Nhiều tiểu thương cho rằng việc cách ly xã hội là cần thiết để dập dịch COVID-19, họ sẵn sàng chấp hành nghiêm túc chỉ đạo.
Vật lộn với cửa hàng quần áo từ sau Tết đến giờ, anh Nguyễn Xuân Trường (quận Đống Đa) cho biết, những ngày gần đây, anh cố đẩy mạnh việc bán hàng online để thanh lý nốt số hàng hơn 40 triệu đồng còn tồn trong kho. “Từ Tết đến giờ ngành hàng thời trang của chúng tôi bị ảnh hưởng lớn. Sau Tết thì Trung Quốc đóng cửa biên giới không có hàng để bán, vừa thông quan được một thời gian hàng về nhỏ giọt thì lại thực hiện cách ly xã hội toàn quốc khiến cửa hàng của tôi phải ngừng hoạt động”, anh Trường chia sẻ.
Tuy vậy, ngay sau nhận được thông tin Hà Nội tiếp tục cách ly xã hội đến hết ngày 22/4, anh Trường khẳng định sẽ chấp hành nghiêm việc đóng cửa hàng và tích cực việc bán online. “Đây là việc làm cần thiết để dập dịch triệt để. Vì vậy, không có lý do gì để phản đối cả”, anh Trường nhấn mạnh.
Theo anh Trường, mỗi tháng chi phí để duy trì cửa hàng không dưới 20 triệu đồng, trong đó phần lớn là tiền thuê nhà. Tuy nhiên dù phải đóng cửa hàng nhưng anh vẫn còn may mắn khi hàng đặt từ Trung Quốc vẫn về dù không nhiều, đủ để bán online, duy trì hoạt động trong những ngày cách ly xã hội. “Tính ra, dù không bán ở cửa hàng nhưng do tập trung đẩy mạnh mảng online nên từ tháng 3 đến giờ tôi vẫn có thể kiếm được hơn chục triệu đồng để bù vào cửa hàng đang nằm im. Cố gắng liệu cơm gắp mắm chắc sẽ qua được đợt dịch. Nhưng nếu hết tháng 4 mà tình hình dịch bệnh không khá hơn chắc tôi sẽ phải sang nhượng mặt bằng để thoát vốn”.
Là chủ chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng về sự độc đáo tại Cao Bằng và Hà Nội, chị Chu Thảo chia sẻ: “Thời gian qua chuỗi cửa hàng của chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Chỉ tính riêng chi phí cứng cửa hàng tại Hà Nội mỗi tháng tôi đã mất khoảng 120 triệu đồng, chưa kể tiền hỗ trợ nhân viên trong mùa dịch và các khoản chi không tên khác. Trong khi đó, cửa hàng tôi thuê cũng không được chủ nhà hỗ trợ giảm tiền nhà nên các chi phí này là cố định. Cửa hàng không hoạt động nên không có doanh thu, mỗi tháng tính ra bù lỗ riêng cửa hàng tại Hà Nội là hơn 120 triệu đồng, chưa tính cửa hàng tại Cao Bằng”.
Nhưng cũng như anh Trường, chị Thảo khẳng định khó khăn là tình hình chung, không phải mình chị. Do đó, chị chấp nhận thực trạng này và chấp hành nghiêm lệnh cấm của Chính phủ. “Chỉ cần mình chủ quan thôi thì mọi sự cố có thể sẽ xảy ra. Lúc đó, việc phòng chống dịch còn khó khăn và gian nan hơn, lâu dài hơn”, chị Thảo nhận định.
Cũng theo chị Thảo, vài người có kiến nghị tiếp tục đở mở cửa hàng nhưng sẽ thực hiện giãn cách theo những hình thức khác nhau như giữ khoảng cách giữa các bàn, chỉ nhận 50% lượng khách để hạn chế tiếp xúc gần hay mở theo giờ. Tuy nhiên chị Thảo cho rằng những giải pháp trên cũng không thực sự hiệu quả bởi đa số quán cà phê tại Hà Nội có diện tích không lớn vì thế để đảm bảo được khoảng cách giữa các bàn là 2 mét là rất khó. Việc mở cửa theo giờ cũng không khả thi bởi dù có mở cửa một tiếng đồng hồ mà khách đến đông cũng sẽ không ổn.
Chị Thảo nói: “Mặc dù giới kinh doanh như chúng tôi kêu thì kêu thật, đợt này thua lỗ nhiều nhưng cũng phải chịu, sẵn sàng đồng hành cùng Nhà nước và cả xã hội chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Thà thua lỗ 1,2 tháng rồi mọi việc quay trở lại bình thường còn hơn để dịch bệnh kéo dài cả năm còn khó khăn hơn. Về cơ bản, nếu như việc cách ly thêm 14 ngày là cần thiết thì chúng tôi cũng ủng hộ”.
Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dịch COVID-19.
Thủ tướng quyết định nhóm các tỉnh thành có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hà Tĩnh, và đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể của việc lây nhiễm.