Còn gì đau đớn hơn bằng việc không thể ký giấy chứng tử cho người thân, không thể tổ chức đám tang cho người thân sinh ra mình. Nhưng ra đi thời COVID-19 phải đành chấp nhận như vậy!
Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời ai mà chẳng muốn được nhìn mặt con cháu để nói lời dặn dò, trăng trối. Ấy thế nhưng, điều này đã trở thành một thứ gì đó quá xa xỉ với những bệnh nhân nhiễm COVID-19. Bởi lẽ, nhiều người phải ra đi trong cô độc, không người thân đưa tiễn, không kèn trống đám ma và có điều gì đau đớn hơn việc đó?
Khi làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 bùng phát, ông nội của chị Điệp (70 tuổi) đã nhận được kết quả dương tính với SAR-CoV-2 khi đang điều trị tại khoa Nội – Tiết niệu của Bệnh viện Đà Nẵng
Đây cũng là trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên của phố cổ Hội An.
Cụ thể, ông nội của chị Điệp có tiền sử suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, suy tim, viêm phổi và thiếu máu cục bộ, phải nhập viện vào ngày 9/7 sau khi thấy tức ngực và mệt mỏi. Trong suốt thời gian nằm viện, ông được con cháu ngày đêm chăm sóc tận tình. Những tưởng chỉ một thời gian nữa sẽ được về nhà nhưng không ngờ rằng ông lại bị kết luận dương tính với nCoV khi lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 27/7.
Một ngày sau đó, ông nội của chị Điệp được đưa vào khu cách ly khoa Nội – Tiết niệu điều trị. Tới ngày 30/7, ông được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế do bệnh tình trở nặng.
Virus quái ác sau đó còn lần lượt khiến 5 người trong gia đình chị Điệp nhiễm bệnh, bao gồm bố chồng, cô ruột, hai người chú và bà nội
Không chỉ vậy, 20 người trong gia đình cũng phải đi cách ly, trong đó có đứa con gái 9 tuổi và con trai gần 2 tháng tuổi của chị.
Trong căn phòng chỉ rộng vỏn vẹn 20m2, gia đình chị Điệp hết đứng, nằm lại ngồi, cố gắng xoay sở với không gian sinh hoạt chật hẹp, chỉ trông mong sớm ngày hết thời gian cách ly để về nhà. Ngày ngày theo dõi tình hình dịch bệnh, vợ chồng chị Điệp luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ khi các ca bệnh không hề có dấu hiệu thuyên giảm, lo lắng liệu còn ai trong đại gia đình 20 người sẽ bị nhiễm bệnh nữa không?
Tuy nhiên, đứa con thơ dại mới chào đời của chị đâu biết được rằng thế giới bên ngoài đang hỗn loạn thế nào, những ngày trong khu cách ly nặng nề ra sao
Con chỉ biết khóc tới tắt cả tiếng vì cảm thấy khó chịu do thời tiết nóng nực, do thay đổi môi trường sống…
Những tiếng khóc ngặt nghẽo của con như từng vết dao cứa vào tim của người làm mẹ vậy, tới nỗi chị Điệp phải cầm điện thoại nhắn tin cho phó chủ tịch thành phố Hội An để xin được đưa con về. Tuy nhiên, nhà của chị đã bị phong tỏa, về tự cách ly tại nhà lúc này còn nguy hiểm hơn nên chị đành phải tìm cách khắc phục, giúp con yêu ngủ ngon với sự giúp đỡ của các y tá ở khu cách ly.
Thế nhưng, khi con đã ngủ ngon hơn, chị Điệp lại nhận được tin sét đánh ngang tai: Ông nội chị đã qua đời
Ông nội chị Điệp qua đời vào hôm 31/7 và trở thành bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tử vong trên nền bệnh lý nặng ở Việt Nam.
Có thể chị Điệp cũng từng đọc nhiều về cái chết vì COVID-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng có lẽ rằng đến giờ phút này, chị mới thấm thía hết sự đau đớn khi chính mình rơi vào trường hợp đó. Thậm chí, khi bệnh viện báo gọi người nhà ra ký giấy chứng tử, nhà chị cũng chẳng ai đi được vì đều phải vào khu cách ly hết rồi.
“Mọi người trong gia đình ngã quỵ khi nhận được tin báo người nhà ra Bệnh viện Trung ương Huế ký vào giấy chứng tử, nhưng nhà tôi chẳng còn ai đi được”, chị Điệp òa khóc.
Tục ngữ có câu: “Sống dầu đèn, chết kèn trống”
Ấy vậy mà ông nội chị Điệp cả một đời yêu thương con cháu nhưng đến khi nhắm mắt xuôi tay lại chẳng có người thân bên cạnh, cũng không có ai lo hậu sự. Gia đình chị Điệp đành phải nhờ cơ quan chức năng đưa ông về Đà Nẵng hỏa táng và gửi tro cốt tại đây.
Không biết gửi tâm sự vào đâu, chị Điệp đành phải thủ thỉ với con trai mới chỉ biết khóc biết cười: “Hôm nay bệnh viện ngoài Huế gọi điện cho bố mẹ thông báo về ký giấy báo tử ông nội. Nhưng mẹ ở đây, các cô chú nằm viện, nhiều người cũng đã đi cách ly hết nên nhà chẳng còn một ai. Cũng đành ngậm ngùi để người ta hỏa táng ông nội ở Huế rồi giữ tro cốt lại. Ông mất mà nhà cũng không lập được bàn thờ để đón hương linh nội. Mẹ đã khóc rất nhiều.
Con trai! Mẹ chưa từng nghĩ sẽ có ngày gia đình mình lâm vào cảnh như thế này. Đau thương vượt quá sức chịu đựng. Nhưng mẹ phải mạnh mẽ lên thôi, vì mẹ còn con trai mẹ”.
Sau một tuần trôi qua, gia đình chị Điệp cũng đã nén đau thương, cùng nhau cố gắng để chống lại dịch bệnh
Dù đang ở xa nhau nhưng vợ chồng chị vẫn ngày ngày gọi điện cho các thành viên trong gia đình để hỏi thăm tình hình sức khỏe và động viên mọi người. Hai con nhà chị Điệp cũng đang dần quen với cuộc sống mới, không còn khóc dai như những ngày mới đến.
“Đau thương chỉ làm gia đình mình mạnh mẽ thêm, lớn lên con mẹ cũng sẽ thêm mạnh mẽ như cái cách con đang đối diện bây giờ, phải không? Chúng ta phải tin vào kết cục của cuộc chiến này.
Ngày mai trời sẽ nắng lên, chúng ta còn một cuộc đời để sống. Mẹ chỉ biết cầu nguyện thật nhiều cho những y bác sĩ, cán bộ công an quân đội, tình nguyện viên đang đứng ngoài kia. Mẹ con mình cùng mong cho mọi người thật vững chãi, con trai nhé!”, chị Điệp nhắn nhủ tới cậu con trai bé nhỏ của mình.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi!