Số ca nhiễm Covid-19 và tử vong mới ở Ấn Độ cao nhất thế giới, WHO cảnh tỉnh toàn cầu, nói khẩu trang là biểu tượng đoàn kết
Ngày 3/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, bất chấp có những hy vọng mạnh mẽ về việc tìm ra một loại vaccine phòng Covid-19, có thể không bao giờ có ‘phép mầu’ đối với đại dịch Covid-19.
Theo Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, có thể không bao giờ có “phép mầu” đối với đại dịch Covid-19. (Nguồn: AFP)
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sỹ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Không có một phép mầu nào vào lúc này và có thể không bao giờ có”.
Bên cạnh đó, ông Tedros hối thúc tất cả các quốc gia và người dân trên thế giới chủ động tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay và xét nghiệm phát hiện sớm Covid-19, cho rằng đây chính là lúc mà khẩu trang trở thành biểu tượng của tình đoàn kết trên toàn thế giới.
Quan chức WHO cảnh báo chặng đường trước mắt sẽ còn dài, đòi hỏi mỗi người dân và mỗi quốc gia cần phải luôn cảnh giác và có các biện pháp phòng tránh, ứng phó bền vững.
Tuyên bố của ông Tedros đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu chưa hề có dấu hiệu giảm
Tính đến 6h ngày 4/8, theo Worldometers, thế giới ghi nhận 18.424.272 người mắc bệnh, trong đó có 696.593 trường hợp tử vong và 11.658.818 bệnh nhân bình phục.
Trong số 6.068.861 bệnh nhân còn đang nhiễm Covid-19, có 64.709 trường hợp nặng, nguy kịch.
5 quốc gia có nhiều số ca mắc bệnh nhất lần lượt là Mỹ (hơn 4,85 triệu ca), Brazil (hơn 2,75 triệu ca), Ấn Độ (hơn 1,85 triệu ca), Nga (hơn 856.000 ca) và Nam Phi (hơn 516.000 ca).
Đáng chú ý, trong ngày 3/8, Ấn Độ là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 và tử vong tính theo ngày cao nhất thế giới, lần lượt là 50.629 và 810.
Tính theo khu vực, Bắc Mỹ có tổng số ca mắc cao nhất (hơn 5,7 triệu ca), tiếp đến là châu Á (hơn 4,52 triệu ca), Nam Mỹ (hơn 4,28 triệu ca), châu Âu (hơn 2,92 triệu ca), châu Phi (hơn 972.000 ca) và châu Đại Dương (hơn 20.000 ca).
Tình hình dịch bệnh có dấu hiệu dịu xuống tại một số quốc gia điểm nóng của châu Á. Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), quốc gia này có thêm 23 ca mắc mới, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng – mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc đến nay là 14.389 người trong đó tổng số ca được chữa khỏi lên 13.280 trường hợp.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) thông báo ghi nhận thêm 43 ca mắc mới ở Trung Quốc đại lục trong 24h qua, bao gồm 7 ca nhập cảnh và 36 ca lây nhiễm cộng đồng, thấp hơn con số 49 ca được ghi nhận một ngày trước đó. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.428 ca mắc và 4.634 ca tử vong do Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, New Zealand thông báo kế hoạch đi lại “nội khối” giữa nước này và Australia sẽ bị hoãn ít nhất vài tháng tới và kế hoạch trên chỉ có thể thực hiện khi Australia có 28 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.
New Zealand đã trải qua hơn 90 ngày không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng
Cho đến nay đảo quốc Nam Thái Bình Dương với 5 triệu dân này ghi nhận tổng cộng hơn 1.200 ca mắc và hiện chỉ còn 27 ca dương tính đều là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và đang ở trong các khu cách ly.
Trong khi đó, tại Australia, chính quyền bang Victoria – bang đông dân thứ hai của đảo quốc này, đã ra lệnh đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, hạn chế các dự án xây dựng cũng như hoạt động sản xuất xung quanh thành phố Melbourne – thủ phủ của bang.
Australia từng được coi là một trong những nước khống chế dịch tốt, với 18.361 ca mắc Covid-19 và 221 trường hợp tử vong, song hiện nước này đang đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh tại bang Victoria.
Tại Nhật Bản, kể từ ngày 3/8, các cửa hàng ăn uống cung cấp sản phẩm bia, rượu và cửa hàng karaoke tại thủ đô Tokyo sẽ phải rút ngắn thời gian kinh doanh, chỉ hoạt động đến 22h trong ngày, để ngăn chặn dịch lan rộng. Yêu cầu cắt giảm thời gian kinh doanh sẽ được thực hiện đến ngày ngày 31/8. Các cửa hàng đáp ứng yêu cầu của thành phố sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ doanh thu sụt giảm là 200.000 Yen (1.900 USD).
Trong khi đó, dịch dường như đang tăng tốc tại châu Phi. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho thấy, số ca tử vong liên quan tới Covid-19 ghi nhận tại châu lục đã vượt mốc 20.000 lên mức 20.661 ca trên tổng số 972.091 ca nhiễm bệnh.
Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất châu Phi với 516.862 ca nhiễm, tiếp theo là Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Morocco…Trong đó, Algeria (31.972 ca) và Morocco (26.196 ca) có số ca nhiễm mới đang tăng mạnh, thậm chí tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Các quốc gia châu Âu tiếp tục áp dụng các biện pháp thận trọng tránh dịch tái bùng phát. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn yêu cầu những người trở về Đức từ các nước có nguy cơ cao về Covid-19 sẽ phải xét nghiệm bắt buộc từ cuối tuần này.
Trong khi đó, hàng nghìn trẻ em tại miền Bắc nước này trở thành những học sinh đầu tiên tại châu Âu bắt đầu năm học mới trong ngày 3/8
Khẩu trang sẽ là vật dụng cần thiết hằng ngày cho 150.000 trẻ em quay trở lại trường học tại tỉnh Mecklenburg-Western Pomerania, bang đầu tiên của nước Đức mở cửa trở lại trường học sau kỳ nghỉ Hè.
Các quy định nghiêm ngặt trên được đưa ra để hạn chế sự lây nhiễm của dịch bệnh trong bối cảnh các ca nhiễm trên khắp nước Đức đã tăng trung bình hơn 500 mỗi ngày trong những tuần gần đây.
Chính phủ Ba Lan cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát giám sát người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang tại các cửa hàng.
Tại Pháp, việc đeo khẩu trang cũng đã trở thành quy định bắt buộc tại nhiều khu vực ở thành phố Nice, ở miền Nam hay thành phố Lille, ở miền Bắc. Thủ tướng Pháp Jean Castex đã hối thúc giới chức và người dân nước này không được chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, từ đó góp phần tránh được khả năng phải áp đặt một lệnh phong tỏa mới trên toàn quốc.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo sẽ triển khai hàng triệu bộ xét nghiệm có khả năng phát hiện SARS-CoV-2 trong vòng 90 phút tại các bệnh viện, viện dưỡng lão và phòng thí nghiệm nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm trong những tháng tới.
Giới chức y tế Cyprus cho biết, từ ngày 6/8 tới sẽ áp dụng quy định xét nghiệm SARS-CoV-2 bắt buộc đối với tất cả người từ Hy Lạp nhập cảnh Cyprus, sau khi số ca mắc tại Hy Lạp tăng mạnh trong tuần vừa qua.