Nhiều thương hiệu chọn cách im lặng để giải quyết vấn đề khi đứng trước những nghi vấn về việc ăn cắp ý tưởng
Đạo nhái từ lâu đã trở thành chuyện thường ngày trong giới thời trang. Những ông lớn, nhãn hàng danh tiếng cũng bị tố ăn cắp ý tưởng từ các thương hiệu nhỏ.
Một nhà thiết kế lấy ý tưởng của nhãn hàng khác, biến tấu trở thành sản phẩm của mình tạo thành vấn nạn “cá lớn nuốt cá bé”, khi các ông lớn đủ sự hiểu biết để tránh được luật bản quyền, cũng như không khiến danh tiếng bị ảnh hưởng bằng nhiều chiêu trò khác nhau.
Số còn lại sẽ chọn cách im lặng hay lên tiếng xin lỗi để những lời tố giác chìm vào quên lãng, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là các thương hiệu không tên tuổi hay sinh viên thời trang “thấp cổ bé họng”.
Im lặng là cách giải quyết vấn đề
Tháng 6/2019, một nhà thiết kế gốc Việt tố cáo thương hiệu quốc tế ăn cắp ý tưởng trang phục. Bộ cánh Gigi Hadid tại sự kiện CFDA Fashion Awards chỉ là hàng nhái của một thương hiệu ở Mỹ. Phom dáng trang phục, chất liệu vải giống đến 90% bản gốc. Điểm khác biệt chính là màu sắc và phần đai thắt ngang ngực họa tiết Louis Vuitton.
Nhà mốt Peter Do đã phát hiện và đăng tải hình ảnh trên Instagram, gắn kèm tên của thương hiệu Pháp. Không chỉ thế, anh còn cho rằng Louis Vuitton ăn cắp trắng trợn thiết kế trong bộ sưu tập xuân – hè ra mắt đầu năm 2019.
Nhiều đồng nghiệp để lại tin nhắn trên trang cá nhân của nhà thiết kế để phản ứng chuyện này. Tuy nhiên, những ai liên quan đến Peter Do đều bị giám đốc sáng tạo Virgil Abloh chặn tin nhắn, không thể tương tác. Cho đến nay, thương hiệu Pháp và Gigi Hadid vẫn chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào về việc đạo nhái trang phục.
Bộ đôi nhà thiết kế Italy – Stefano Gabbana và Domenico Dolce – từng bị nghệ sĩ người Colombia tố ăn cắp ý tưởng. Adriana Duque khẳng định phụ kiện tai nghe đính ngọc trai, thuộc bộ sưu tập Thu – Đông 2015 của Dolce&Gabbana, giống hình ảnh ra mắt năm 2011 của cô. Bất chấp lời chỉ trích, nhãn hàng cũng từ chối bình luận vụ việc.
Ngoài ra, có thể kể đến trường hợp của Dior và Prada. Đầu năm 2013, nhà mốt Italy ra mắt bộ sưu tập Xuân – Hè với cảm hứng Nhật Bản. Họa tiết hoa anh đào bị nhận xét giống các thiết kế trước đây của nghệ sĩ quá cố người Pháp André Courrèges.
Tương tự, mẫu chân váy xòe làm bằng chất liệu vải satin với họa tiết hoa thuộc bộ sưu tập Xuân – Hè 2013 của Dior cũng vướng nghi vấn bắt chước trang phục của nhà thiết kế quá cố người Mỹ – Edith Head.
Tuy nhiên, Giám đốc sáng tạo Miuccia Prada và Raf Simons đều không đưa ra bất cứ bình luận nào. Bởi, họ thừa hiểu hành động im lặng, không lên tiếng trước truyền thông chính là cách tốt nhất để “vượt qua” sóng gió và tránh sự ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu.
Phản bác cáo buộc ăn cắp ý tưởng
Mới đây, Balenciaga vướng nghi án ăn cắp ý tưởng thiết kế của du học sinh người Việt. Thương hiệu bị chỉ trích gay gắt từ dân mạng. Cụ thể, Trà My có bài chia sẻ thể hiện sự phẫn nộ khi thấy tác phẩm cho khóa thạc sĩ từ năm 2019 được thay đổi và xuất hiện trên Instagram của hãng.
