Covid-19 biến khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu với mọi quốc gia có dịch. Đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, đây là cơ hội vàng để kinh doanh, mang về siêu lợi nhuận.
Trong bối cảnh Covid-19 làm bùng nổ nhu cầu về khẩu trang, nhiều nhà máy tại Trung Quốc nhanh chóng chuyển đổi dây chuyền, tập trung sản xuất mặt hàng này.
Có khá nhiều loại khẩu trang đang được bày bán trên thị trường, bao gồm khẩu trang vải, khẩu trang phẫu thuật hoặc khẩu trang chuyên dụng đáp ứng chỉ tiêu nghiêm ngặt.
Trung Quốc trở thành nơi cung cấp khẩu trang cho toàn thế giới, dù không phải lúc nào nước nhận hàng cũng hài lòng về cuộc buôn bán. Hà Lan mua 1,3 triệu khẩu trang từ Trung Quốc và đến cuối tháng 3 phải thu hồi 600.000 chiếc đã được phân phát đến các bệnh viện vì phát hiện chúng không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
“Tiền trao cháo múc”
“Các doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu thanh toán đầy đủ rồi mới giao khẩu trang hoặc chỉ đáp ứng đơn đặt hàng từ những người mua trả nhiều và nhanh nhất”, Ông Micheal Crotty, một người môi giới trong ngành dệt may tại Thượng Hải, cho biết.
Theo bài viết của Guardian, tuần trước, ông Crotty nhận được hàng loạt đơn hàng từ các chính phủ, thành phố, bệnh viện, nhà phân phối lớn hoặc công ty tư nhân. “Thị trường đang trở nên hỗn loạn như một nhà thương điên”, ông cảm thán.
Các đơn vị sản xuất yêu cầu người mua phải thanh toán 100% giá trị đơn hàng, chia làm hai đợt, trước khi cho các lô khẩu trang xuất xưởng. Đối với nhiều bên mua hàng, nhất là những bên sử dụng tiền đóng thuế của người dân, đây là một điều khoản phi lý và đầy rủi ro.
“Giờ đây, các nhà máy sản xuất chỉ quan tâm đến tiền mà không cần biết người mua là ai”. Theo ông Crotty, thật đáng lo ngại khi các nhà sản xuất đang nắm quyền phân phối mặt hàng cấp thiết thời dịch này.
Các nước tranh giành mặt hàng hiếm
Chỉ khi dịch bệnh diễn biến xấu, các quốc gia châu Âu và Mỹ mới bắt đầu sử dụng khẩu trang, mặt hàng khá quen thuộc với thị trường châu Á.
Gần đây, một số quốc gia châu Âu đã cân nhắc khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang khi ở nhà. Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) cũng mới ban hành bộ hướng dẫn, yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, theo Guardian.
Tuần trước, giới chức Pháp, Đức cáo buộc Mỹ cạnh tranh không công bằng để giành giật thiết bị, khẩu trang y tế. “Mỹ không thể hành xử kiểu miền Tây hoang dã như vậy, ngay cả trong thời điểm khủng hoảng”, Lãnh đạo cơ quan nội vụ bang Berlin (Đức) Andreas Geisel chỉ trích.
Theo cáo buộc của hai nước, Mỹ đã nẫng tay trên nhiều lô khẩu trang bằng cách trả giá cao hơn. “Cách thức này đương nhiên là hấp dẫn hơn với những người đang muốn trục lợi trong thời điểm tai họa”, bà Valrie Pecresse, Chủ tịch Hội đồng vùng Ile-de-France ở Paris (Pháp) bày tỏ sự bất bình.
Quan chức Mỹ bác bỏ thông tin này.
Tháng trước, Tổng thống Donald Trump còn chỉ trích công ty 3M (Mỹ) về vấn đề xuất khẩu khẩu trang trong thời điểm nhu cầu trong nước chưa được đáp ứng. Hôm 3/4, tổng thống đã viện dẫn Đạo luật sản xuất quốc phòng để cấm xuất khẩu khẩu trang y tế N-95, khiến 3M phải hủy hàng loạt đơn hàng của các nước Mỹ Latin hay Canada, theo Financial Times.
Hôm 12/3, chính quyền Trump đã “bật đèn xanh” cho việc nhập khẩu khẩu trang Trung Quốc có thông số kỹ thuật gần với N-95. Một vài vật tư y tế khác do Trung Quốc sản xuất cũng được Mỹ tạm thời miễn thuế trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh.
Về phía Trung Quốc, nước này xuất khẩu gần 4 tỷ khẩu trang chỉ trong tháng 3, theo AFP. Tuy nhiên, nhiều nước như Hà Lan, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Tây Ban Nha từng nhận được những lô hàng khẩu trang kém chất lượng hoặc bị lỗi.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định các cáo buộc này “không phản ánh hoàn toàn thực tế”. “Những yếu tố như tiêu chuẩn hay thói quen khác biệt khiến các nước sử dụng sai hoặc nghi ngờ về chất lượng khẩu trang Trung Quốc”, một quan chức của bộ này giải thích.
Sau khi bị phàn nàn về hàng kém chất lượng, Trung Quốc đã yêu cầu các đơn vị sản xuất phải được Cục Quản lý Sản phẩm y tế Quốc gia chứng nhận mới được xuất khẩu, theo South China Morning Post.