‘Giữ ngọn lửa vẫn cháy sau mười năm hôn nhân, với tôi dường như là nhiệm vụ điên rồ hoàn toàn bất khả thi….
Khi màn đêm buông xuống, và không có ai dõi theo, tôi sợ mọi thứ: Sự sống, cái chết, tình yêu hay thiếu tình yêu; mọi điều mới mẻ nhanh chóng trở nên quen thuộc; cái cảm giác rằng tôi đang lãng phí những năm đẹp nhất đời mình cho một cuộc sống đơn điệu cho đến khi chết, và nỗi hoang mang tột cùng khi đối mặt với cái không biết, dù cho nó có mạo hiểm và gây hứng thú ra sao …”
Nhân vật nữ là nhà báo xinh đẹp 31 tuổi, thành đạt với chồng giàu, hai con dễ thương, sống tại thành phố giàu và bình an nhất thế giới: Geneve (Thụy Sĩ). Cô rơi vào khủng hoảng về ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa của hôn nhân và tình yêu; vật vã chống chọi lại những cơn trầm cảm triền miên và sự quyến rũ của việc ngoại tình với người yêu thời trung học; cô tìm đến cả bác sĩ tâm lý và ma túy … để tìm lại cảm giác đam mê trong cuộc sống, đam mê trong tình yêu. Trong hành trình đó, cô nhận ra hầu hết người xung quanh đều ít nhiều khủng hoảng tương tự, kể cả người tình của cô và chồng mình.
Câu chuyện của người phụ nữ trong “Ngoại tình” của Paulo Coelho trên đây không có gì mới lạ ở xã hội phương Tây, nơi trầm cảm và căng thẳng đã thành “căn bệnh thời thượng”- như Elizabeth Gilbert viết về sự vật vã của chính mình trong “Ăn, Cầu nguyện, Yêu”. Khủng hoảng này cũng bắt đầu trở nên quen thuộc với phụ nữ trí thức hiện đại châu Á.
Rốt cuộc phụ nữ muốn gì? Câu hỏi đó không chỉ làm đau đầu người chồng, người tình, mà cả nhân vật chính.
Theo một góc nhìn của nhà văn, ý nghĩa cuộc sống của phụ nữ bây giờ không chỉ nằm ở gia đình như ý, sự giàu có và thành đạt nữa; mà phụ nữ khi đạt mọi thứ thì những khát khao sâu xa của họ bắt đầu lên tiếng.
Lúc đầu, họ thường cho rằng sự chán nản và mất đi nhiệt tình sống là bởi sự cùn mòn của hôn nhân kéo dài, của cuộc sống lặp đi lặp lại – vì thế họ bắt đầu tìm kiếm “tình yêu” bên ngoài, như liều thuốc làm trái tim trở nên sôi nổi ấm áp hơn. Họ tưởng một người tình sẽ mang lại điều họ đã đánh mất.
Nhưng rõ ràng chẳng có cuộc ngoại tình nào có thể chữa lành sự cô đơn, thiếu hụt mà bất kỳ người trầm cảm nào cũng phải đối mặt. Vì mối quan hệ với đàn ông chỉ là một cấu phần nhỏ trong hệ ý nghĩa của khái niệm Tình yêu. Tình yêu còn là tình yêu với cuộc sống, với sự trải nghiệm không ngừng, với những khao khát đam mê vượt qua rào cản của “cuộc sống ổn định, chuẩn mực”.
“Chúng ta không phải là người như chúng ta muốn. Chúng ta là kết quả đòi hỏi của xã hội. Chúng ta là kết quả do cha mẹ lựa chọn. Chúng ta không muốn làm người khác thất vọng; chúng ta có nhu cầu lớn lao là được yêu thương. Nên chúng ta xóa bỏ những gì tốt đẹp nhất trong bản thân. Dần dà, thứ từng là ánh sáng của những giấc mơ biến thành con quái vật trong những cơn ác mộng. Đó là những điều dang dở, những khả năng không thành hiện thực” (Ngoại tình – Coelho).
Tình yêu, đúng là rộng lớn hơn, nó không bó gọn trong một cái khung gia đình, chồng con, công việc.
Thế nhưng, sự tồn tại của gia đình vẫn có ý nghĩa lớn lao. Khi có sự bao dung, đồng cảm và nâng đỡ lẫn nhau trong gia đình, thì cái khung đó có thể mở rộng ra thành một thế giới và tan chảy đi những sợ hãi, lo âu, phiền muộn; có thể dắt tay nhau cùng đi qua những khủng hoảng cuộc đời.