Những việc không hiểu tuyệt nhiên đừng nói, những việc hiểu rồi thì đừng nói nhiều và có những việc đừng nên nói vội.
Ngôn ngữ nói chung và lời nói xét riêng chứa đựng một sức mạnh vô cùng to lớn và nắm giữ những quyền năng cực kỳ khủng khiếp. Người có khả năng dùng tiếng nói của mình để tạo được sự ảnh hưởng đến những người xung quanh thường sẽ nắm được đại cục và dẫn dắt, thu phục nhân tâm.
Trong môi trường công sở cũng thế, câu chuyện lời nói và cách thức giao tiếp luôn được dân văn phòng ưu tiên, chú trọng và đặt lên hàng đầy, làm kỹ năng cần được trau dồi và phát triển. Càng nắm giữ những vị trí chủ chốt trong tổ chức thì lời nói càng cần phải cẩn trọng. Và trên con đường vươn đến đỉnh cao của thành công, kỹ năng giao tiếp cũng đóng một vai trò vô cùng quyết định.
Chẳng ai muốn thân mật với một đồng nghiệp kém duyên, suốt ngày mang điểm yếu của người khác ra làm yếu tố để đùa giỡn, cười cợt. Chẳng ai muốn gần gũi với một người tự cho rằng mình thẳng thắn nhưng thực sự bản chất lỗ mãng, xem nhẹ cảm xúc của đối phương. Nhân viên cấp dưới cũng mong sếp có thể khích lệ, thúc đẩy đúng lúc đúng hoàn cảnh chứ không mong cầu một cấp trên chỉ biết đổ lỗi, chì chiết và nặng nhẹ.
Tuy nhiên, chẳng ai vừa sinh ra mà lời nói đã sắc bén, đúng nơi đúng lúc, tạo được sức ảnh hưởng. Người có khả năng ăn nói và giao tiếp tốt cần một quá trình rèn luyện, thử rồi sai và có 3 nguyên tắc nhất định phải nhớ: Không hiểu thì đừng nói loạn, hiểu rồi thì đừng nói nhiều, có lời thì từ từ nói.
Không hiểu thì đừng nói
Người xưa có câu: “Trăm cái nạn, ngàn cái hoạn cũng từ miệng mà ra”, thế nên đối với những sự việc mà bản thân mình không hiểu rõ thì cách tốt nhất đừng nói lung tung. Đây chính là điều cốt yếu mà dân văn phòng cần đặc biệt ghi nhớ.
Thị phi chốn công sở cũng thường bắt nguồn từ yếu tố này mà ra. Có những vấn đề của đồng nghiệp, chúng ta không phải là người trong cuộc thì tuyệt nhiên không thể hiểu tường tận. Nhưng khao khát chia sẻ khiến chúng ta không ngừng được việc phải đi kể và bàn tán cùng những người khác. Điều này chưa bao giờ mang lại những kết quả tích cực cả, có chăng chỉ toàn những câu chuyện phiếm, lời đồn làm rạn nứt tình cảm nội bộ.
Đối với bất kỳ việc gì, nếu như chưa thể hiểu được đầy đủ thì tuyệt đối không thể phát biểu lung tung. Nếu không, một khi nói sai thì trách nhiệm lại thuộc về bản thân người nói. Khi đối diện với sự việc mà có thể tĩnh lặng mà suy xét vấn đề sẽ khiến cho người khác thêm phần kính trọng và ấn tượng trong lòng.
Hiểu rồi thì đừng nói nhiều
Thuyền to thì sóng cả, cây cao thì đón gió lớn, tuy có thể hiểu nhiều biết rộng nhưng cũng vì đó mà không ngừng đón nhận những phiền phức. Cho nên, cũng có những chuyện không nhất định nên nói ra tất cả, giữ lại một chút trong lòng cho bản thân mình vẫn là điều tốt nhất.
Tương tự, trong môi trường công sở, có những sự việc không tiện nói ra và đứng ở vai trò là cấp trên, dẫn dắt cả đội ngũ, sếp cũng đã hiểu tường tận. Việc của người làm nhân viên chính là thấu hiểu và cảm thông, đừng mãi nhây đi nhây lại những câu chuyện như vậy để làm sếp cảm thấy khó xử. Điều này không khiến người nói trở nên có trách nhiệm hơn hay công trạng hơn mà còn khiến cấp trên có một ấn tượng vô cùng không tốt.
Có lời đừng nói ngay
Khi tâm phiền trí loạn mà nói chuyện thì lời lẽ cũng chẳng thể minh bạch rõ ràng. Vậy nên, khi phát sinh những điều không thuận lòng hợp ý thì chúng ta thường nói những lời nói sai lầm, không đúng với bản chất con người thật của mình khi tâm bình ý lặng.
Nhiều người bất mãn đồng nghiệp hay công ty một chút thì ngay lập tức mang lên mạng xã hội để chia sẻ. Điều này vô cùng tai hại bởi khi con giận nguôi ngoai, hậu quả mà chúng ta để lại có khi chẳng thể đong đếm được và cái giá mà bản thân phải trả chắc chắn sẽ vô cùng đắt.
Khi gặp chuyện không vui, trong lòng có tâm sự thì lời nói phải chậm rãi nhẹ nhàng, đó mới là người minh trí, mới không phạm phải sai lầm đáng tiếc. Khi gặp vấn đề thì việc đầu tiên cần làm chính là phải tĩnh tâm lại để xét suy vấn đề, đường đời mới có thể tiến xa tiến rộng về phía trước.