Cho rằng thời điểm khó khăn này là cơ hội để mua lại doanh nghiệp khác, nhưng chủ tịch Thế giới Di động khẳng định sẽ không tiến hành M&A.
Trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư mới đây về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến Thế giới Di động, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài bày tỏ sự lạc quan và cho rằng bên cạnh khó khăn, đây cũng là dịp sàng lọc giữa doanh nghiệp có nền tảng và chỉ có bề nổi.
“Sau dịch, nhu cầu sụt giảm thì nguồn cung cũng sụt giảm. Ai là người có nguồn lực, nền tảng vững vàng sẽ trụ lại. Trải qua bao nhiêu cuộc bể dâu, bao nhiêu anh tài bán lẻ điện thoại, điện máy đã ra đi, ai là người lấy thị phần? Có lẽ phần lớn là Thế giới Di động”, ông Tài mở đầu.
Không phải lúc tính chuyện thâu tóm
Theo chủ tịch Thế giới Di động, những doanh nghiệp chỉ có bề nổi sẽ gặp khó khăn và có thể không trụ được qua mùa dịch. Ngược lại, những doanh nghiệp có nền tảng tốt sẽ vượt qua theo châm ngôn “thử lửa vàng”.
Giải thích rõ hơn, ông Tài cho biết các doanh nghiệp nhỏ xây dựng nền tảng vững vàng vẫn sẽ đi qua khó khăn. Ngược lại, những chuỗi lớn, mở rộng nhanh nhưng “xây lâu đài trên cát, dùng cơ bắp vận hành và không có gì phía sau” có thể gặp nguy hiểm.
Khi được hỏi đây có phải là thời cơ để mua lại các chuỗi bán lẻ nhỏ với giá rẻ, nhà sáng lập Thế giới Di động cho biết chưa nghĩ đến hoạt động mua bán sáp nhập (M&A).
Từ trải nghiệm sau thương vụ với điện máy Trần Anh, ông Tài cho biết sau khi M&A, công ty phải nỗ lực rất nhiều để thay đổi cách vận hành, văn hóa của chuỗi mới mua lại bên cạnh vấn đề dòng tiền.
“Mua lúc này làm khó người ta. Giờ đi mua sẽ làm thị trường rúng động. Khách hàng của họ sẽ nghĩ ông này còn ổn không, rồi ai bảo hành cho tôi. Mua được thì tốt nhưng không được thì làm khách hàng của đối thủ hoang mang”, ông đánh giá điều này không phù hợp với quan điểm đạo đức kinh doanh của công ty.
Do đó, chủ tịch Thế giới Di động khẳng định chưa có dự định mua lại các chuỗi đối thủ và doanh nghiệp cũng không muốn dành nguồn lực cho việc M&A.
Vì sao cổ phiếu giảm mạnh hơn thị trường?
Trong buổi họp, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liên về cổ phiếu Thế giới Di động. Trong đó có vấn đề lý do giá cổ phiếu doanh nghiệp giảm mạnh hơn mức chung của thị trường giai đoạn vừa qua.
Ông Tài thừa nhận cũng tự đặt câu hỏi này và cho rằng những nhà đầu tư cá nhân sẽ có câu trả lời tốt nhất vì họ là người quyết định bán cổ phiếu.
“Có thể các bạn nghĩ trong giai đoạn này, những ông lớn, nặng nề, chậm chạp sẽ dễ tổn thất. Có thể nhiều người đánh giá đây là công ty quá lớn, xoay chuyển chậm chạp, dễ tổn thương vì chi phí cố định lớn quá. Những công ty nhỏ thì luồn lách đủ kiểu”, ông Tài nói.
Tuy nhiên, ông khẳng định Thế giới Di động là doanh nghiệp rất lớn nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ở mức rất cao, có nền tảng vững vàng.
“Đây là người khổng lồ có sức mạnh chứ không phải một anh béo phì, chậm chạp không thể xoay chuyển. Thị trường đang trong giai đoạn sàng lọc, ai có nền tảng và ai chỉ có cái vỏ. Nhu cầu giảm thì người bán cũng giảm rất nhiều. Qua đợt bể dâu này, ai trụ lại sẽ lấy thị trường”, ông Tài tự tin.
