Trong bối cảnh quán game phải đóng cửa vì dịch COVID-19, nhiều thanh niên ham mê chơi game thuê cả bộ máy tỉnh từ quán game về nhà chơi dù giá thuê không hề rẻ. Trong khi đó, chuyên gia giáo dục cho rằng không nên lãng phí thời gian, tiền bạc vào những hoạt động này.
Dịch vụ thuê máy tính, máy chơi game cháy hàng mùa dịch COVID-19
Gần một tuần nay, cửa hàng game PlayStation của anh Nguyễn Tâm trên phố Trung Kính trống trơn do máy đã được giao cho nhiều khách thuê về nhà chơi. Cách đây khoảng 1 năm, anh Sơn cùng bạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng thuê mặt bằng, lắp đặt 20 máy chơi game cấu hình cao. Việc phải đóng cửa trong thời gian dịch bệnh khiến kế hoạch kinh doanh của quán bị đảo lộn.
Anh Tâm cho biết, không muốn “đắp chiếu” 20 bộ máy chơi game, cửa hàng quyết định đăng thông tin cho thuê máy về nhà chơi. Rất bất ngờ, rất nhiều người có nhu cầu thuê máy, giúp quán có nguồn thu để san sẻ gánh nặng chi phí thuê nhà.
Chia sẻ của chủ cửa hàng game PlayStation
“Lúc mới đăng thông tin cho thuê máy, chúng tôi chỉ hướng đến một số khách quen, nhưng người này chỉ người khác nên máy được thuê liên tục. Giá thuê máy có cao hơn so với thời điểm đến cửa hàng chơi, nhưng trong bối cảnh cháy hàng thì đây cũng là mức giá hợp lý”, anh Tâm nói.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại các khu vực có nhiều quán game như Lê Thanh Nghị, Thành Công, hồ Đền Lừ…, dịch vụ thuê máy về nhà cũng rất hút khách. Nhiều cửa hàng còn đăng thông tin cho thuê máy chơi game lên mạng xã hội. Để khách hàng dễ lựa chọn, các chủ phòng game hỗ trợ di chuyển, lắp đặt tận nhà. Một số loại game chỉ cần thuê linh, phụ kiện, thuê cục phát Wi-Fi…, cũng được đáp ứng theo nhu cầu.
Tùy vào thời gian, cấu hình máy mà mức giá thuê và mức đặt cọc sẽ khác nhau. Cụ thể, nếu thuê dài ngày thì sẽ giao động từ 300.000 đến 400.000 đồng/tuần. Nếu thuê theo ngày sẽ có giá cao hơn, từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng. Để đảm bảo máy không hỏng hóc, bị thay linh kiện, người thuê phải đặt cọc khoảng 5 triệu đồng/máy, sau khi trả máy sẽ nhận lại tiền.
Bạn Văn Cảnh, sinh viên đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, được nghỉ học mà về quê cũng không yên tâm nên quyết định ở lại. “Thời gian rảnh rỗi quá nhiều nên em thuê máy về chơi game. Một tuần chúng em chơi khoảng 1 đến 2 ngày. Việc chơi game có tốn tiền một chút nhưng cũng đỡ hơn là đi ra ngoài trong thời điểm dịch bệnh này”, bạn Cảnh nói thêm.
Nhận định từ các Chuyên gia tâm lý giáo dục
Theo T.S Nguyễn Tùng Lâm, Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội, gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thời điểm phải nghỉ học ở nhà. Theo ông Lâm, ngoài thời gian học theo chương trình trực tuyến của nhà trường, bố mẹ cần khuyến khích con cái chơi các trò chơi vận động thay vì chơi game trên máy tính, điện thoại.
“Bố mẹ nên định hướng cho con chứ không chiều theo sở thích của con. Theo tôi các trò chơi vận động sẽ giúp các con vừa khỏe mạnh cả thể trạng lẫn tinh thần. Việc học trên máy tính đã khiến mắt, trí óc của các con làm việc, giờ cộng thêm chơi game nữa sẽ là điều không tốt một chút nào”, ông Lâm nói.
Chuyên gia tâm lý giáo dục cũng cho rằng, cần có những quy định cụ thể về lứa tuổi được phép thuê máy chơi game. Với lứa tuổi học sinh, sinh viên thì thời gian học phải được ưu tiên hàng đầu. Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh tác hại của việc sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều.
“Vẫn biết các hộ kinh doanh cần doanh thu để trang trải chi phí, nhưng nhà nước nên có quy định về đối tượng được thuê máy tính, máy chơi game, không thể ai muốn thuê đều được đáp ứng. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận. Thế nên, nhu cầu thuê máy chơi game cũng là điều cơ quan chức năng nêu chú trọng đến lứa tuổi cho phù hợp”, T.S Tùng Lâm nói thêm.
>>Xem thêm: Dịch vụ cắt tóc lưu động nở rộ trong dịch COVID-19