Không hẹn mà gặp, nhiều khách hàng nuôi lợn tại Nghệ An đồng loạt tố Công ty TNHH Đại Thành Lộc cung cấp lợn giống không đảm bảo
Khoảng 900 con lợn với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, một con số không nhỏ. Điều đáng nói, xung quanh việc này còn nhiều điểm bất nhất.
Giống có vấn đề
Thời gian qua, tại một số cơ sở chăn nuôi thuộc các huyện Nam Đàn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An bất ngờ xảy ra tình trạng lợn giống thi nhau chết hàng loạt.
Những người trong cuộc khăng khăng tỷ lệ lợn chết ngày càng tăng nhanh, tổng thiệt hại lên đến 50 – 60%. Theo họ con giống sau khi được đưa về chỉ sau 2 – 3 ngày thì bắt đầu có biểu hiện bất thường như sốt, bỏ ăn, kế đó là lăn ra chết.
Nhiều chủ trang trại và hộ nuôi quả quyết, phần lớn con giống kể trên do Công ty TNHH Đại Thành Lộc, địa chỉ tại xóm 10, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cung cấp.
Phiếu cân lập vào ngày 15/6 thể hiện 500 con lợn giống, trọng lượng bình quân 7,76 kg/con. Đáng chú ý, trong phần bút phê của đại điện đơn vị bán con giống (Công ty TNHH Đại Thành Lộc) ghi 4 loại vaccine đã tiêm, bao gồm ký hiệu PRRS (Virus bệnh tai xanh PRRS) được chú thích tiêm vào ngày 30/5, tức là nửa tháng trước khi xuất bán.
Xin được nói thêm, trang trại chăn nuôi lợn giống siêu nạc này có quy mô 12 dãy nhà, được chia thành 2 khu chăn nuôi (khu A và B) khép kín, trong đó có 6 dãy chuồng lợn đẻ, 4 dãy chuồng lợn mang bầu, 1 dãy chuồng nuôi lợn đực giống, 1 dãy nuôi hậu bị cùng các hệ thống phụ trợ khác.
Trở lại với diễn biến chính, sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng bên chịu thiệt hại đã có đơn trình báo gửi đến cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của đơn vị cung ứng đầu vào.
Nội dung đơn thể hiện như sau: Ngày 15, 17 và 26/6/2020, chúng tôi đã mua của Công ty Đại Thành Lộc tổng cộng 910 con lợn giống với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Lợn sau khi bắt về có các triệu chứng sốt, bỏ ăn và chết một vài con.
Quá trình theo dõi nhưng không thấy chuyển biến, các chủ trang trại đã báo cho Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, lạ thay khi tiếp nhận thông tin người này lại khẳng định không vấn đề gì. “Trước sau lãnh đạo phía Đại Thành Lộc đều bảo không sao, tuy nhiên thực tế thì lợn chết ngày càng nhiều. Chúng tôi đưa mẫu đi xét nghiệm thì phát hiện dương tính với dịch tai xanh…”, đại diện người nuôi cho biết.
Trước các chứng cứ, các hộ nuôi mong muốn cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, một mặt kịp thời ngăn chặn Công ty Đại Thành Lộc tiếp tục bán lợn nhiễm bệnh ra thị trường, mặt khác tìm phương án giải quyết hậu quả.
Bất nhất quan điểm
Nghi ngờ chất lượng đầu vào có vấn đề, 4 chủ trang trại là các ông Trần Duy Nguyên, xóm 1, xã Nam Thanh, Nam Đàn; Phan Xuân Trình, xóm Hạ Sửu, xã Tân Phú, Tân Kỳ; Nguyễn Văn Hợi, xóm 8, xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn; Nguyễn Tri Phong, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa đã chủ động lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Chi cục Thú y vùng III tiến hành xét nghiệm, kết quả cho thấy tất cả đều dương tính với virus bệnh tai xanh PRRS.
Xin được nhắc lại, cả 4 hộ trên dù khác địa bàn nhưng đều mua lợn giống cùng một thời điểm, tại cùng địa chỉ.
