Ngoại tình sẽ mãi mãi tồn tại, và bao trái tim sẽ tiếp tục tan nát vì bị bội tình. Giải pháp lâu dài hơn có lẽ là chấp nhận sự thật khoa học rằng trái tim con người rất rộng mở
Ngoại tình có lẽ là một trong những từ khóa hot nhất bây giờ. Giống như nghề mại dâm, văn hóa đạo đức chối bỏ nó, nhưng nó vẫn trơ trơ tồn tại, từ nghìn năm trước, và nghìn năm sau chắc vẫn vậy. Tương lai của gia đình và cấu trúc tình cảm của loài người rồi sẽ ra sao với cái điều chả ai muốn nhưng không xã hội nào có khả năng xóa bỏ?
“Đàn ông ai chả thế!”
Câu cửa miệng này xuất phát sâu xa từ việc kết nối hành vi của con người và các động vật khác. Trong thiên nhiên, con đực dường như chỉ phối giống càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, việc so sánh như vậy có nhiều điểm cập kênh.
Thứ nhất, nhìn về phía các loài có vú gần hơn với chúng ta. Khỉ baboons, mandrill, rhesus, vervet và chimp là những loài mà con đực vung vãi tinh trùng nhiều nhất. Những loài này con đực to hơn hẳn con cái, bộ phận sinh dục lớn, nhiều tinh trùng, thái độ thì hung hăng, chọn bạn tình bừa bãi, con cái đẻ ra không chăm lo. Chúng cũng có “imprinted gene” tồn tại với mục đích thúc đẩy sự canh tranh của bào thai chỉ – khi cái bào thai ấy là con của chúng.
Ở những loài này, khi con cái chọn bạn tình, chúng cũng thường chỉ chú ý đến gen. Và bọn chúng chả mấy khi nghĩ đến ngoại tình. Bởi con đực chỉ là công cụ phối giống, phối với con mới thì con cũ cũng chả bận tâm vì chúng không phải thực hiện vai trò làm bố.
Một nhóm khỉ khác lại khá giống con người. Con đực chỉ to hơn con cái một chút, ít tinh trùng hơn, tính cách điềm đạm hơn, chọn bạn tình khắt khe hơn. Vì sao? Khi con cái sinh nở, con đực chăm sóc và bảo vệ gia đình. Nhiều khi con đực bón mồi cho con cái, như thể muốn bảo đấy cô xem, tôi mà có con tôi sẽ không tồi đâu. Nhóm khỉ thuộc dạng “kết đôi” này gồm marmosets, tamarins, owl, và gibbon.
Điều thú vị nhất là con cái trong nhóm “kết đôi” có tỷ lệ ngoại tình rất cao. Vì chúng biết con đực sẽ chăm lo tụi nhỏ ở nhà, nên theo đúng quy luật tiến hóa, chúng lén bỏ đi theo trai, đặng nâng cao cơ hội lan tỏa nguồn gen của chính mình.
Sinh học và khả năng ăn vụng của loài người
Như vậy, về mặt sinh học, biện luận cho rằng bản chất cơ bản của loài người với tư cách động vật tiến hóa, hay đúng hơn là “đàn ông đứa nào chả ăn vụng” chưa hẳn đã có cơ sở. Động vật cũng có nhóm nọ nhóm kia. Mà nếu ta cứ thích so sánh người với khỉ, thì sao không so sánh với nhóm khỉ kết đôi? Mà đã so sánh với nhóm khỉ kết đôi, thì không phải đàn ông ăn vụng, mà là đàn bà ăn vụng cơ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta buộc phải dùng sinh học để phán xét, thì loài người kết thúc cuộc đua ở giữa hai nhóm kể trên. Đàn ông cao hơn phụ nữ chừng 10%, nặng hơn chừng 20%, dùng nhiều chất dinh dưỡng hơn 20%, sống ít hơn 6 năm. Tính thêm cả kích thước bộ phận sinh dục và số lượng tinh trùng, sự khác biệt nam nữ này nhỏ hơn nhóm khỉ “phối giống”, nhưng lại cao hơn nhóm khỉ “kết đôi”. Những cái gen “imprinted” – chỉ để kích thích bào thai khi đó là con của mình – cũng tồn tại, nhưng vô cùng ít ỏi.
Vậy, nhìn từ mặt sinh học, loài người chơi vơi ở giữa. Chúng ta chẳng phải là loài “phối giống”, nhưng cũng chưa phải là loài “kết đôi”. Và vì thế, sinh học trở nên lúng túng trong việc đưa ra một lời phán quyết rằng ngoại tình, khi đối diện với tiến hóa, là sai hay đúng.
