Trong 80 năm qua, nếu ai có ý định biên soạn một cuốn giáo trình dạy kinh doanh thì thường đến với Honda. Bởi ở đó có đầy đủ hương vị để rút ra những bài học bổ ích.
Honda đã rất tài tình khi nắm bắt được mức chi tiêu của người tiêu dùng để cho ra đời từng dòng xe khác nhau phù hợp cho từng đối tượng. Chính yếu tố này đã giúp hãng xe Nhật Bản mở rộng được thị trường của mình ở khắp mọi nơi.
Bản sắc HONDA
Tiếp tôi bằng vẻ niềm nở hiếm thấy, anh Chung (Đông Hà, Quảng Trị) khoe mới tậu được chiếc “cúp 78 cũ”, mặc dù đã sở hữu mấy chiếc xe đời mới nhưng với anh chiếc 78 cũ mèm không khác nào đặc phẩm. Bởi nó là hiện thân của khát khao thời trai trẻ.
Khi bắt đầu thực hiện bài này, tôi đã có không ít thời gian được sống và trải nghiệm trên chiếc xe Honda đúng chất “nồi đồng cối đá” của Nhật Bản.
Và đã tìm ra nguyên nhân tại sao có hàng chục mẫu xe nhưng không thể đánh bật Honda ra khỏi tâm thức người Việt.
Những năm 80, sở hữu một con “Super Cub 50” ở Việt Nam đã là niềm tự hào. Đến nỗi “bí quyết lấy vợ” của thế hệ 7x thường có mấy câu nói vui “Ngàn lời nói không bằng khói Honda” hay “Đẹp trai phong độ không bằng mặt rỗ đi xe Dream”…
Thoạt đầu, Honda đến Việt Nam từ những thủy thủ đi tàu viễn dương – đó là nguồn thu nhập không nhỏ sau khi mua đi bán lại. Sau 40 năm, chiếc Super Cub đã trở thành kỷ vật với nhiều người.
Bốn mươi năm, thời gian không dài nhưng cũng đủ cho thấy cái thời khó khăn nhất đã đi qua. Nhìn thấy chiếc Super Cub là một khoảng thời gian lịch sử lại hiện về với những chuyến chợ, cơm trắng thì ít, sắn khoai thì nhiều.
Từ những năm 60, Honda đã chinh phục thị trường Mỹ sau khi Honda Motor chính thức được thành lập. Họ nhanh chóng đánh bật các đối thủ với dòng xe 2 thì tốn nhiên liệu, ô nhiễm môi trường.
Honda Cub trở thành loại xe mô tô thành công nhất trong lịch sử, và đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Honda. Soichiro đã dùng câu quảng cáo “Bạn sẽ gặp những người dễ thương nhất đi xe Honda” để bắt đầu chinh phục thị trường Châu Âu lúc đó vẫn còn bị thống trị bởi xe mô tô Anh với hình ảnh người cưỡi xe thật mạnh mẽ, phong trần.
Honda đã mang đến cho người Việt Nam khái niệm về xe có gắn động cơ, đến nỗi người ta thường hỏi nhau
rằng “mày đi bằng Honda hay xe đạp”. Ở quê tôi, những người trên 50 tuổi thường đồng nhất xe gắn máy với Honda – bất kể đó là xe gì!
Trong lịch sử công nghiệp giao thông Việt Nam chỉ duy nhất xe Honda mới trở thành biểu tượng về mặt tinh thần. Vậy nên ngày nay xe cộ chẳng thiếu, mẫu mã đa dạng nhưng một bộ phận người hoài cổ vẫn sưu tầm “78 độ”, Dream II Thái Lan có giá vài trăm triệu mỗi chiếc để làm kỷ vật.
Chiến lược “bủa lưới vây”
Từ thành công của dòng xe khởi điểm Super Cup, Honda tiếp tục cho ra đời mẫu xe mới, mạnh mẽ hơn, thời trang hơn vào những năm 1981, 1986, 1992… Nếu tinh ý, có thể thấy diện mạo xe Honda luôn gắn chặt với đời sống kinh tế Việt Nam theo chiều hướng đi lên.
Để làm được điều đó, trước hết đội ngũ kinh doanh dưới trướng Chủ tịch Soichiro phải cực kỳ nhạy bén thị trường. Nói không ngoa, Honda là điển hình đầu tiên ở Châu Á thực hiện được phương châm của kinh tế thị trường là “sản xuất cho người”.
Phân chia nhiều phân khúc xe ở dạng thấp, dạng trung, dạng cao và dạng sang để đánh tới mức chi tiêu của từng đối tượng người dùng. Vì thế, chẳng có gì bất ngờ khi thấy từ tầng lớp thượng lưu đến người nông dân vẫn sử dụng thương hiệu xe máy Honda, điều khác nhau chỉ nằm ở chỗ giá trị của chiếc xe.
Tiếp đến, thứ bản lề giúp Honda vươn lên đỉnh cao chính là chất lượng và tiết kiệm tối đa y hệt tính cách Nhật Bản. So với Yamaha, SYM, Piagio, Suzuki thì Honda vẫn quán quân về tiết kiệm nhiên liệu, bất kể dòng xe số hay tay ga.
Người ta có thể trọn đời yên tâm khi sở hữu một sản phẩm của Honda, cái chính ở đây là Soichiro biết cách lồng ghép “bản sắc Nhật Bản” vào sản phẩm. Vũ khí lợi hại hơn tất cả mọi slogan quảng cáo là người ta đã đồng nhất giữa hai khái niệm “Nhật Bản” và “chất lượng tốt”.
Khi đã chinh phục được khách hàng về chất lượng, Honda bắt đầu triển khai chiến lược “bủa lưới vây”. Tại Việt Nam không có một hãng xe nào sở hữu nhiều đại lý phân phối như Honda – có mặt từ trung tâm tới ngoại ô, từ phố lớn tới tỉnh lẻ.
Xa hơn một chút, Honda không chỉ bán xe mà còn mang tới văn minh giao thông với tiêu chuẩn “4S” “bán hàng – dịch vụ – phụ tùng – lái xe an toàn”. Điều này cho thấy, Honda luôn chiếm lĩnh được thị trường xe máy sôi động tại Việt Nam và dường như đang dần trở thành một mình một chợ.
Honda còn là điển hình của một Nhật Bản mở cửa hướng Tây, nếu nói về “tự do tư duy sáng tạo” cho nhân viên thì Google, Facebook còn phải… “ngửi khói” Honda. Trong triết lý kinh doanh của Honda, bình đẳng có nghĩa là công nhận, tôn trọng mọi khác biệt của cá nhân và đối xử với họ như những người khác.
Đó là lý do Honda có thể sáng tạo không ngưng nghỉ, phải mất hàng triệu năm chưa chắc đánh bay ý niệm về Honda trong tâm trí người tiêu dùng.