CEO 1Office cho biết, thực tế, mỗi CEO hàng ngày phải đối mặt với khá nhiều bài toán quản trị trong doanh nghiệp. Vì thế, họ phải dùng phân mảnh nhiều phần mềm để giải quyết từng bài toán một cách riêng. CEO biết rõ những hạn chế của việc dùng nhiều phần mềm (dữ liệu phân tán, chi phí cao, trải nghiệm người dùng không thống nhất …). Các CEO đều muốn có một giải pháp tổng thể, linh hoạt, mềm dẻo để giải quyết bài toán quản trị doanh nghiệp.
Ông Thắng cho rằng, việc doanh nghiệp lựa chọn cách giải bài toán tổng thể thay vì giải từng bài toán nhỏ là dành phần khó về mình. Tuy nhiên, điều này sẽ mang lại trải nghiệm và lợi ích tốt hơn cho người dùng.
Triển khai một phần mềm quản trị tổng thể sẽ giải quyết được các nhược điểm mà các phần mềm riêng lẻ không thể giải quyết được như: tính liên thông dữ liệu, tính thống nhất về giao diện người dùng, vị trí, chức vụ.
Còn theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, hệ thống quản trị doanh nghiệp được thay đổi là yếu tố tác động và là bài toán thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Từ đó, văn hóa doanh nghiệp chính là tấm gương phản chiếu bản chất của hệ thống đó.
Thời đại 4.0, doanh nghiệp phải nói không với sự chậm chạp, trì trệ. Thay vào đó phải là sự linh hoạt, tốc độ và tính kỷ luật cao. Bên cạnh đó, tính quyết đoán trong việc đưa ra các quyết định cũng phản ánh phần nào yếu tố này. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần có những công cụ hỗ trợ đắc lực từ công nghệ số, cũng như những nhân sự trình độ cao để hỗ trợ mình trong những chuyển biến bất ngờ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Huân, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới văn hóa doanh nghiệp. Bởi đây là yếu tố căn bản giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Trong bài toán quản trị, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đầu tiên phải do ý chí của người lãnh đạo ban đầu tới việc nhận thức và chung tay thực hiện của cả một tập thể. Nếu doanh nghiệp xây dựng văn hóa càng mạnh, càng sâu thì kinh doanh càng bền vững, càng có nhiều đối tác hơn.
Từ đó, bài toán quản trị doanh nghiệp phát triển bền vững chính là nguyên lý “tôn trọng đối tác và cạnh tranh dẫn đầu”, đặc biệt ở thời đại công nghệ hiện nay. Điều đó có nghĩa cạnh tranh với đối tác cùng phát triển để chiếm vị thế dẫn đầu chứ không phải cạnh tranh đối đầu để triệt hạ đối thủ.
“Với tôi, tính nhân văn của tư tưởng Khổng Tử và giá trị tinh hoa của văn minh phương Tây đã thấm nhuần cho triết lý quản trị kinh doanh doanh nghiệp của mình. Tôi cho rằng, mình tôn trọng đối tác, họ sẽ sẽ tôn trọng lại mình. Muốn đạt được cái tôi của mình, thì phải vì cái tôi của người khác. Muốn có lợi ích, hãy mang lại lợi ích cho người khác”, ông Huân chia sẻ.