Ở một diễn biến khác, phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cũng tiến hành kiểm tra trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc để xét nghiệm virus tai xanh, kết quả thể hiện tại phiếu số 3667, 2673 và 3685/CĐXN-CĐ đều là âm tính.
Kế tiếp, ngày 20/7 Chi cục cử cán bộ phòng Quản lý dịch bệnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đàn tiến hành kiểm tra thực tế tại khu chăn nuôi của Đại Thành Lộc, lúc này lợn sinh trưởng, phát triển bình thường, không thấy xuất hiện các triệu trứng, đặc biệt không thấy có tình trạng lợn chết.
Chưa bàn các nội dung khác, chỉ riêng việc xét nghiệm cho “kết quả chồng chéo” đã gây nên sự bất an. Khi đề cập đến, ông Phan Trọng Tài, một cá nhân liên quan nêu rõ các điểm nghi vấn: Tại sao đàn lợn khi bắt về lại có dấu sơn xanh, sơn đỏ? Tại sao giá bán rẻ hơn thị trường 300.000đ/con? Vì sao dịch bệnh xuất hiện gần 1 tháng phía đơn vị chức năng mới lẫy mẫu xét nghiệm tại trại của Đại Thành Lộc? Tại sao đang dịch lại cho xuất lợn con? Tại sao tiêm vacxin tai xanh mà lợn vẫn bị dịch?
Tiếp nhận phản ánh, ông Phạm Văn Nam, kỹ sư trưởng trại lợn Đại Thành Lộc trình bày quan điểm: Giá lợn thấp là do sự quen biết giữa đôi bên, hiện Nhà nước không có văn bản nào quy định giá lợn phải đảm bảo theo thị trường. Việc phun sơn nhằm đánh dấu lợn được chọn để xuất đi, không phải do bị bệnh. Số trại chăn nuôi lợn dương tính với virus tai xanh tỷ lệ tương đối cao nhưng ở mức ổn định, khi gặp điều kiện bất lợi (nắng nóng, stress) rất dễ phát bệnh.
Trước thông tin “khách hàng phản hồi thông tin nhưng công ty không đến hỗ trợ”, ông Nam nói bản thân là kỹ thuật trại nên không nắm bắt được, mặt khác thời điểm trên đơn vị xuất bán đến 4.200 con lợn giống, lượng khách hàng quá nhiều nên không thể đến trực tiếp, bởi điều đó sẽ kéo theo nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cần sớm làm rõ
Chủ trì buổi làm việc giữa các bên, ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y kết luận nguyên nhân dịch bệnh là do mầm bệnh tồn lưu trong môi trường cũng như trong cơ thể lợn khỏe mạnh, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tiếp đà phát sinh.
Tiếp nữa là do tình trạng nắng nóng kéo dài, lợn con mới 21 ngày tuổi dễ sốc nhiệt. Thực tế lợn được đưa từ trang trại kín có hệ thống làm mát, nhiệt độ chuồng từ 28 – 30 độ C về chuồng nuôi hở, điều kiện không tốt bằng khiến lợn con kiệt sức, giảm dần sức đề kháng, qua đó tạo cơ hội cho mầm bệnh truyền nhiễm, phát triển và lây lan mạnh.
Một yếu tố khác là phương tiện vận chuyển, dụng cụ, thức ăn chăn nuôi, người ra vào… không được khử trùng triệt để. Sau cuối là thấy giá lợn tăng cao, nhiều chủ hộ nóng vội tái đàn trong bối cảnh chưa đảm bảo an toàn sinh học.
Vụ việc này nhất thiết cơ quan chức năng phải xác định rõ mầm bệnh đầu tiên, nguồn gốc xuất phát từ đâu, từ đó mới quy trách nhiệm thuộc về ai.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các bên giải quyết theo tinh thần nhân văn, phía Công ty Đại Thành Lộc cần hỗ trợ thuốc, phương pháp kỹ thuật sau khi xuất bán con giống, đồng thời xem xét hỗ trợ thiệt hại để các hộ nuôi ổn định sản xuất.