Phim thậm chí là ‘cuốn cẩm nang gia đình’ mà phụ nữ phải xem
Thực tế và cuốn hút, bộ phim ’30 chưa phải là hết’ khiến khán giả theo dõi từng tập
Theo Sina, 30 chưa phải là hết đã trở thành bộ phim được quan tâm nhất mùa hè này tại Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo, các trang video lớn như QQ, hàng triệu khán giả bày tỏ cảm xúc, bình luận về các tình tiết của phim.
30 chưa phải là hết vốn là dự án phim nhỏ, ba nữ diễn viên đều là sao hạng B, không có tên tuổi nào thu hút truyền thông ngay từ đầu. Tuy nhiên, nhờ kịch bản tốt, chặt chẽ, mới lạ và diễn xuất chân thực của dàn diễn viên, bộ phim khiến bất kỳ cô gái nào cũng cảm thấy như có mình trong đó.
Ba nhân vật, ba kiểu phụ nữ điển hình
Trong phim, Giang Sơ Ảnh thủ vai nhân viên bán hàng cho nhãn hiệu lớn Vương Mạn Ni
Cô gái chưa kết hôn, luôn cố gắng trong công việc với khát khao tìm được người chồng phù hợp với mong muốn của mình, vừa có học thức, từng trải lại giàu có. Mạn Ni chính là hình ảnh của đa số các cô gái trẻ tự lập hiện nay.
Đồng Dao đóng vai Cố Giai, vợ giám đốc công ty sản xuất pháo hoa. Cố Giai là người mẹ hết lòng vì con trai, người vợ hoàn hảo chiều chồng lại tháo vát. Cô là tượng trưng của những bà nội trợ hiện đại. Khán giả thích thú khi thấy cô xử lý những kẻ bạo hành con mình, những quý bà giàu có nhưng rỗng tuếch, ham hư vinh, dằn mặt cô gái săn đón chồng mình…
Mao Hiểu Đồng đóng Chung Hiểu Cần, có công việc nhàn nhã lương bình thường, cuộc sống ít sóng gió. Cô và chồng phải học cách thích ứng với hôn nhân và việc hòa hợp bên cạnh nhau. Chung Hiểu Cần khiến nhiều cô gái ham chơi, mới lấy chồng và chưa sinh con nhận ra mình trong đó.
Bộ phim kể về cuộc sống của ba người phụ nữ trong đó nhấn mạnh đến cách họ đối mặt với khó khăn để làm giàu, lựa chọn bước ngoặt cho tình yêu
Những câu chuyện thường gặp như xin học cho con, phát hiện chồng ngoại tình, bạn bè chơi xấu, chồng vô tâm… được đưa khéo léo vào phim để tạo nên sự gần gũi với khán giả.
Nhưng điều khiến 30 chưa phải là hết thu hút là bởi tính chân thực trong nội dung và cách thể hiện mới lạ. Bạn bè của Cố Giai là những bà nội trợ giàu có. Mối quan hệ và cách họ sống ít khi được đưa một cách cụ thể lên màn ảnh như trong tác phẩm này.
Hiện tại, ở Trung Quốc, số người giàu tăng lên nhanh chóng, vậy các bà nội trợ gặp nhau để làm gì, họ nói gì với nhau, họ phân cấp và so bì ra sao, kết bạn thế nào khiến khán giả rất tò mò.
Bên cạnh đó, những “tiểu tam” được xây dựng trong phim cũng không đơn giản là xinh đẹp, quyến rũ như thường thấy. Thậm chí, Lâm Hữu Hữu còn không đẹp, giỏi giang bằng Cố Giai. Thế nhưng, cách cô ta lay động Hứa Huyễn Sơn khiến khán giả vừa căm tức vừa sợ hãi vì “cao tay”.
Ngoài ra, cả ba nhân vật chính đều không hoàn hảo
Cố Giai là người thông minh, tính cách quyết đoán, khéo léo, xử lý mâu thuẫn với chồng một cách tinh tế. Cô là người có chí tiến thủ, luôn cố gắng cải thiện chất lượng cuộc sống, vài lần cứu chồng khỏi rắc rối công việc. Cố Giai từng được tung hô là “người vợ trong mơ”, “bà nội trợ hoàn hảo”.
Tuy nhiên, cô cũng có những điểm yếu là sự hiếu thắng, cầu toàn, từ đó dẫn đến vợ chồng có những tranh cãi trong giải quyết công việc. Bên cạnh đó, Cố Giai gặp áp lực cạnh tranh, muốn cuộc sống của gia đình phải hoàn hảo vì vậy cô sống mạnh mẽ nhưng mệt mỏi.
Vương Mạn Ni là cô gái có quyết tâm, chăm chỉ trong công việc, thông minh. Nhưng điểm yếu của cô là khát khao tìm được một người đàn ông giàu có, hoàn hảo. Do đó, Mạn Ni dễ dàng rơi vào những cuộc tình phù hoa với lời đường mật của kẻ lọc lõi tình trường.
Xem phim, khán giả có cảm xúc mâu thuẫn với nhân vật này. Người xem yêu thích cô vì giỏi giang, hết lòng phục vụ khách hàng, không ít lần hóa giải nhưng chiêu trò bẩn thỉu của đồng nghiệp. Nhưng họ cũng khó chịu khi Mạn Ni luôn là nhân vật dễ bước chân vào sai lầm tình ái nhất vì mục tiêu theo đuổi trai giàu của mình.
