Em nói rằng, trước khi kết hôn, em không đòi hỏi tôi phải có nhà, xe ở thủ đô nhưng đám cưới không được xuề xòa để hàng xóm khỏi chê cười
Người ta nói đám cưới là chuyện vui nhưng đây lại là chuyện khiến tôi đau đầu mấy tuần nay.
Tôi và bạn gái yêu nhau được hơn 1 năm. Bạn gái tôi là người khá xinh xắn, đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội.
Tôi và em khác quê nhưng cũng đều ra thủ đô học tập, làm việc. Khi yêu, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì có được em – người con gái vừa có ngoại hình lại năng động, trẻ trung.
Nhưng đến lúc cả hai bàn chuyện cưới xin thì tôi lại thấy đau đầu. Gia đình tôi vốn không khá giả. Bố mẹ tôi làm nghề nông nuôi 3 con ăn học. Sau tôi còn 2 em. Tôi ra trường được 3 năm, vừa đi làm vừa thay cha mẹ nuôi các em ăn học nên tiền để dành chưa được là bao.
Nhà bạn gái tôi cũng ở quê. Ngoài nghề nông nghiệp, những năm gần đây, bố mẹ em còn có thêm tiệm sửa chữa xe máy tại thị trấn nên cũng có đồng ra đồng vào. Dù vậy, đều xuất thân từ quê, cũng đều đi lên từ cảnh khó khăn nên tôi nghĩ gia đình em thông cảm và hiểu cho hoàn cảnh của các con để có một đám cưới giản dị, đầm ấm. Nào ngờ, những điều kiện em liệt kê trong tiệc cưới khiến tôi chết lặng.
Em nói, con gái đầu lòng cưới nên bố mẹ em rất coi trọng. Ông bà gả em cho tôi – một người vừa xa vừa chưa có gì trong tay, chỉ vì chúng tôi yêu nhau, ông bà không nỡ ngăn cản. Nhưng đám cưới thì phải làm thế nào cho ông bà được nở mày nở mặt với hàng xóm.
Cụ thể, bạn gái tôi yêu cầu, chúng tôi phải chụp ảnh cưới theo phong cách dã ngoại. Không cần phải đi du lịch nước ngoài kết hợp chụp album cưới nhưng chúng tôi cũng phải đi tỉnh nào đó trong nước để có bộ ảnh ưng ý như Quảng Ninh, Nha Trang…
Chi phí cho bộ ảnh không dưới 20 triệu đồng. Tiền nhẫn cưới 15 triệu đồng. Tiền thách cưới 30 triệu đồng, khoản này gia đình em mở ngoặc là sau đó bố mẹ vợ có thể tặng lại một phần cho các con. Đám hỏi phải bắt buộc không dưới 7 quả bao gồm: trầu cau, bánh cốm, lợn quay, gà luộc, xôi gấc, mứt sen…
Trong đám cưới, nhà chú rể cũng phải có vàng tặng các con để nhà gái được mát mặt với quan khách hai bên.
Không chỉ vậy, nhà em còn yêu cầu, ngoài đám cưới ở quê, chúng tôi còn phải có thêm tiệc báo hỉ ở Hà Nội vì gia đình em có bạn bè và họ hàng ở đây.
Em cũng nói thêm, ở Hà Nội, em đã “nhắm” được một nhà hàng khá sang trọng. Tháng trước, bạn em vừa tổ chức báo hỉ ở đây rất hoành tráng, đẹp mắt. Tôi vào trang web của nhà hàng này, thấy mỗi mâm (10 người) có giá gần 4 triệu đồng.
Vợ tương lai cũng gợi ý, sau đám cưới, chúng tôi cũng nên có tuần trăng mật để không thua kém bạn bè. Bạn em toàn đi nước ngoài, khu nghỉ dưỡng sang trọng. Em xinh xắn, có công việc ổn định, lấy chồng không được như vậy thì “không biết giấu mặt vào đâu”.
Những lời em nói tôi thấy cũng hợp lý. Gia đình em có cô con gái xinh xắn, cũng muốn làm lễ cưới hoành tráng để con được về nhà chồng trong tiếng tán dương của họ hàng, làng xóm. Ngặt nỗi, kinh tế của tôi lại không cho phép.
Khoản tiền tích lũy của tôi chỉ khoảng 100 triệu đồng, tôi dự định sau kết hôn sẽ tìm cách đầu tư, làm ăn. Nếu đem ra làm đám cưới như lời nhà gái gợi ý chắc không đủ, phải vay mượn. Tôi rất sợ cảnh phải còng lưng trả nợ sau đám cưới. Tôi gợi ý cắt giảm một số chi phí để tiết kiệm nhưng vừa nghe em đã tỏ ý không vui.
Em gọi điện về cho mẹ thì gia đình em làm ầm ĩ lên. Hai bác nói rằng, tôi không tôn trọng nhà gái và không có thành ý để làm đám cưới.
“Cả đời chỉ có một lần vậy mà cũng tính toán”, mẹ em gắt gỏng trong điện thoại.
Mấy hôm nay tôi vô cùng đau đầu về việc này. Tôi cũng rất thương bố mẹ mình, ông bà vất vả cả đời chưa được con trai báo hiếu.
Thực sự tôi cũng rất thương và yêu bạn gái, tôi có nên nhắm mắt làm liều cưới em về, sau đó kiếm tiền trả nợ? Xin độc giả cho tôi lời khuyên.
Độc giả Thành H.