Sự bùng phát đại dịch đã khiến người dân đổ xô đến các cửa hàng, siêu thị, vét sạch hàng hóa trước khi kịp suy nghĩ liệu chúng có thực sự cần thiết hay không.
Cách đây không lâu, nhiều diễn đàn còn chia sẻ hình ảnh các kệ hàng siêu thị trống trơn vì cơn bão mua sắm, tích trữ hàng do lo ngại đại dịch. Giờ đây, nhiều trang mạng bắt đầu đăng tải loạt ảnh các thùng rác ngập tràn hàng hóa, đồ dùng hết đát, chưa qua sử dụng.
Theo trang Ladbible, sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã khiến người dân đổ xô đến các cửa hàng, siêu thị để vét sạch hàng hóa trước khi kịp suy nghĩ liệu chúng có thực sự cần thiết hay không. Điều này đã dẫn đến tình trạng lãng phí như hiện tại.
Ajit Singh Atwal, ủy viên hội đồng thành phố Derby (miền trung nước Anh) mới đây chia sẻ một bài đăng trên Twitter cá nhân lên án hiện trạng này và kêu gọi người dân ngừng tích trữ nhu yếu phẩm.
“Gửi tới tất cả người dân ở thành phố Derby yêu quý của chúng ta, nếu bạn đã hoảng loạn mua sắm và chất đống những món đồ không cần thiết ở nhà, hãy xem xét lại bản thân”, Ajit Singh Atwal viết.
Ủy viên hội đồng thành phố Derby cũng chia sẻ một loạt hình ảnh cho thấy rất nhiều bánh mì, trái cây tươi, thịt nguội… chất đầy các thùng rác. Dưới bài đăng, nhiều người đồng tình và tỏ ra bức xúc với những người đã lãng phí thực phẩm giữa mùa dịch.
“Những người này thật dại dột. Họ chen lấn để mua hàng và cuối cùng vứt chúng vào sọt rác”, một người bình luận.
“Trong khi những người già, người vô gia cư không có hàng để mua, những người này lại phí phạm như vậy. Họ nên xấu hổ khi nhìn lại bản thân”, một người khác viết.
Dịch Covid-19 đã gây ra cuộc hoảng loạn mua sắm tại nhiều nơi trên thế giới. Khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh và thậm chí gạo, thực phẩm trở nên khan hiếm tại Australia, Mỹ, Anh, Hong Kong…
Để ngăn chặn nạn đầu cơ tích trữ trong mùa dịch, nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn đã phải đưa ra một vài biện pháp mới.
Các siêu thị ở Nhật Bản giới hạn số lượng đối với khách mua. Một vài chuỗi cửa hàng ở Anh, Australia có giờ phục vụ riêng dành cho người già, người khuyết tật.
Trong khi đó, một siêu thị tại Đan Mạch đã tăng giá gấp 2-3 lần với món hàng thứ 2. Ví dụ, chai nước rửa tay có giá bán 40 DKK (5,73 USD) nhưng người tiêu dùng sẽ phải trả hơn 1.000 DKK (143 USD) nếu mua chai thứ 2.