‘Lấy danh nghĩa người nhà’ đem đến góc nhìn sâu sắc về trách nhiệm và ảnh hưởng của cha mẹ tới tâm lý con trẻ
Lấy danh nghĩa người nhà đang dẫn đầu rating tại Trung Quốc với mức 7,04% trên sóng truyền hình và 5,41% trên sóng trực tuyến. Phim ra mắt tập đầu ngày 10/8, nhận 8,6/10 điểm trên Douban.
Lấy danh nghĩa người nhà khắc họa cuộc sống của ba anh em Lăng Tiêu (Tống Uy Long) , Hạ Tử Thu (Trương Tân Thành) và Lý Tiêm Tiêm (Đàm Tùng Vận). Tuy khác huyết thống, họ vẫn hết mực yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong tổ ấm của hai người cha đơn thân Lý Hải Triều và Lăng Hòa Bình. Thông qua số phận ba đứa trẻ, Lấy danh nghĩa người nhà là lời chất vấn đầy cay đắng dành cho những bậc làm cha làm mẹ.
Những đứa trẻ lạc mẹ
Thoạt đầu, Lấy danh nghĩa người nhà khiến khán giả tưởng rằng bộ phim tập trung vào chủ đề tình cảm láng giềng như loạt phim Reply 1988, Reply 1994 và Reply 1977 của Hàn Quốc. Phim mở đầu bằng phân cảnh Lăng Hòa Bình, cùng vợ Trần Đình và con trai Lăng Tiêu, chuyển tới sống tại một khu tập thể năm 1999. Tại đây, họ đã gặp bố con Lý Hải Triều – Lý Tiêm Tiêm và được gia đình họ Lý nhiều lần giúp đỡ.
Dọn tới nơi ở mới, gia đình nhà Lăng lại ngập tràn bầu không khí u ám. Bởi lẽ, Trần Đình mang thương tổn tâm lý sâu sắc sau khi con gái nhỏ qua đời vì nghẹn hạt óc chó. Cô chì chiết người chồng làm cảnh sát bận rộn, liên tục vắng nhà nên mới xảy ra sự cố, oán hận Lăng Tiêu vì không cứu em gái trong khi anh bị khóa trái cửa và đã hết mực gào to kêu cứu. Còn Trần Đình, cô “vô tội” vì đang vui thú mạt chược với bạn bè.
Tại khoảnh khắc Trần Đình thẳng thừng xách vali rời đi trước mặt Lăng Tiêu, khán giả nhận ra Lấy danh nghĩa người nhà không phải là câu chuyện tình làng nghĩa xóm hay tình yêu thời thanh xuân.
Trong phim, ông bố “vạn người mê” Lý Hải Triều nổi bật hơn cả. Ông một mình nuôi con gái Lý Tiêm Tiêm sau khi vợ qua đời. Lý Hải Triều cũng cưu mang hai cha con nhà Lăng sau khi Trần Đình ra đi. Bằng khả năng nấu ăn thượng hạng, Lý Hải Triều nhận chăm lo cho Lăng Tiêu mỗi khi bố anh đi làm nhiệm vụ.
Ông Lý một lần nữa khiến khán giả thán phục về lòng nhân ái khi nhận nuôi Hạ Tử Thu – con trai Hạ Mai. Lý Hải Triều và Hạ Mai được bà thím trong xóm sắp xếp xem mắt. Sau nhiều lần gặp gỡ, Hạ Mai gọi điện vay tiền ông Lý để trị bệnh cho mẹ, đồng thời, nhờ chăm sóc Hạ Tử Thu. Đây cũng là lần cuối Lý Hải Triều nghe tin về Hạ Mai.
Theo đó, ông Lý vô tình trở thành mái ấm của Lăng Tiêu và Lý Hải Triều. Thay vì cảm thấy nặng nề, Lý Hải Triều yêu thương hai đứa trẻ như máu mủ ruột thịt và ngược lại. Không có sự nghiệp lớn lao cũng chẳng có nguồn thu nhập dư dả, ông Lý là “tỷ phú” tình cảm. Ba người con và hai người cha trải qua 10 năm sống đầm ấm bên nhau.
Trái lại, khán giả không khỏi day dứt khi chứng kiến Lăng Tiêu và Lý Hải Triều bị mẹ ruột bỏ rơi. Trong khi Trần Đình ra đi vì căm phẫn thực tế, Hạ Mai lại chạy trốn để thoát khỏi nghèo khó. Đây là những kẻ vô trách nhiệm, hèn nhát trước cuộc sống nghiệt ngã. Chưa hết, sự ích kỷ của họ chính là nhát dao chí mạng, để lại trong tiềm thức của hai người con nỗi đau mang tên “mẹ”.
