Đến lăng Thiên Thọ, Huế của vua Gia Long, khách thập phương chứng kiến một hiện tượng hi hữu trong lịch sử vua chúa nước ta: Lăng táng hai ngôi mộ đá của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.
Mối tình khắc cốt ghi tâm của chúa Nguyễn Ánh
Vua Gia Long có nhiều vợ,nhưng duy nhất chỉ có bà Tống Thị Lan được song táng với vua. Hiện tượng này không có tiền lệ, sau cũng không có trong lịch sử nước ta từ xưa đến nay.
Tình yêu của Nguyễn Ánh và Tống Thị Lan đã vượt qua mọi ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến và những rào cản về quan niệm của người đời.
Tình yêu sinh sối nảy nở giữa khó khăn gian khổ
Họ gặp nhau khi đất nước nội chiến khốc liệt. Nguyễn Ánh theo Định vương chạy vô Nam tị nạn. Lan theo cha, hưởng ứng Hịch “Cần vương”. Dòng máu anh hùng ở người thiếu niên đầy nghị lực và truyền thống trung quân ở người con gái xinh đẹp khiến họ sớm trở thành đôi bạn thanh mai trúc mã.
Nguyễn Ánh đại nạn không chết. Lan sắt son, nghìn dặm không nản, đi tìm người yêu. Nổi dậy quật khởi thắng lợi, Nguyễn Ánh làm Đại Nguyên Soái, rồi làm Chúa ở Gia Định và kết hôn với Tống Thị Lan. Chúa phong nàng làm Nguyên Phi. Nàng sát cánh cùng chồng, hai mươi sáu năm tình cảm vợ chồng gian nan hiểm họa không sờn lòng.
Thừa Thiên Cao hoàng hậu – Nữ anh thư xuất chúng của dân tộc Việt
Khi ở đảo Phú Quốc, khi tị nạn ở Xiêm, Nguyên Phi tỏ rõ là người phụ nữ thông minh, đảm đang, vững lòng bền chí; trên chăm lo hiếu thảo với mẹ chồng, dưới bảo bọc được con nhỏ và cung quyến. Không quản ngại nắng gió, bà gieo trồng rau xanh, hoá thân thành người dân Phú Quốc che mắt địch.
Có lúc tưởng như mất tất cả. Bà chấp nhận đau lòng đứt ruột gửi đứa con ba tuổi đi xa, cầm nửa thoi vàng làm tin, tiễn chồng tiếp tục con đường tranh đấu đầy chông gai máu lửa. Kế hoạch“Vừa sản xuất vừa luyện tập chiến đấu”của bà xây dựng quân đội hùng mạnh, giúp nước Xiêm đánh tan hai đạo quân xâm lược.
Một lần ở Ba Giồng, quân Tây Sơn truy đuổi vây kín. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Nguyên Phi từ trên đài trống, bắn một phát hai mũi tên, giết tướng giặc và tên lính đi đầu và gióng trống thúc quân xung trận. Quân Nguyễn chuyển bại thành thắng.
Mũi tên thiện xạ của bà nhiều lần cứu mạng Nguyễn vương và cả các tướng. Ở chiến trường, Nguyên Phi còn vá áo, may nhung phục cho tướng sĩ, những hy sinh thầm lặng của bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả tác phẩm hay của dân tộc.
Khi tấn phong lên ngôi Hoàng hậu, bài Chiếu của vua Gia Long có lời nhận xét về đức hạnh của bà: “Khi xiêu giạt, trẫm lo nghĩ khó nhọc ở ngoài, Hậu siêng năng giúp đỡ ở trong”, rồi “ơn huệ để cho con cháu, đức trạch khắp tới quân nhung…”
Tống Thị Lan là tấm gương son sắt, tận tuỵ sát cánh cùng chồng, xây đắp nên sự nghiệp vĩ đại cho lịch sử đất nước.
Tác giả