Chủ tịch Thế giới Di động cũng cho hay mục đích đăng ký mua thêm cổ phiếu không phải để hỗ trợ giá hay đồng hành với cổ đông. Ông cảm thấy đơn giản đây là cơ hội tốt để tăng tỷ lệ sở hữu.
Trước câu hỏi công ty có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ hay không, ông Tài chia sẻ nếu lúc này tiền trong túi dư sẽ mua. Thế giới Di động có vài nghìn tỷ trong ngân hàng nhưng cũng đang đi vay. Vì vậy, việc vay ngắn hạn để mua cổ phiếu quỹ không phải là giao dịch tài chính lành mạnh.
“Trường hợp vay trung hạn lãi suất 8-9%, vay 1.000 tỷ sẽ phát sinh chi phí 80-90 tỷ/năm. Nếu cổ đông đồng ý lợi nhuận giảm 80-90 tỷ, công ty sẽ làm nhưng thực tế không ai muốn như vậy. Công ty không vay để mua cổ phiếu quỹ”, ông trả lời.
Không chủ trương cắt giảm nhân sự
Về những biện pháp tiết giảm chi phí trong mùa dịch, ông Tài thông tin tùy theo tình hình doanh thu, công ty sẽ có phương án giảm chi phí cố định như lương nhân viên, mặt bằng.
Ông nhấn mạnh doanh nghiệp không có chủ trương cho nhân viên nghỉ việc, không cắt giảm tuyệt đối nhân sự.
“Dịch bệnh rồi sẽ qua đi. Nguồn nhân lực là điều quý giá. Công ty không chủ trương cắt giảm con người, không muốn mất bất kỳ một nhân viên nào và đang nỗ lực giữ toàn bộ nhân lực trong giai đoạn này. Vài tháng sau dịch, đây sẽ là nguồn lực giúp Thế giới Di động mở rộng”, ông Tài chia sẻ.
Vị chủ tịch nói thêm thu nhập của nhân viên công ty dĩ nhiên có sụt giảm trong mùa dịch vì thông thường làm đủ giờ làm, đủ giờ công nhưng nay làm việc ít hơn.
Với chi phí mặt bằng, doanh nghiệp đang thương lượng với chủ nhà để giảm giá thuê 50% hoặc miễn phí thuê trong thời gian phải đóng cửa hàng theo yêu cầu đóng cửa hàng theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Với đối tác quá cứng nhắc không muốn chia sẻ, công ty cân nhắc khả năng chuyển sang địa điểm gần đó với chi phí hợp lý hơn.
Khi một nhà đầu tư đặt vấn đề công ty có quan ngại về việc thua lỗ năm nay, ông Tài khẳng định đây là lo lắng không tưởng. Ông giải thích điểm hòa vốn trước đây được tính toán dựa trên 100% chi phí mặt bằng, nhân sự. Khi chi phí giảm xuống, điểm hòa vốn sẽ thấp hơn. Còn việc doanh thu giảm 80-90% không thể xảy ra.
Chủ tịch Thế giới Di động chia sẻ thêm những ngày gần đây doanh thu của điện thoại, điện máy vẫn ổn, không sụt giảm như mường tượng dù từng nghĩ đây là hàng xa xỉ, khách hàng sẽ ngừng mua khi khó khăn.
Ông đánh giá nhu cầu thay thế điện thoại, laptop, hàng điện gia dụng vẫn tồn tại, còn nhu cầu cập nhật sản phẩm mới, thời thượng giảm đi.
Thừa nhận rất khó để dự báo về dịch bệnh vì đây là điều các doanh nghiệp chưa từng trải qua nhưng ông Tài cho biết doanh nghiệp của mình luôn đặt mục tiêu cao hơn mặt bằng chung.
“Giờ nói năm nay bán được bao nhiêu điện thoại, tivi thì chịu. Nhưng thị trường giảm 20%, công ty chỉ giảm 5-10%. Thị trường tăng 10-15%, công ty này phải tăng 20%”, chủ tịch Thế giới Di động khẳng định.