Chung Hiểu Cần vô tư như cô gái nhỏ, tốt bụng nhưng ỷ lại
Cuộc sống không sóng gió khiến cô không suy nghĩ nhiều, giận là chia tay chồng, sau đó vẫn sống chung với nhau để giấu giếm bố mẹ vì sợ bị mắng.
Mỗi nhân vật có ưu khuyết điểm riêng. Cách họ giải quyết các vấn đề trong cuộc sống cũng có khi khiến khán giả không hài lòng. Tuy nhiên, khi xem phim, mọi người nhận ra, sẽ có lúc bạn rơi vào tình huống giống họ, phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn và vì vậy, 30 chưa phải là hết được coi là cuốn cẩm nang hôn nhân.
Những bài học hôn nhân
Cuộc hôn nhân được quan tâm nhiều nhất là của Cố Giai và Hứa Huyễn Sơn (Lý Trạch Phong đóng)
Họ là tầng lớp trung lưu, làm chủ công ty pháo hoa nhỏ. Cố Giai là người mẹ rất yêu thương con. Cô nói: “Cậu có biết ngày đầu tiên sau khi ở cữ xong tớ đột nhiên có cảm giác rằng Cố Giai đã chết rồi, người đang sống đây là mẹ của Hứa Tử Ngôn”.
Để con trai được đi học ở trường tốt, Cố Giai và chồng chuyển đến sống trong một căn chung cư sang trọng. Vì xin cho con vào trường, Cố Giai phải bày mưu nghĩ kế tiếp xúc với bà Vương giàu có ở tầng trên, thậm chí cô sẵn sàng xách giày cho bà.
Bên cạnh cô là anh chồng Hứa Huyễn Sơn lúc đầu là người đàn ông yêu vợ, chiều con. Tính cách của nhân vật này có chút vô tâm, trẻ con, có người vợ tháo vát, anh không lo việc nhà mà chỉ cố gắng điều hành công ty sản xuất pháo hoa. Cuộc sống của họ vốn rất hoàn hảo.
Nhưng khi công ty gặp khó khăn, Cố Giai càng tỏ ra mạnh mẽ, quyết đoán bao nhiêu, Hứa Huyễn Sơn càng bộc lộ sự yếu đuối bấy nhiêu. Dần dần, vai trò của hai người trong gia đình bị thay đổi. Với tính cách đàn ông sĩ diện, Hứa Huyễn Sơn nghĩ vợ không tôn trọng anh, coi anh là “đứa con trai lớn”. Từ đó, vợ chồng sinh ra khoảng cách, kẻ thứ ba được dịp chen chân vào.
Cuộc hôn nhân của Cố Giai tạo nên những màn tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc
Khán giả đặt câu hỏi: Cố Giai hoàn hảo, hết lòng vì gia đình là sai sao? Họ trách Hứa Huyễn Sơn không biết ơn vợ, không biết đủ với gia đình hạnh phúc lại đi quan hệ ngoài luồng.
Một khán giải bình luận: “Cuộc hôn nhân giống như kéo co, hai bên cùng kéo, Cố Giai kéo quá căng, Hứa Huyễn Sơn không theo kịp, sẽ thấy mệt mỏi với yêu cầu hoàn hảo của vợ. Đó là lý do hôn nhân rạn nứt”.
Bởi vậy, nhìn từ cuộc hôn nhân của Cố Giai, khán giả sẽ có thêm kinh nghiệm, cái nhìn mới về các vấn đề trong cuộc sống ví dụ như tiếp tục là bà nội trợ đứng sau lưng chồng, chỉ cần lo dạy con, vui vẻ mua sắm hay cùng chồng gánh vác công việc…
Với những người phụ nữ săn đón chồng mình tại công sở thì nên giải quyết ra sao, giải quyết mối quan hệ với các bậc phụ huynh ở lớp của con như thế nào, với bạn bè giàu có nên đối xử ra sao…
Cuộc hôn nhân của Chung Hiểu Cần không có nhiều sóng to gió lớn nhưng cũng có những bài học đáng nhớ
Cô từng nói: “Nếu bắt buộc phải mô tả cuộc sống của tôi và Trần Dữ thì tôi nuôi mèo, anh ấy nuôi cá”. Họ như hai người góp gạo thổi cơm chung, ít đồng cảm, một phần nào đó giống với những cặp quan tâm tới sở thích riêng còn hơn cả cuộc sống chung dù đã kết hôn.
Sau khi sảy thai, ly hôn, Chung Hiểu Cần và Trần Dữ nhanh chóng hối hận. Họ vẫn quan tâm đối phương nhưng không ai nhường ai chỉ vì không muốn nhận thua.
Cặp đôi xây dựng hình ảnh những vợ chồng trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của gia đình, sống bốc đồng và có phần ích kỷ. Những quyết định chóng vánh, những lời nói làm tổn thương người kia được đưa ra khi tức giận. Với tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, Trương Anh Cơ muốn đưa đến lời cảnh tỉnh cho giới trẻ.
QQ đánh giá 30 chưa phải là hết là tác phẩm hiện thực hiếm hoi có chất lượng của màn ảnh Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Bộ phim không tô hồng cuộc sống mà xây dựng nên các nhân vật đa chiều với những vấn đề mà ai cũng dễ gặp phải. Tình người, tình bạn, tình yêu hôn nhân được thể hiện rất sâu sắc trong phim.