Không chỉ gia đình tôi, cách ly buộc rất đông người phải làm việc tại nhà, học sinh học tập từ xa, các hoạt động mua sắm, thăm hỏi, chẩn đoán bệnh từ xa cũng trở nên phổ biến.
Thế giới thực như tạm ngưng lại, thói quen di chuyển xuyên quốc gia thời toàn cầu hóa bị phanh gấp, di chuyển nội địa không cấp thiết bị cấm, dòng người đã dịch chuyển về nông thôn nơi mật độ dân số thấp, các đô thị trên thế giới trở nên dễ thở hơn. Con người đã rút về và bắt đầu ổn định trong hầm trú ẩn cuối cùng là gia đình của mình – “Tổ ấm”.
Ở đâu đó vẫn vang lên thông điệp Bệnh viện có thể quá tải, rủi ro lớn hơn đối với người cao tuổi,… nhắc nhở các thành viên trong mỗi gia đình nâng cao ý thức phòng dịch, như đang chuyền tay nhau ngọn đuốc vô hình thắp lên trách nhiệm đối với cộng đồng xung quanh, bắt đầu từ gia đình – hạt nhân của xã hội.
Người dân đã trao hết quyền lực cho Chính phủ. Sau một thời gian lúng túng, Chính phủ các nước đã tăng cường phối hợp, chuỗi cung ứng y tế toàn cầu được thiết lập để cùng chống lại kẻ thù chung Covid-19. Hàng loạt các biện pháp khẩn cấp và quyết định nhanh chóng chưa từng có được thông qua. Nhiều chính phủ được gỡ bỏ khống chế chi tiêu công, và “cơn mưa tiền” mát mẻ đã đến với nhiều gia đình trên thế giới.
Thủ tướng chỉ đạo cấm tụ tập đông người từ 0h ngày 28/3 và hôm nay chỉ thị cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4, Hà Nội trở nên lặng lẽ và cổ kính hơn, tôi đã đưa hình ảnh chụp Chùa Trấn Quốc từ flycam với mong muốn bái vọng từ xa, cầu cho Quốc thái Dân an. Do không đủ điều kiện tổ chức trong môi trường thực tế nên “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” sẽ diễn ra trực tuyến.
Sáng qua, khu nhà tôi ở có 4 người tự cầm ly cafe yêu thích của mình được gia đình chuẩn bị sẵn, đeo khẩu trang xuống vườn. Ngôi làng vắng lặng và chúng tôi có lẽ là những kẻ – lỳ – lợm cuối cùng trong ngôi làng này. Giữ khoảng cách 3 mét, chúng tôi đã thảo luận về khá nhiều vấn đề.
Bác Tam tự hào về việc duy trì tốt thời gian biểu cho các cháu học tại nhà. Bác Trung chia sẻ kinh nghiệm phòng dịch trong gia đình, động viên mọi người duy trì thói quen đọc sách. Là một doanh nhân, anh Hải băn khoăn và mong muốn chính phủ các nước sử dụng gói cứu trợ, kích cầu một cách thông minh để giảm thiểu suy thoái kinh tế sau khi bệnh dịch kết thúc,…
Tôi thì thở phào vì đã duy trì được chế độ làm việc tại nhà cho nhân viên, khen ngợi bảo hiểm đã áp dụng công nghệ số và làm xong thủ tục mua bảo hiểm Covid cho các bạn nhân viên “trong vòng một giờ”…
“Diễn đàn chia sẻ” vui của chúng tôi kết thúc bởi cơn mưa bất chợt và ai nấy đều nhanh chóng trở về với “gia đình của mình”.
Ở nhà sóng viễn thông đã phủ khắp, góc làm việc tại nhà của vợ chồng cũng được sắp xếp lại, các cháu đang giải trí, học tập trực tuyến, thói quen này đã được hình thành hơn một tháng nay. Vợ tôi vừa gọi điện thăm hỏi bà nội ở quê, vừa đặt mua đồ thiết yếu qua internet.
Tôi liên lạc với người bạn vong niên đang ở trong bệnh viện, chúng tôi vẫy tay chào và động viên nhau qua chiếc camera điện thoại. Chợt thấy tình người vẫn ấm áp như khi đang ở gần nhau trước mùa dịch.
Không chỉ gia đình tôi, cách ly buộc rất đông người phải làm việc tại nhà, học sinh học tập từ xa, các hoạt động mua sắm, thăm hỏi, chẩn đoán bệnh từ xa cũng trở nên phổ biến. May mắn thay, với hạ tầng viễn thông của Việt Nam hiện tại những việc nêu trên đều khả thi.
Lối sống này sẽ có những tác động rất lớn, và đây sẽ là một bước ngoặt cho sự lên ngôi của phong cách làm việc học tập tại nhà, sống xa các vùng trung tâm trong tương lai.
“Ở nhà là yêu nước”, điều khẩn cấp trước mắt là nghiêm túc thực hiện khuyến cáo của Chính phủ để sớm chấm dứt dịch bệnh. Mọi khủng hoảng rồi cũng sẽ qua, thói quen sẽ ở lại. Tôi nghĩ rằng trong thời đại số “khá nhiều việc có thể giải quyết từ xa” và chúng ta nên dành nhiều thời gian dành cho người thân trong chính gia đình mình vì “Gia đình là số 1”
Trước giờ cách ly xã hội, tôi lại gọi điện về quê – Tổ ấm đầu tiên của tôi, đầu dây vang lên thông điệp: Bộ y tế đề nghị, mọi người dân không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết… Ngày mai là một ngày mới.