Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khá phức tạp như hiện nay, giám đốc điều hành nên tránh tương tác trực tiếp với người phó của mình để tránh nguy cơ hoạt động của công ty bị gián đoạn.
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của mọi doanh nghiệp (DN). Đứng trước tình hình trên, nhiều công ty linh hoạt với các phương án kinh doanh để đối phó với tình huống khó khăn nhằm tồn tại và phát triển.
Mở lối đi mới
Mạnh về xuất khẩu nhưng Công ty Thực phẩm Duy Anh cũng rơi vào tình trạng xuất khẩu hàng hóa chậm hơn trước do nhiều nước đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Rất may, tình hình kinh doanh của Duy Anh không bị ảnh hưởng nhiều do kịp thời chuyển dịch sang thị trường nội địa và kênh bán hàng online.
Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Thực phẩm Duy Anh, nhận định kênh online đang bán hàng rất mạnh. Một mặt do người tiêu dùng e ngại đến nơi đông người dễ bị lây nhiễm, nên việc đặt hàng trên các trang thương mại điện tử trở thành sự lựa chọn số một. Nhờ vào sức mua thị trường nội địa, kết hợp mạnh với bán hàng trực tuyến nên nhà máy vẫn sản xuất một cách đều đặn như trước khi dịch bệnh xảy ra.
“Mặt khác, do năng lực sáng tạo của công ty thông qua việc kết hợp các nguyên vật liệu trong nước, như bún dưa hấu, mì bó xôi, mì cà rốt… có mức giá hợp lý đã thu hút người tiêu dùng. Hiện người lao động tại công ty vẫn đảm bảo thu nhập, các chỉ tiêu kinh doanh không bị tụt dốc” – ông Toàn thông tin.
Vốn là một đại gia trong ngành thực phẩm, Công ty Vissan đang tìm thấy lối đi mới trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp như hiện nay. Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan, với việc Nhà nước kêu gọi tránh tập trung đông người nhằm hạn chế sự bùng phát dịch bệnh thì việc buôn bán tại các cửa hàng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Vissan biến hệ thống cửa hàng thành kho và là đầu mối giao hàng cho khách hàng.
“Chúng tôi chưa triển khai mạnh bán online nhưng hiện nay thông qua đường dây nóng của công ty, khi khách hàng gọi đến yêu cầu đặt hàng thì từ hệ thống cửa hàng trên sẽ giao hàng hóa đến tận cửa nhà cho khách trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Đây là phương án kinh doanh mới của chúng tôi nhằm giải quyết bài toán người tiêu dùng e ngại đến nơi đông người. Đồng thời, chúng tôi sẽ phát triển kênh bán trực tuyến mạnh hơn nữa trong thời gian tới” – ông Dũng nói.
Ngay khi dịch bệnh xảy ra, ông Võ Minh Nhựt, Giám đốc điều hành Công ty NS BlueScope Việt Nam chuyên về thép, đã lập tức có các chuyến đi kết nối với khách hàng, các nhà đầu tư nhằm chia sẻ tầm nhìn và tìm giải pháp tốt nhất cho kinh doanh. Bởi sự chủ động nhận diện tình huống khó khăn giúp công ty tránh sự hoảng loạn và đương đầu với thách thức dễ dàng hơn.
“Bên cạnh đó, dòng tiền trong thời điểm này là rất quan trọng nên chúng tôi cắt giảm những chi phí không cần thiết. Đơn cử như cắt giảm chi phí hoạt động tiếp thị, hay thay vì sa thải nhân viên thì tạm thời không tuyển dụng mới” – ông Nhựt nói.
Chuẩn bị tình huống xấu nhất
Theo nhiều nhà kinh doanh, nếu có sự chuẩn bị trước các kịch bản đề phòng rủi ro thì dù dịch bệnh hay bất kỳ khủng hoảng nào vẫn có thể phát triển tốt và bền vững, chứ không phải dựa vào các giải pháp tình thế.
Đối diện với thị trường chứng khoán chao đảo trước dịch bệnh, Công ty chứng khoán SSI đã chuẩn bị các phương án ứng phó như diễn tập làm việc trực tuyến. “Chúng tôi quy định rõ ba trường hợp khẩn cấp với các mức độ khác nhau; kèm theo đó là các tình huống ứng phó, xử lý trên tinh thần đảm bảo không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến quyền lợi của nhà đầu tư. Trong đó, việc diễn tập thực tế là mức độ cao hơn trong công tác phòng, chống dịch của công ty với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của mọi người, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh và khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng” – đại diện SSI nhấn mạnh.
Phó Tổng giám đốc Vissan Phan Văn Dũng cũng thông tin, mọi nguyên liệu luôn được công ty gối đầu một năm, luôn có ít nhất hai nhà cung cấp cho một nguyên phụ liệu để đảm bảo đáp ứng sản xuất an toàn và ổn định. Ông Dũng nhấn mạnh: “Ở góc độ DN, quản trị rủi ro là chuẩn bị nhiều kịch bản, kể cả tình huống xấu nhất để đưa ra nhiều phương án giải quyết góp phần ổn định và bền vững hơn”.
Các sếp không nên gần nhau
TS Burkhard Schrage, Trường ĐH RMIT Việt Nam, khuyến nghị trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bủa vây, các DN có thể củng cố hoặc luân chuyển các nguồn lực này để đảm bảo toàn bộ công ty vận hành hiệu quả nhất. Chẳng hạn, lãnh đạo DN có thể tạm thời luân chuyển nhân viên bộ phận nghiên cứu thị trường sang bộ phận chăm sóc khách hàng.
Mặt khác, hiện nay rủi ro của dịch bệnh COVID-19 là sự lan truyền dẫn đến nguy cơ bị cách ly, nhất là nếu rơi vào trường hợp các lãnh đạo cấp cao khiến DN dễ ngừng hoạt động. Do đó, các DN cần cân nhắc chia ban quản lý và nhân viên thành hai nhóm không tiếp xúc trực tiếp với nhau để đảm bảo hoạt động được diễn ra xuyên suốt. Điều này rất quan trọng để có thể đảm bảo kinh doanh liên tục.
“Giám đốc điều hành nên tránh tương tác trực tiếp với người phó của mình. Mỗi bộ phận quan trọng trong công ty cần có hai người lãnh đạo và cách tiếp cận này cần được triển khai từ các cấp quản lý cao đến thấp. Các nội dung công việc nên được phụ trách bởi hai phía để có thể dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có thành viên bị gián đoạn công việc” – ông Burkhard Schrage nói.
Làm việc từ xa, thông tin minh bạch
TS Burkhard Schrage, Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các công ty cần triển khai ngay những công cụ cho phép nhân viên làm việc từ xa. Bởi đối với DN hiện đại, đa số các quyết định hay hành động đều có thể được thực hiện từ xa mà không cần gặp gỡ trực tiếp.
Đối với các bên liên quan bao gồm cả nội bộ và bên ngoài DN, cần phải có thông tin đầy đủ và rõ ràng về kế hoạch cũng như định hướng về diễn tiến trong giai đoạn khó khăn. Sự rõ ràng, minh bạch là điều vô cùng quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng. “Đừng quên chọn một kênh thống nhất để gửi đi thông điệp với khách hàng và nhân viên, tránh gây ra những hiểu lầm không cần thiết” – TS Burkhard Schrage khuyến nghị.