Tôi, người viết bài này, là vợ của một người thợ điện, tôi viết bằng những suy ngẫm của một ‘người trong cuộc’, chia sẻ về gia đình của những người làm thợ điện. Tôi viết nhân một ngày nghỉ trong khi các anh vẫn phải đang phơi mình giữa cái nắng bỏng da cháy thịt để bảo vệ dòng điện.
Trong cuộc sống, có lẽ mỗi người chúng ta đều có những thời điểm bước ngoặt. Với tôi cũng vậy, một trong những thời điểm quan trọng nhất đối với tôi đó chính là ngày tôi bước chân vào ngành điện, gia nhập cùng đại gia đình PC Phú Yên. Đây là nơi tôi đang nỗ lực từng ngày cho công việc, nơi tôi gặp gỡ, xây dựng gia đình cùng với một anh thợ điện.
Trước khi vào ngành, ấn tượng của tôi về các anh thợ điện chỉ là những khuôn mặt khắc khổ, sạm đen nắng gió, có vẻ gì đó rất lạnh lùng và khó gần. Đã vậy, các anh còn khoác trên mình bộ quần áo mang một sắc cam chói chang. Đến khi được làm việc trong ngành điện, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, mọi ấn tượng ban đầu về các anh là hoàn toàn sai lầm. Các anh là những người thợ vui vẻ, yêu đời, tốt bụng và hay giúp đỡ người khác.
Rồi duyên số đưa đẩy, tôi nên duyên cùng với một trong những anh thợ điện ấy. Cách quan tâm và thể hiện tình cảm của anh không màu mè, không hoa mỹ, cứ mộc mạc và chân thành khiến tôi đem lòng yêu thương từ lúc nào không hay.
Mặc dù làm việc chung trong đơn vị, công việc của một anh thợ điện tôi hiểu hơn ai hết, nhưng thời gian đầu kết hôn, tôi vẫn không sao tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi thường xuyên phải lủi thủi một mình ở nhà. Và tôi lại phải làm quen lại từ đầu với công việc vất vả và không có giờ giấc cố định của anh. Thỉnh thoảng, anh cũng được có một ngày nghỉ để cùng tôi đi gặp gỡ gia đình, bạn bè. Đối với những gia đình bình thường khác, những khoảng thời gian như vậy chắc hẳn rất bình thường nhưng với tôi nó vô cùng quý giá. Niềm vui đơn giản ấy lắm lúc cũng không được trọn vẹn. Tận hưởng và vui vẻ ngoài mặt vậy thôi nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng hồi hộp bởi chỉ cần có một cú điện thoại báo “sự cố lưới điện” là anh lại nhanh chóng chạy ngay ra chỗ làm.
Và cứ thế, ngày nối tiếp ngày, với một tâm hồn nhạy cảm của phụ nữ, đôi lúc tôi cũng không tránh khỏi những giây phút chạnh lòng, hờn dỗi. Rồi mọi việc cũng được thích nghi dần theo thời gian, tôi không còn bị ảnh hưởng bởi những cơn sóng lòng khi được hỏi “Chồng đâu?”. Và mọi người xung quanh cũng không còn ngạc nhiên hỏi lại tôi: “Ngày nghỉ mà cũng đi làm sao?” mỗi khi tôi trả lời: “Chồng đi làm”.
Rồi cũng như bao gia đình khác, chúng tôi hân hoan đón thêm thành viên mới. Ngoài việc vui vẻ và hạnh phúc, nhưng cũng từ đây cái cảm giác chỉ có một mình cũng quay trở lại với tôi. Gia đình có thợ điện trong nhà đã thiệt thòi, các anh thợ điện càng thiệt thòi hơn khi không có nhiều thời gian để ở bên cạnh, chăm sóc và chứng kiến con lớn lên hàng ngày. Anh nhà tôi đã phải bỏ lỡ biết bao thời khắc quan trọng của con để cống hiến hết mình cho công việc.
Tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện khá buồn cười khi tôi hay một mình đưa con trai đi cắt tóc. Vì thường xuyên đến nên anh chủ tiệm cũng dần quen mặt. Đến lúc thân quen hơn, anh có hỏi tôi: “Em làm mẹ đơn thân à?”. Một câu hỏi mà khiến tôi ngớ ra và không biết trả lời như thế nào. Thế là lần cắt tóc sau của con trai, phải chờ cho tới khi chồng tôi thực sự rảnh rỗi cùng tôi đưa con tới tiệm, “giới thiệu” họ tên, nghề nghiệp để người ta biết tôi không phải là mẹ đơn thân. Câu chuyện khi kể lại có phần hài hước nhưng thật sự vẫn lẩn khuất trong tôi nỗi chạnh lòng.
Nhưng hơn ai hết, là một người vợ và cũng là người đồng nghiệp, tôi hiểu lắm cái công việc nhọc nhằn, vất vả lại tiềm ẩn bao hiểm nguy của anh. Đối với các anh, sự bình yên của dòng điện luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, cho dù phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế nào, người thợ điện vẫn luôn cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ. Giữa những cái nắng đổ lửa của dải đất miền Trung, các anh thợ điện vẫn phải chót vót trên các cột cao, hiến mình cho con nắng dữ dội và nhận lại làn da rát bỏng, khét mùi nắng, tất cả vì dòng điện.
Mùa nắng vất vả một thì tới mùa mưa bão các anh lại cực khổ hơn gấp trăm lần. Để chuẩn bị trước bão, việc nhà tạm gác lại, các anh phải ứng trực 24/24. Sau bão thì các anh phải oằn mình xử lý thiệt hại. Những ngày này, các anh gần như biến mất khỏi gia đình khi vội vã đi làm từ sáng sớm và về đến nhà khi mọi người đã yên giấc.
Còn nhớ sau cơn bão lịch sử năm 2019, tỉnh Phú Yên là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khắp nơi như chìm trong cảnh hoang tàn đổ nát, cây xanh bật gốc oan nghiệt, những trụ điện gãy đổ nằm la liệt khắp nơi gây mất điện trên diện rộng, mọi hoạt động dường như tê liệt. Không cần ai nhắc nhở, anh thợ điện nhà tôi tự nguyện xách túi đồ nghề nhanh chóng lên đường. Nhìn thấy sự lo lắng trong mắt tôi vì bao nguy hiểm đang rình rập, anh động viên: “Anh đi kiểm tra tí rồi về thôi”. Vậy mà, một tí của anh bắt bầu từ sáng sớm cho tới tối mịt. Cứ liên tục trong nhiều ngày như vậy, đôi mắt của anh lại được dịp thêm trũng sâu, đôi vai gầy lại hao mòn thêm bởi nắng, gió. Cảm phục thay những nghị lực phi thường của anh!
Chẳng còn biết anh đang ở phương trời nào, tôi chỉ còn cách theo dõi trên các trang mạng xã hội những hình ảnh được người dân chụp lại khi các anh thợ điện đang oằn mình cứu điện. Và tim tôi như thắt lại khi xem đến tấm hình có một nhóm công nhân đang cởi trần, đầm mình dưới ruộng nước ngập tới cổ. Chồng tôi đó! Nỗi thương cảm trong tôi chợt dâng trào đỉnh điểm, rồi những giọt nước mắt không kiềm lại được. Và tôi cứ phải ngước mặt lên trời, ngô nghê tin rằng nước mắt sẽ thấm ngược lại vào bên trong vì không muốn con thấy mình khóc.
Vậy đó, gia đình những người thợ điện luôn khuyết mất hình ảnh người cha, người chồng là như vậy đó. Các anh phải gác bỏ việc riêng tư, tạm quên tổ ấm gia đình để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ người dân được một niềm vui trọn vẹn. Vẫn biết có chút thiệt thòi, nhưng các mẹ, các chị ơi, hãy luôn vững tin, tạo điều kiện cho các anh hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Những người đàn ông của chúng ta đang làm một công việc rất đáng tự hào, tuy chỉ diễn ra trong thầm lặng nhưng mang về giá trị rất lớn cho cộng đồng.
Thông qua những tâm sự này, tôi những mong các bạn hãy thấu hiểu và chia sẻ, cũng như có cái nhìn công tâm hơn về ngành điện – một ngành có quá nhiều áp lực và bộn bề những nỗi vất vả, gian truân.