Sau đó, thương hiệu cũng lên tiếng phủ nhận thông tin bị tố ăn cắp ý tưởng trên tờ Hype Beast: “Bức hình chúng tôi đăng tải ngày 21/7 không dựa trên tác phẩm của bất kỳ nghệ sĩ nào. Nó được lấy cảm hứng từ những người bán hàng rong bày hàng hóa của họ trong hình ảnh truyền cảm hứng mà chúng tôi đã chia sẻ trước với nhiếp ảnh gia của chúng tôi và được minh họa bằng hình ảnh bổ sung từ buổi chụp. Đó là các tấm hình chúng tôi để ở phần sau”.
Tiếp đến, Balenciaga công bố 2 tấm hình cho thấy nguồn cảm hứng và những khoảnh khắc nhiếp ảnh gia của thương hiệu chụp.
Không chỉ riêng Balenciaga, Viktor&Rolf cũng từng có những đáp trả sắc sảo khi bị cho rằng ăn cắp ý tưởng của người khác. Vào năm 2017, sinh viên thiết kế Terrence Zhou tố cáo hãng đạo nhái mẫu búp bê của mình trong show diễn haute couture. Tuy nhiên, nhà mốt nhanh chóng bác bỏ cáo buộc bằng việc tuyên bố những sản phẩm này được làm ra với tư duy sáng tạo từ các nhà thiết kế của thương hiệu.
Theo Zhou – sinh viên của Parsons, mẫu búp bê mà Viktor&Rolf ra mắt trong show diễn rất giống với thiết kế của mình. Sinh viên này cho biết thêm, anh từng nộp đơn xin thực tập tại thương hiệu, cũng như cung cấp cho họ những kinh nghiệm và sản phẩm trong quá trình học tập. Đơn xin thực tập của Zhou đã bị từ chối do công ty yêu cầu sinh viên phải có hộ chiếu châu Âu.
Sau đó, phát ngôn viên của Viktor&Rolf bác bỏ nhận định của Zhou bằng tuyên bố: “Những sản phẩm đều được thực hiện từ chính tư duy của các nhà thiết kế trực thuộc thương hiệu”. Hình tượng búp bê là một chủ đề rất bình thường từ ý tưởng của các nhà mốt tại Hà Lan. Dẫn chứng chính là bộ sưu tập búp bê Nga năm 1999 và buổi triển lãm với hơn 31 con búp bê tại Toronto vào năm 2013.
Chưa cảm thấy câu trả lời của Viktor&Rolf thỏa đáng, Zhou đã nhờ những giáo sư tại Central Saint Martins tư vấn, nhưng họ lại nói rằng đây là đặc thù của ngành công nghiệp thời trang và không khuyến khích anh tìm luật sư hay có động thái gì.
Chấp nhận và lên tiếng xin lỗi sau lời cáo buộc
Trong giới thời trang, hiếm có thương hiệu nào được giới mộ điệu khen ngợi vì cách hành xử văn minh giống Chanel liên quan đến việc ăn cắp ý tưởng của người khác. Theo The New York Times, sau khi nhà mốt Pháp giới thiệu bộ sưu tập Pre Fall 2016, nhà thiết kế đồ len người Scotland – Mati Ventrillon – chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội bức ảnh chụp một sáng tạo của cô, cũng như bày tỏ sự thất vọng về việc một thương hiệu danh giá đạo nhái ý tưởng của mình.
Sau đó, đại diện nhãn hàng lên tiếng xin lỗi và khẳng định Chanel sẽ giới thiệu cụm từ “thiết kế bởi Mati Ventrillon” trên các phương tiện truyền thông để xác nhận tác giả của họa tiết áo len. Hành động của nhà mốt Pháp nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng.
Vào năm 2018, Gucci cũng từng gây tranh cãi khi ra mắt show diễn Resort 2018. Một trong các thiết kế để lại ấn tượng là mẫu áo tay phồng quá khổ. Sau đó, nhiều người phát hiện món đồ này giống trang phục của Dapper Dan thiết kế cho vận động viên Diane Dixon vào năm 1989.
Hai mẫu áo giống nhau từ kiểu dáng đến chất liệu, màu sắc, chỉ có phần họa tiết ở tay khác nhau. Áo của Gucci mang logo hai chữ G, còn áo của Dapper Dan là họa tiết monogram của Louis Vuitton.
Nhà mốt Italy nhanh chóng lên tiếng trên tờ The New York Times rằng họ làm mẫu áo này để tôn vinh văn hóa thời trang hip hop mà Dapper Dan sáng tạo nên ở thập niên 1980. Khi được hỏi nhà mốt đã xin phép chủ nhân mẫu áo hay chưa, người này nói đã cố liên lạc với Dapper Dan nhiều lần nhưng không được.