Công ty dược sẽ không phải đối mặt với bất kỳ vụ kiện tụng nào liên quan đến tác dụng phụ của vắc-xin ngừa COVID-19
Một quản lý cấp cao của ‘ông lớn’ dược phẩm đã quốc gia Anh AstraZeneca đã xác nhận công ty sẽ không phải đối mặt với bất kỳ vụ kiện tụng nào liên quan đến tác dụng phụ của vắc-xin ngừa COVID-19 mà công ty sản xuất.
AstraZeneca là một trong 25 công ty dược phẩm trên khắp thế giới đang thử nghiệm các “ứng viên” vắc-xin ngừa đại dịch COVID-19 trên người
Theo kênh truyền hình Nga RT, AstraZeneca là một trong 25 công ty dược phẩm trên khắp thế giới đang thử nghiệm các “ứng viên” vắc-xin ngừa đại dịch COVID-19 trên người. Tổng giá trị các đơn đặt hàng mà công ty dược phẩm lớn nhất Anh này nhận được đã lên tới 91 triệu USD. Trong khi đó, chỉ với 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của AstraZeneca đã tăng vọt và đạt 12,6 tỷ USD trong bối cảnh cuộc cạnh tranh tìm vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu vẫn đang rất khốc liệt.
Tuy nhiên, bất chấp sự tham gia sản xuất và phân phối vắc-xin ngừa COVID-19 đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho công ty, AstraZeneca đã ra điều kiện đối với những quốc gia đặt hàng rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm trước bất kỳ tác dụng phụ nào của các sản phẩm vắc-xin. Nói cách khác, công ty sẽ được bảo vệ hoàn toàn khi xuất hiện những vụ kiện tụng liên quan đến các trường hợp người tiêm vắc-xin gặp biến chứng hay thậm chí là tử vong vì tác dụng phụ.
Trước đó, luật sư của AstraZeneca đã đề xuất điều kiện này trong hợp đồng ký kết với những nước đặt hàng. Công ty nhấn mạnh nếu không được đảm bảo sự bảo vệ về mặt pháp lý, họ sẽ không sản xuất vắc-xin. Theo nguồn tin tiết lộ, phần lớn các nước đã chấp thuận yêu cầu này.
Công ty không thể nhận lấy rủi ro nếu như 4 năm sau, vắc-xin mới xuất hiện tác dụng phụ
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Ruud Dobber – quản lý cấp cao AstraZeneca – cho hay: “Trong hợp đồng chúng tôi yêu cầu sự bảo đảm. Đối với phần lớn các nước, chấp nhận gánh vác rủi ro này trên vai là để phục vụ lợi ích quốc gia và có thể chấp nhận được. Đây là một tình huống hết sức đặc biệt. Công ty không thể nhận lấy rủi ro nếu như 4 năm sau, vắc-xin mới xuất hiện tác dụng phụ”.
Mặc dù ông Dobber từ chối tiết lộ tên các nước ký kết hợp đồng, song theo các thông tin đăng tải trước đó, có mặt trong danh sách là những cái tên quen thuộc như Anh, Mỹ.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là trong trường hợp có người tiêm vắc-xin bị ảnh hưởng hay thậm chí mất mạng do tác dụng phụ của sản phẩm, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và bồi thường cho họ?
Một số quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Thụy Điển và Italy đã thành lập các quỹ cộng đồng đặc biệt để bồi thường cho những người bị ảnh hưởng do tác dụng phụ của vắc-xin. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến khích các nước thành lập mô hình trích thuế thu nhập để hỗ trợ cho những trường hợp biến chứng vì vắc-xin.