Nghiên cứu của Nielsen chỉ ra người tiêu dùng châu Á sẽ chuyển sang nấu ăn ở nhà hoặc gọi đồ ăn về và không bao giờ quay lại thói quen ăn hàng ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi.
“Người tiêu dùng châu Á có thể thay đổi thói quen ăn uống vĩnh viễn ngay cả khi thế giới vượt qua tác động của dịch virus corona”, South China Morning Post trích dẫn báo cáo của công ty nghiên cứu Nielsen.
Khảo sát của Nielsen dựa trên hơn 6.000 người đến từ 11 nền kinh tế – Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia.
Tại Trung Quốc, 86% người nói rằng họ sẽ ăn ở nhà thường xuyên hơn trước khi dịch virus bùng phát, tiếp theo là Hong Kong (77%), Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam (62%).
Cuộc khảo sát cho thấy sự thay đổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là phân khúc thực phẩm và đồ uống. Các doanh nghiệp đang vật lộn để thích nghi khi người dùng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 – đại dịch đã ảnh hưởng đến 1,2 triệu người và cướp đi hơn 64.000 sinh mạng trên toàn cầu.
“Cuộc khủng hoảng Covid-19 chắc chắn sẽ thay đổi thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Tôi không cho rằng mọi người sẽ dừng hoàn toàn việc ăn ở nhà hàng, nhưng rõ ràng tác động của dịch virus sẽ kéo dài trong một thời gian. Chúng tôi hy vọng người dùng sẽ tiếp tục ăn ở nhà nhiều hơn trong tương lai gần”, ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á tại Nielsen Connect, nhận định.
“Tuy nhiên, khi hành vi người tiêu dùng chắc chắn sẽ thay đổi trong ngắn hạn, câu hỏi tiếp theo là: ‘Đến khi nào nó sẽ trở lại bình thường?’. Câu trả lời có lẽ là không bao giờ”, ông Ryan nói thêm.
Theo một khảo sát khác, doanh số hàng tiêu dùng tăng nhanh ít nhất 20% mỗi tuần kể từ khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng hồi cuối tháng 1. Ông Ryan cho rằng người dùng đã chuyển từ xu hướng “lối sống bận rộn” sang “tiêu dùng an toàn tại gia”.
Trong tháng 3, DayDayCook – nền tảng nấu ăn đa phương tiện có trụ sở tại Hong Kong – đã chứng kiến số lượng người dùng tăng 50% so với tháng 1. “Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu, đã có sự thay đổi đáng kể trong mô hình mua sắm thực phẩm của người dùng tại các khu vực khác nhau”, bà Norma Chu, người sáng lập DayDayCook, nói.
Bà cho biết người dùng trên Tmall ít mua những thực phẩm không cần thiết hơn. Lượt mua đồ ăn vặt và các loại hạt đã giảm từ 73,38% xuống còn 21,98%. Ở chiều ngược lại, những thực phẩm thiết yếu như mì, gạo, dầu, đồ khô và gia vị tăng từ 26,3% từ trước khi dịch bùng phát lên 67,69%.
“Tại Singapore, các nhà hàng sẽ chứng kiến lượng khách đến ăn sụt giảm khi hành khách ăn ở nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, số đơn hàng trực tuyến cũng tăng lên”, bà Deepika Chandrasekar, chuyên gia phân tích tại Euromonitor International, bình luận.
Ông Jack Chuang tại công ty tư vấn OC&C Strategy Consultants cho rằng các nhà hàng nên hợp lý hóa danh mục cửa hàng. Đồng nghiệp của ông – chuyên gia Veronica Wang – cũng nói rằng chủ nhà hàng nên cân nhắc lại về định dạng, vị trí nhà hàng, sản phẩm và dịch vụ.