Thế mạnh của sự chơi vơi
Thật dễ nhìn ra sự “bối rối” của con người khi đối diện với lựa chọn về cấu trúc gia đình. Cách đây không lâu, việc một ông ba bà, vợ cả đi lấy vợ lẽ cho chồng là bình thường. Xã hội mẫu hệ Việt Nam có chuyện ông Công ông Táo – là hai đấng phu quân của một người phụ nữ, cả ba làm nên chiếc kiềng ba chân chống bếp của văn hóa Việt Nam.
Nhưng có lẽ, sợ bối rối đó là mục đích của tạo hóa. Nó khiến cho con người có thể linh hoạt, biến chuyển cấu trúc gia đình tùy thuộc vào từng hoàn cảnh lịch sử và địa lý. Ở những vùng đất trù phú, chế độ đa thê khiến một gia đình có nhiều con cháu, đặng tối đa sức khai thác kinh tế.
Ở những vùng đất cằn cỗi, chế độ đa phu giảm thiểu số lượng trẻ con trong một gia đình. Vùng Tây Tạng và nhiều nơi trên thế giới hiện vẫn còn tập tục này. Một phụ nữ thường lấy mấy anh em trai làm chồng. Họ ở một nhà, con sinh ra không biết của ai nhưng vì là anh em nên đứa trẻ chắc chắn có máu mủ của mình. Nguồn tài nguyên hạn hẹp không bị anh em cùng nhà tranh giành sau khi có gia đình riêng. Tụi trẻ con cũng được chăm sóc tốt hơn từ nhiều người bố.
Nhưng vùng sa mạc khô hạn như Saudi Arabia lại thực hiện chế độ đa thê. Lý do lớn nhất là do việc tàn sát lẫn nhau giữa các bộ lạc khiến xã hội có quá nhiều góa bụa. Trong bối cảnh phụ nữ bị khinh rẻ, bào thai nữ bị vứt bỏ, thiên sứ Mohammad – người khai sinh ra đạo Hồi (Islam) có thể coi là một nhà nữ quyền vĩ đại khi ông luật hóa việc đàn ông chỉ được phép lấy 4 vợ, cưới hay ly hôn đều phải có ý kiến của phụ nữ, phụ nữ được phép có tài sản riêng, quyền thừa kế, quyền đi học. Ông cũng nói “Thiên đường nằm ở bên chân người mẹ”.
Điều thú vị là tuy đề ra luật, nhưng chính ông lại có tới 9 bà vợ. Lý do nằm ở việc ông lấy vợ không phải vì tình yêu, mà là với mục đích chính trị, đoàn kết các bộ lạc, giống như công chúa Huyền Trân ở Việt Nam và các vua chúa ở châu Âu.
Chế độ một vợ một chồng là sản phẩm mới nhất của sự linh hoạt này cách đây chừng 1.000 năm. Khi ta chuyển sang sống chen chúc trong những thành thị lớn, các căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trở thành một mối đe dọa khủng khiếp. Con người dần dần trở nên chung thủy với bạn tình hơn để tránh bị lây bệnh. Ai ngoại tình sẽ bị xã hội ghét bỏ.
Giả thuyết thứ hai cho việc ta trở nên ghét bỏ ngoại tình là do con người đã tiến hóa đến mức những đứa trẻ sinh ra dần dần có bộ óc ưu việt hơn, to hơn, đòi hỏi sự quan tâm của mẹ nhiều hơn. Khi mẹ còn bận rộn với con cái thì họ sẽ không sẵn sàng cho bạn tình. Việc kết đôi chặt chẽ không những tăng cơ hội giao phối cho đàn ông, mà còn khiến đàn ông bảo vệ con ruột của mình dễ hơn trước sự đe dọa của những gã đàn ông hay con đực khác. Ngoại tình vì thế lại càng được coi là đối tượng căm ghét của vũ khí văn hóa.
Ngoại tình rồi sẽ đi về đâu?
Để biết tương lai số phận của ngoại tình, có lẽ chúng ta cần nhìn lại về tình yêu.
Tình yêu cũng là một khái niệm mới. Ngày xưa ông bà chúng ta về sống với nhau để bảo đảm những nhu cầu kinh tế của cuộc sống, con cái, hoặc hàn gắn các tranh chấp lãnh thổ… Ấy là tình yêu thời 1.0 đầy một bồ toan tính.
