Khi phần còn lại của thế giới đóng cửa, Trung Quốc chật vật để vực dậy nền kinh tế khi người dân vẫn còn sợ hãi và hạn chế chi tiêu.
Thư giãn, ăn uống và mua sắm. Đó là những khuyến khích mới nhất từ chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy người dân chi tiêu sau khủng hoảng virus corona chủng mới bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc). Theo Bloomberg, sau thời gian dài đóng cửa, Bắc Kinh bắt đầu nhiều nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế đang ngủ vùi.
Chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc yêu cầu các công ty trả thêm lương trong thời gian nghỉ làm cho người lao động, hay có thêm những khuyến mãi hấp dẫn cho các giao dịch mua bán giá trị lớn, ví dụ như xe hơi.
Truyền thông trong nước liên tục đăng tải các bài viết, hình ảnh về việc quan chức ra đường, thưởng thức các món ngon nổi tiếng như trà sữa, lẩu và thịt nướng.
Ở nhà ăn uống cho an toàn
Dù vậy bất chấp nhiều nỗ lực từ chính phủ, người dân Trung Quốc vẫn ngần ngại quay lại cuộc sống cũ. Người dân lo lắng về an toàn sức khỏe khi ra ngoài và áp lực tài chính vì nạn thất nghiệp vẫn tăng nhanh.
Tại Chiết Giang, các công ty được khuyến khích cho nhân viên nghỉ thêm nửa ngày mỗi tuần với hy vọng họ sẽ có thời gian mua sắm và chi tiêu nhiều hơn. Chen Xin, một nhà thiết kế nội thất tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, không có cơ hội tận hưởng ưu đãi đó.
Cô làm việc cho một công ty nhỏ 20 người, không thể áp dụng quy định này vì đã thua lỗ nặng trong thời gian đại dịch hoành hành. Chen cho biết: “Tôi cảm thấy may mắn khi vẫn giữ được việc làm. Tôi và các đồng nghiệp vẫn tự nấu ăn ở nhà vì ăn uống ở nơi công cộng không có cảm giác an toàn”.
Vào thời điểm dịch bệnh đã được kiểm soát, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với thử thách mới, đó là khôi phục thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Doanh số bán lẻ của quốc gia này sụt giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm và gần một nửa nhà bán lẻ tại Trung Quốc không có đủ vốn để trụ thêm trong 6 tháng tiếp theo.
Bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố vào ngày 26/3 rằng doanh số bán lẻ đã ngừng giảm, nhưng sự phục hồi rất mong manh. Nền kinh tế hàng đầu châu Á đang phải đối mặt với “làn sóng virus thứ hai”: nhu cầu tại thị trường quốc tế giảm mạnh và hàng triệu người lao động mất việc hoặc bị giảm lương.
Ngoài chỉ thị chung hôm 13/3, chính phủ Trung Quốc chưa công bố thêm các biện pháp cụ thể để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Nhiệm vụ này được giao cho chính quyền các địa phương. Họ phải thuyết phục được người dân ra khỏi nhà và chi tiêu.
Tại Nam Kinh, chính quyền công bố gói hỗ trợ trị giá 45 triệu USD để người dân tăng cường mua sắm hàng điện tử, dự một số sự kiện thể thao và tham gia các hoạt động du lịch.
Không có chuyện “chi tiêu trả thù”
Luật sư Lan Tianbin cho biết anh vẫn sẽ suy nghĩ kỹ trước khi mua bất kỳ món đồ nào có giá trên 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD). “Sẽ mất nhiều thời gian để mọi người gạt bỏ nỗi sợ sau nhiều tháng căng thẳng vì sự lây lan của dịch Covid-19”, ông Lan cho biết.
Trước đó, giới chuyên gia Trung Quốc kỳ vọng người tiêu dùng nước này sẽ “chi tiêu trả thù” sau hơn 2 tháng chôn chân trong nhà. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Do đó, nhà kinh tế nổi tiếng Liu Qiao kêu gọi chính phủ tung thêm các gói kích thích kinh tế trực tiếp, ví dụ trao tiền mặt cho người dân như cách Hong Kong làm.
Chuyên gia Liu, hiệu trưởng Trường Kinh doanh Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh, viết: “Chúng tôi tin rằng cách trực tiếp nhất để kích thích tiêu dùng là hỗ trợ cho các nhóm thu nhập thấp thông qua giảm thuế và trợ cấp. Chính phủ nên trao 1.000 NDT/người cho toàn bộ dân lao động ở tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của đại dịch”.
Nhà phân tích Wang Dan thuộc Economist Intelligence Unit cũng cho rằng các gói kích thích của chính quyền nhiều địa phương là không đủ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc có thể tăng thêm 5% từ mức kỷ lục 6,2% vào tháng 2, nghĩa là thêm 22 triệu người lao động mất việc làm.
Chính quyền Hồ Bắc tuần trước đã nới lỏng cách ly và dự kiến mở cửa Vũ Hán vào ngày 8/4. Tuy nhiên người dân nơi đây vẫn rất thận trọng. Trước đó, tạp chí Tài Kinh đưa tin có nhiều trường hợp lây nhiễm chưa từng được ghi nhận ở Vũ Hán.
Chính quyền Hợp Phì, một thành phố ở tỉnh An Huy ngay gần Hồ Bắc, đã dỡ bỏ các hạn chế về ăn uống hai tuần trước. Tuy nhiên, ông Wang Jie, chủ một nhà hàng địa phương, cho biết thực khách vẫn chưa quay trở lại ăn uống.
“Tâm lý sợ hãi vẫn còn tồn tại. Tôi nghĩ mọi người sẽ không ra ngoài ăn uống nhiều như trước đây”, ông than thở.