Trong ‘Lấy danh nghĩa người nhà’, Lăng Tiêu và Hạ Tử Thu là hai đứa trẻ vô cùng hiểu chuyện. Nhưng có vẻ như càng hiểu chuyện lại càng dễ bị người khác lợi dụng…
Lăng Tiêu và Tử Thu thậm chí còn chưa đủ tuổi trưởng thành vậy mà đã bị chính người thân ruột thịt của mình mượn hết lý do này đến lý do kia để đùn đẩy biết bao trách nhiệm nặng nề lên vai.
Đầu tiên không thể không nói tới đó là gia đình nhà Lăng Tiêu. Nhà Lăng Tiêu vốn dĩ sẽ rất hạnh phúc nếu như không có sự cố bất ngờ xảy ra. Bố mẹ Lăng Tiêu đều ra ngoài nên khóa cửa để hai anh em Lăng Tiêu chơi trong nhà. Vì ăn hạt óc chó nên em gái Lăng Tiêu bị hóc, cửa lại khóa nên Lăng Tiêu không có cách nào chạy đi tìm người cứu chỉ có thể đứng trong nhà gào thét.
Khi có người về tới thì em gái Lăng Tiêu đã không qua khỏi. Sự ra đi của em gái là một nỗi mất mát quá lớn đối với gia đình Lăng Tiêu. Đến người lớn còn không tránh khỏi đau buồn, thì thử hỏi một đứa bé như Lăng Tiêu đã tận mắt chứng kiến em mình ra đi sẽ đau khổ và ám ảnh đến mức nào. Ấy vậy mà Trần Đình- mẹ Lăng Tiêu, từ ngày con gái mất lại coi đó là nỗi đau của riêng mình, chỉ mình mình đau đớn, mất mát. Trần Đình tự trách mình một thì trách chồng mười, thậm chí trách cả con.
Một đứa trẻ mười tuổi ăn chưa no, lo chưa tới thì thử hỏi sẽ đối mặt như thế nào với những nguy hiểm trước mắt nếu không có sự trông coi chăm sóc của người lớn. Vậy mà Lăng Tiêu mới mười tuổi đã phải một mình trông em, không may em mất thì lại bị chính mẹ mình trách móc. Trần Đình tuy không phải lúc nào cũng đổ tại Lăng Tiêu nhưng cứ đi ra đi vào là khó chịu, lúc nào cũng hằn học muốn gây sự cãi nhau. Gia đình Lăng Tiêu phải chuyển nhà cũng vì chuyện đó mà vẫn không xoa dịu được Trần Đình.
Đã đành rằng con mất thì ai cũng đau lòng nhưng con nào cũng là con, tại sao Trần Đình lại có thể dằn vặt chính con trai mình vì sự ra đi của con gái. Dù là vô tình hay cố ý, thì sự ích kỷ của Trần Đình cũng đã khiến một gia đình tan vỡ. Một đứa trẻ như Lăng Tiêu vốn dĩ nên được sống hạnh phúc hơn thì ngày ngày luôn đau khổ, tự trách bản thân. Trần Đình tự cho rằng mình có bệnh, bỏ đi để giải thoát, vậy còn Lăng Tiêu phải tự giải thoát bằng cách nào?
Trần Đình luôn coi mình là người đau khổ nhất, ấm ức nhất nhưng mấy năm qua đi đã có niềm an ủi mới, đã lấy chồng và sinh thêm con. Còn hai bố con Lăng Hòa Bình vốn bị vợ coi là người vô trách nhiệm thì lại ở vậy một mình nuôi Lăng Tiêu khôn lớn. Cũng may hai bố con Lăng Hòa Bình có hai bố con Lý Hải Triều- Lý Tiêm Tiêm bầu bạn, nếu không thì không biết quá trình trưởng thành của Lăng Tiêu sẽ khó khăn đến mức độ nào.
Và rồi hơn mười năm qua đi, mọi việc tưởng chừng đã đi vào quỹ đạo thì Trần Đình lại quay về gây một phen náo loạn. Lúc ra đi Trần Đình đã mạnh miệng tặng con cho người khác như thế, bao nhiêu năm cũng không được một mảnh thư từ, một cuộc điện thoại thăm hỏi mà lúc giàu có trở về lại muốn có được tình thân nguyên vẹn như trước kia.
Và nếu chỉ có một mình Trần Đình thì chỉ là trách nhiệm của một người con đối với mẹ mình nhưng lần này về Trần Đình còn đem theo con gái riêng và tìm đủ mọi cách để Lăng Tiêu phải có trách nhiệm với cô em gái cùng mẹ khác cha ấy. Vừa phải có trách nhiệm với người sống lại vừa phải có trách nhiệm với người chết. Đó phải chăng là một áp lực quá nặng nề mà người lớn đặt lên vai một đứa trẻ còn chưa đến tuổi trưởng thành như Lăng Tiêu.