Lý Tiêm Tiêm có phần may mắn hơn những người anh khi được sinh ra là con của Lý Hải Triều. Nữ chính mang tính cách ngây thơ, hồn nhiên và chính trực. Trong lúc ngắm sao băng, Tiêm Tiêm đã hét lên: “Mẹ, con nhớ mẹ lắm”. Tiếng gọi của cô bé đã đánh thức lòng trắc ẩn của khán giả. Người xem hiểu rằng bấy lâu nay, ẩn dưới những nụ cười trong sáng, Tiêm Tiêm vẫn đói khát tình cảm của mẹ.
Mỗi nhà mỗi cảnh
Bên cạnh ba nhân vật chính, Lấy danh nghĩa người nhà còn đề cập tới hai người bạn cùng lớp Tiêm Tiêm – Tề Minh Nguyệt và Đường Xán. Trong khi Tề Minh Nguyệt (biệt danh “Mặt Trăng”) là “sản phẩm” điển hình của lối dạy con độc đoán, Đường Xán lại là ví dụ của những đứa trẻ khốn khó, sớm phải làm chủ kinh tế gia đình.
Sinh trưởng trong gia đình khá giả, Minh Nguyệt chưa bao giờ thiếu thốn vật chất. Tuy nhiên, nữ sinh phải gánh trên vai áp lực lớn về thành tích học tập. Cô cũng chỉ được phép giao lưu với những người có thành tích tốt ở trường.
Ban đầu, “Mặt Trăng” không được đồng ý để giao tiếp với Tiêm Tiêm – học sinh luôn có thứ hạng bét lớp. Tuy nhiên, sau khi mẹ Minh Nguyệt biết Lăng Tiêu là người đứng nhất toàn khối và Hạ Tử Thu chuẩn bị ứng tuyển vào đại học hàng đầu, bà gật đầu để con gái giao du với ba anh em nhà Tiêm Tiêm.
Minh Nguyệt không chỉ bị mẹ gò ép về học tập mà còn về lối sống. Ví dụ, khi thấy con gái để ý tới trang phục màu đen, mẹ Minh Nguyệt lập tức can ngăn với lý do “còn trẻ nên mặc sáng sủa” và mua áo màu hồng cho cô bé. Trên bàn ăn, bà không quan tâm tới ý thích của con gái mà chỉ lựa chọn những món ăn bà cho là bổ dưỡng.
Rõ ràng, động cơ của mẹ Minh Nguyệt là mang tới những điều tốt đẹp cho con gái. Tuy nhiên, cách hành xử độc đoán này lại khiến “Mặt Trăng” trở thành người luôn sợ hãi khi bày tỏ ý kiến và cố gắng làm vừa lòng người khác.
Amy Chua – tác giả cuốn sách Tại sao các bà mẹ Trung Quốc lại uy quyền đến vậy? – từng đề cập tới cụm từ “bà mẹ hổ” – khái niệm của phương Tây khi nói về những bà mẹ châu Á có kỷ luật thép với con cái. Cây viết cũng chỉ ra sự độc đoán làm thui chột thiên hướng bẩm sinh của trẻ. Người được nuôi dạy theo phong cách này thường sợ thất bại, không dám trải nghiệm và vô định về những điều họ đang làm.
Mặt khác, câu chuyện của Đường Xán đại diện cho những đứa trẻ sớm phải gánh trên vai nỗi lo kinh tế của gia đình. Nữ sinh được miêu tả là người có nhan sắc, theo đuổi nghiệp diễn và từng tham gia vài dự án quảng cáo truyền hình. Vì lịch trình bận rộn, Đường Xán thường xuyên vắng mặt trên lớp.
Đáng nói, mẹ Đường Xán là người đích thân quản lý thời gian làm việc của con gái. Để đảm bảo kinh tế cho gia đình, bà liên tục dỗ dành sao nhí nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Khi các bạn đồng trang lứa được đi học, Đường Xán phải vác thêm nỗi lo về kinh tế. Tuy diễn xuất là sở thích, động lực lớn nhất để đi làm của cô vẫn là miếng ăn cho gia đình.
Lấy danh nghĩa người nhà là câu chuyện đa màu sắc về mối quan hệ bố mẹ – con cái. Nhiều khán giả cho rằng Lý Hải Triều là nhân vật duy nhất xứng đáng với danh xưng cha. Tuy nhiên, một câu hỏi xót xa về tính thực tế của hình tượng này trong đời sống cũng được đặt ra. Theo đó, phim là tấm gương để các bậc sinh thành tham khảo, tự vấn về cách giáo dưỡng con cái.