NSND Trung Kiên qua đời là một mất mát lớn với nền nhạc Việt
Ông là vị giáo sư âm nhạc hiếm hoi của ngành âm nhạc Việt Nam.
NSND Trung Kiên qua đời ngày 27/1, hưởng thọ 83 tuổi
Thông tin NSND Trung Kiên qua đời ngày 27/1 khiến nhiều người tiếc thương. Sinh thời, ông là “cây đại thụ” của âm nhạc cách mạng Việt Nam, cũng là người thầy của biết bao thế hệ học trò, từ lừng danh như NSND Thu Hiền, ca sĩ Đăng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ… tới nhiều thế hệ nghệ sĩ khác ở Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Xuất thân từ nhạc viện và dù chưa từng được nghệ sĩ Trung Kiên dạy ngày nào, nhưng nhờ có ông, nghệ sĩ trẻ Opera Ninh Đức Hoàng Long – người từng 2 lần đoạt giải nhất tại cuộc thi opera quốc tế Simándy József ở Szeged (Hungary) mới có được những thành tựu của ngày hôm nay. Anh tâm sự, trong lòng anh, NSND Trung Kiên mãi mãi là một người thầy mà anh kính trọng.
Hoàng Long kể 10 năm trước, khi anh chưa học nhạc viện, sau khi nghe NSND Trung Kiên hát “Tình ca”, anh đã bắt chước theo
Bản thân anh không ngờ cũng từ đó thấy mình phù hợp với nhạc cổ điển mà sau đó đi theo con đường này.
Ninh Đức Hoàng Long chụp ảnh bên NSND Trung Kiên
Năm 2012, khi Hoàng Long đang học nhạc viện và có lần được nghệ sĩ Trung Kiên chấm thi. “NSND Trung Kiên nhận ra được khả năng và trực tiếp đề cử với khoa cho tôi đi nước ngoài tu nghiệp. Mặc dù, hai thầy trò lúc đó chưa hề quen nhau và thầy có rất nhiều học sinh nhưng vẫn cho tôi cơ hội. Điều đó cho thấy tâm huyết của thầy với thanh nhạc cổ điển nước nhà”, anh chia sẻ.
Cách đây 3 năm, Hoàng Long có dịp về Việt Nam biểu diễn. anh đã mạnh dạn mời NSND Trung Kiên đi xem và may mắn có cuộc gặp ngắn ngủi với ông.
“Tôi được nghe thầy nói những trăn trở và khó khăn hiện tại và mong ước của thầy với Opera. Thầy rất mừng vì tôi đã không phụ lòng thầy và dặn tiếp tục tu nghiệp, đi theo con đường này. Ánh mắt theo dõi, động viên của thầy ngày hôm đó từ hàng ghế khán giả Nhà hát lớn mang lại cảm xúc mà tôi không bao giờ quên được. Thầy ra đi quả thật là một mất mát không gì bù đắp được cho thanh nhạc cổ điển Việt Nam”, anh ngậm ngùi.
Còn đối với NSND Thu Hiền, NSND Trung Kiên vừa là người thầy, vừa là anh, vừa là đồng nghiệp, người đồng hương của mảnh đất Thái Bình
Bà là người chịu ảnh hưởng của nghệ sĩ Trung Kiên từ những năm tháng chiến tranh. Thời đó, bà được đi biểu diễn cùng ông để phục vụ chiến trường. Đó là lần đầu tiên nữ nghệ sĩ được thấy nhạc sĩ Trung Kiên hát và vì ngưỡng mộ phong cách âm nhạc của ông nên bà đã bắt chước học theo.
Trong mắt NSND Thu Hiền, NSND Trung Kiên là một người luôn biết giữ gìn sức khỏe và quan tâm tới các học trò
Trong những giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, cả hai người nghệ sĩ đều chăm chỉ đi diễn để kiếm thêm thu nhập. “Ngoài là thầy dạy, tôi và NSND Trung Kiên còn là đồng nghiệp. Cả hai đi diễn chung với nhau khá nhiều. Đối với tôi, được đứng chung sân khấu cùng người thầy mình kính trọng là một may mắn lớn. Khi đó, tiền cát-xê thấp lắm nên tối về, tôi vẫn vào nhà thầy xin bát cơm, nói chuyện nghề vui vẻ”, NSND Thu Hiền nhớ lại.
Bà bàng hoàng sau khi nghe tin dữ vì bình thường, nghệ sĩ Trung Kiên là người biết giữ gìn sức khỏe. Ông luôn nhắc nhở học trò việc luyện thanh luyện giọng cùng việc duy trì tập thể dục. Được biết hiện tại, nữ nghệ sĩ đang không có mặt ở Hà Nội nhưng bà thông tin vào ngày 30/1 – ngày tổ chức lễ viếng NSND Trung Kiên, bà sẽ hủy show để ra Hà Nội với người thầy của mình.
NSND Trung Kiên sinh năm 1939 tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Ông là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam nói chung và dòng nhạc đỏ, thính phòng nói riêng.
Sở hữu chất giọng nam cao khỏe khoắn, đẹp hiếm có, nghệ sĩ Trung Kiên đã để lại dấu ấn với dòng nhạc cách mạng, qua các bài hát nổi tiếng như: “Đất nước trọn niềm vui”, “Cô lái tàu”, “Tình ca”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Chào sông Mã anh hùng”, “Quà tháng năm dâng Người”, “Bài ca Trường Sơn”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”…