Má lấy bánh tráng nhúng nước trải ra cái mâm nhôm rồi bới cơm để lên, chan sẵn ít nước mắm và cuốn lại. Đó là bữa trưa của ba má khi đi làm đồng
Từ món ăn chơi đến món ăn no, TP HCM đều không thiếu nhưng cảm thấy ấm lòng khi thỉnh thoảng nhận được một món quà quê. Khi thì nải chuối, lúc vài ràng bánh tráng, lít nước nắm hay chục trứng gà so… Những món quà không đáng bao tiền nhưng người ta vui vì tấm lòng thơm thảo từ quê nhà dành cho người xa xứ.
Trong nhiều thứ “cây nhà lá vườn” mà người thân, bạn bè gửi, món nào tôi cũng trân quý nhưng ưng nhất vẫn là nước mắm, bánh tráng và cá nục, là đủ nguyên liệu để tôi làm món bánh tráng cuốn cơm – món đồng hành với gia đình tôi suốt quãng đói kém.
Món bánh tráng cuốn, người nghe thoạt nghĩ bên trong nào là thịt, tôm, cá, rong biển hay rau, củ xắt nhuyễn bảo đảm cân bằng dinh dưỡng với đạm, xơ, vitamin… Giải thích thêm, cuốn này là cuốn nguyên cái bánh chứ không phải cắt làm tư, làm tám rồi bỏ vào bên trong đủ món sơn hào hải vị như ở nhà hàng tây, tàu bây giờ.
Bạn bè tôi, cả người sành ăn cũng từng nghĩ như thế nhưng nào phải, chỉ có bánh tráng, nước mắm và cơm nguội, năm thì mười họa mới có được ít cá kho hay trứng đổ chả (trứng chiên). Ấy là nói về quãng hơn 30 năm trước, thuở con cá, lát thịt là thứ xa xỉ trong bữa ăn của những gia đình nghèo trong làng.
Mùa lúa chín vàng ươm bờ hay mùa hạn đồng khô cháy, cứ gà gáy đầu là má dậy nhóm lửa bắc nồi cơm. Bánh tráng sẵn có trong nhà từ hôm đổi gạo, má lấy nhúng nước trải ra cái mâm nhôm rồi bới cơm để lên, chan sẵn ít nước mắm rồi cuốn lại. Má khéo tay, cuốn cái nào ra cái đó tròn đều, không bị rách. Cuốn xong, má rọc lá chuối cuộn lại bỏ vào trong chiếc giỏ nhựa để giữ mềm và dẻo, kèm bình bi đông nước. Đó là bữa trưa của ba má khi đi làm đồng.
Có người gọi món ấy với cái tên ngồ ngộ, vui vui là “kèn nhôm”. “Kèn nhôm” của nhà nghèo, đúng nghĩa khi bên trong không có gì ngoài cơm. “Kèn đồng”, tức bánh mì, là của nhà giàu.
Lên trung học, chị em tôi phải vào thị trấn cách nhà khoảng 8 cây số để học. Những ngày học thi ở lại buổi trưa thì mang theo bánh tráng cuốn cơm, chỉ cơm và mắm như thế, thi thoảng mới có con cá chia đều mấy cuốn. Ăn no đã là may chớ trông mong gì, cũng chẳng thèm để ý bạn bè phân biệt chia nhóm “kèn nhôm”, kèn đồng”.
Mà nói thiệt, ăn thiếu chất nên lần đi về ngang tủ bánh mì, mùi thơm từ nước thịt bốc lên xộc vào mũi mà không kiểm soát được tuyến nước bọt. Lần thèm quá, tôi đánh liều ghé vào mua ổ bánh mì không, tính xin ít nước thịt chan vào nhưng chưa kịp hỏi thì cô chủ đã làm, còn có mấy miếng thịt mỡ xíu xiu theo nước nữa. Vậy thôi mà đã cái thèm.
Người Phú Yên quê tôi, nhà có đám tiệc hay ra quán xá đều có bánh tráng, cả bánh nướng và bánh sống (nhúng nước). Bánh tráng cuốn đồ xào (lòng gà hoặc thịt ba chỉ xào đậu que với bún gạo), cá hấp, thịt luộc… cho vào ít rau sống chấm mắm pha thì “hết sảy”. Nếu bẻ vụn bánh tráng nướng cho vào cuốn lại thì ngất ngây với đủ mùi của rau thơm, béo béo của thịt thà và mùi thơm của bánh tráng nướng… Đó là nói ở cái thời có chút thong thả, tạm đủ ăn đủ mặc chứ những năm trước đó, có bánh tráng cuốn cơm chan mắm đã là ngon lành.
Trở lại chuyện món ăn “kèn nhôm”. Còn nhớ, có lần một người trong xóm đi cắt lúa vần công được đãi nửa buổi món bánh tráng cuốn cơm, bên trong có ít cá nục kho. Ông ăn mà hít hà, tấm tắc khen ngon, đòi ăn nữa. Chủ nói chỉ còn nước cá, bánh tráng và cơm, vậy mà ông ăn thêm hai cuốn nữa. Ăn xong mọi người đi gánh lúa, còn ông phải vào bụi nằm vì no… tức cái bụng.
Hiện trong làng vẫn duy trì làm vần công nhưng việc cho ăn nửa buổi gần như không còn nữa. Nếu có thì đó là thơm thảo của chủ, mà cũng sang trọng hơn, bữa ăn có chất hơn với cháo, bánh hỏi lòng heo, bún cá… chứ chẳng ai đãi “kèn nhôm”. Mà có đãi cũng chẳng có người ăn.
Tháng 6 TP HCM nắng rát da, bữa cơm thịt, cá đủ đầy mà chẳng buồn ăn, lại thèm món “kèn nhôm”. Phải lúc trong nồi còn ít cá nục điếu kho, bánh tráng má vừa gửi, liền nhúng bánh cuốn cơm. Lâu rồi không làm nhưng vẫn gọn gàng đều tay, còn bảo đảm tính thẩm mỹ. Một bữa no, một bữa ngon rất… nhà quê gợi nhớ bao ký ức.