Thế rồi xã hội giàu có lên và hôn nhân không còn là công cụ cho các mục tiêu xã hội, sinh đẻ, hay tài chính nữa. Ta khám phá ra rằng yêu là đủ, và yêu là cưới, hay thậm chí không cần cưới vì yêu là yêu. Phiên bản 2.0 khá mới. Ở Việt Nam, vẫn có những bạn 9X bảo người yêu là: “Anh con một, mình phải đẻ con nối dõi”. Hai người vẫn cưới, vì vẫn yêu. Nhưng chuyện con cái mà không đúng ý thì phiên bản 2.0 của họ thụt lùi về thời 1.0. Nâng cấp tinh thần quả là một quá trình.
Và trong khi đó, phiên bản 3.0 lặng lẽ tràn ngập trái tim của những cặp đôi thời đại mới. Họ yêu nhau tha thiết, nhưng tan vỡ. Ấy là vì tình yêu phiên bản mới không chỉ khao khát tình cảm trao gửi sẽ được đáp lại, mà còn mong đợi rằng tình cảm ấy sẽ như một liều thuốc thần kỳ biến đổi bản thân. Khi của nả, tiền tài hay con cái không còn là nỗi lo thường trực (1.0), khi tình yêu có thể tự do trao nhận (2.0), thì mục tiêu cao hơn của một con người là sự thoát xác cho một phiên bản mới thăng hoa hơn, hào hứng hơn, tốt đẹp hơn. Tình yêu 3.0 là thứ tình yêu khiến mỗi tình nhân trở thành một con người mới, lộng lẫy và ý nghĩa hơn con người xưa cũ.
Nếu chúng ta nhìn tình yêu với mục đích 3.0 như vậy, hẳn ta sẽ hiểu hơn xu thế mới của cấu trúc quan hệ tình cảm hiện nay. Ngày càng nhiều nước cân nhắc việc đổi thay luật một vợ một chồng, hoặc ít nhất cũng không coi việc ngoại tình là phạm pháp. Những hình thái quan hệ khác biệt cũng dần dần lộ hơn.
Quần hôn, hay chính xác hơn là đa ái – polyamorous – chẳng hạn, ngày càng phổ biến. Một SV nữ của tôi sống cùng hai bạn trai và con riêng. Họ lập thành một gia đình, sống chung ba ngày một tuần, sex có thể cặp đôi hoặc cặp ba. Tình yêu không nhất thiết phải là giữa hai người với nhau. Nếu tình yêu 3.0, khiến ta trở nên thăng hoa hơn với phiên bản rực rỡ hơn của chính mình, thì đây chính là tình yêu mà ba bạn trẻ này lựa chọn.
Lợi ích lớn nhất của việc chấp nhận tình yêu kiểu mới với tất cả các cấu trúc đa dạng của nó là sự đồng thuận. Tất cả những người liên quan đều tán thành với nhau về việc tình yêu ấy phải được xây dựng ra sao. Và khi các biên giới bị phá bỏ thì vượt biên hay ngoại tình không còn là vấn đề nữa.
Ngoại tình, về bản chất, khiến người ta điên tiết và thù ghét không phải vì nó phi đạo đức về mặt xã hội. Xã hội từ bao nghìn năm nay chưa bao giờ thực sự coi đó là phi đạo đức. Nó khiến ta căm hận vì nó phản bội niềm-tin-cá-nhân. Ai cũng có quyền giận giữ khi đối tác vi phạm hợp đồng, bất kể đó đó là hợp đồng kinh tế hay hôn thú. Sự sự bội tín, sự dối trá, sự xanh vỏ đỏ lòng… đó mới là thứ khiến ngoại tình xấu xí chứ không phải sự xuất hiện của kẻ thứ ba.
Và vì thế, có lẽ ngoại tình sẽ mãi mãi tồn tại, và bao trái tim sẽ tiếp tục tan nát vì bội tình. Giải pháp lâu dài hơn có lẽ sự đổi thay xã hội, chấp nhận một sự thật khoa học rằng, con người chúng ta có trái tim rất rộng mở, và trái tim ấy nhìn tình yêu vô cùng đa dạng. Khi ấy, mỗi người sẽ có sự tự do tuyệt đối cho chính mình, có thể để đi tìm bạn tình phù hợp, miễn là có sự đồng thuận.
Bởi con người ở vị thế linh hoạt sinh học, sự chuyển hóa sang tình yêu 3.0 chắc chắn sẽ xảy ra, không sớm thì muộn. Vấn đề là, bao nhiêu người trong chúng ta đã sẵn sàng cho một tương lai như vậy?