Ngày bà ngoại Lăng Tiêu mất, Lăng Tiêu lại tiếp tục phải chịu trách nhiệm của một người cháu, quỳ bảy ngày trong tang lễ của bà. Trong khi đó con trai ruột của bà thì bận ngày đêm lo làm ăn, cháu nội thân thiết của bà chỉ quỳ có ba ngày rồi lấy cớ đi học để đi mất. Nghĩa tử là nghĩa tận, dù lúc còn sống bà ngoại không lo lắng được gì cho Lăng Tiêu nhưng khi bà mất Lăng Tiêu cũng đã làm tròn đạo hiếu của một người làm cháu.
Bà vừa mất, mẹ Lăng Tiêu vì vội vã trở về nên bị tai nạn xe vô cùng nghiêm trọng. Vậy là một lần nữa Lăng Tiêu lại gánh trách nhiệm của một đứa con trai. Gia đình bên chồng mới của Trần Đình chối bỏ quan hệ không chăm sóc Trần Đình thì là một lẽ. Nhưng trong khi cũng là ruột thịt tình thân thì bác ruột anh mẹ lại nói vì gia đình bận công việc nên không thể chăm sóc em gái, bắt Lăng Tiêu đăng ký học ở Singapore để tự chăm mẹ. Bao nhiêu năm tháng coi Lăng Tiêu như người ngoài, cuối cùng khi gặp chuyện lại kéo chuyện máu mủ tình thân ra để làm cái cớ chối bỏ trách nhiệm. Làm người lớn như ba đời nhà ngoại của Lăng Tiêu thật quá dễ dàng rồi.
Và không chỉ Lăng Tiêu, Hạ Tử Thu cũng là nạn nhân của trò chối bỏ trách nhiệm này. Hạ Tử Thu từ khi còn là bào thai đã bị chính bố ruột của mình chối bỏ sự tồn tại. Đến khi lớn một chút lại bị mẹ bỏ lại nhà bà ngoại để đi làm ăn xa hàng chục năm không tin tức. Vì thương Hạ Tử Thu nên Lý Hải Triều đã đưa Tử Thu lên thành phố để nuôi dưỡng như con ruột. Ấy vậy mà vài năm sau, khi Tử Thu khôn lớn trưởng thành thì bố Tử Thu lại quay về đòi quyền làm bố.
Phải nói rằng Triệu Hoa Quang- bố đẻ Hạ Tử Thu là một người bố khốn nạn. Lúc có con thì không nhận, đẻ ra thì không chăm, nhưng đến khi biết bản thân mình tuyệt tự thì lại quay về tìm lại đứa con năm đó mình vất bỏ để nhận: bố đây! Bố là bố của con. Nghe thật nực cười với lý lẽ của Triệu Hoa Quang, chỉ vì chung dòng máu mà Triệu Hoa Quang bắt Tử Thu phải rời xa người bố đã bao năm không quản nhọc nhằn nuôi mình khôn lớn để theo mình. Con không theo thì giở mọi thủ đoạn bỉ ổi ra để hãm hại gia đình Lý Hải Triều.
Một người thông minh, hiểu chuyện như Tử Thu lý nào lại không nhận ra sự xấu xa của bố đẻ mình. Nhưng nếu cứ tiếp diễn như thế thì người chịu khổ nhất lại chính là người bố mình yêu quý và mang ơn nhất nên Tử Thu đành bằng lòng chấp nhận theo Triệu Hoa Quang.
Nói là theo Triệu Hoa Quang nhưng ai mới là người bố thật sự của Tử Thu thì có lẽ trong lòng Tử Thu hiểu rõ nhất. Tuy dòng máu ấy không thể chối bỏ, tuy người bố ấy không thể không nhận nhưng công sinh chẳng bằng công dưỡng, dù có đùn đẩy lên vai Tử Thu bao nhiêu trách nhiệm thì tình yêu cuối cùng Tử Thu luôn hướng tới vẫn là bố Lý của mình.
Hai đứa trẻ Lăng Tiêu và Hạ Tử Thu vẫn còn chưa đủ tuổi trưởng thành một cách hợp pháp nhưng đã phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm mà người lớn không gánh được nên đùn đẩy lại. Còn những người như Trần Đình, anh trai Trần Đình, Triệu Hoa Quang lại có vẻ như làm người lớn quá dễ dàng. Cái gì khó chỉ cần mở miệng ra nói một câu chung dòng máu là có thể thoát trách nhiệm của bản thân, và khoác trách nhiệm đó lên vai những đứa trẻ hoàn toàn không có sức chống cự. Tuy biến cố và trách nhiệm đều là một phần của quá trình trưởng thành, càng chịu nhiều biến cố gánh nhiều trách nhiệm thì con người sẽ càng mạnh mẽ, kiên cường hơn nhưng nhìn Lăng Tiêu và Tử Thu gồng mình đau đớn như thế thật không tránh khỏi thương xót, đau lòng.