Vừa mất chồng sau một tai nạn, lại chịu tiếng oan bán tạng chồng để lấy hàng trăm triệu… người phụ nữ sinh năm 1987 vẫn vượt lên, là chỗ dựa cho 3 con nhỏ và mẹ chồng không còn minh mẫn.
– Sắp tới chị mà được bố cho tim sẽ về nhà mình, chơi với Đạt đấy.
– Chị C. hả mẹ?
– Ừ, bố con mất rồi nhưng tim bố vẫn sống, vẫn đập trong người của chị Chi, con ạ.
Đó là cuộc nói chuyện của chị Giang và cậu con trai 5 tuổi, tên Đạt, trong căn nhà cấp 4 ở Hiệp Hòa, Bắc Giang vào lúc nửa đêm.
Chị Nguyễn Thị Giang là vợ anh Ngọ Văn Soái – người mất trong một tai nạn giao thông vào ngày 29/9/2019. Phần mô, tạng của anh đã được cấy ghép cho 1 bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối; 1 người bị xơ gan đã hôn mê và hai bệnh nhân phải chạy thận.
Gần 1 năm sau ngày đó, nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai với những người còn ở lại.
“Có hôm con trai út mất ngủ, cháu bảo: “Ước gì có bố ở đây để bố gãi lưng cho con”. Thường ngày, chồng tôi vừa gãi lưng vừa hát ru con ngủ nên nó rất quấn bố. Nghe con nói, nước mắt tôi lại chảy dài”, chị Giang kể lại.
“Có những lúc, tôi chỉ muốn đi theo anh ấy”
Theo lời chị Giang, chồng chị là chỗ dựa về kinh tế và cả tinh thần cho cả gia đình nên thời gian dài sau khi anh ra đi, chị đã rất chông chênh.
Hai vợ chồng kết hôn năm 2006, khi anh 25 tuổi, chị 20. Trong một lần đi ăn cỗ, họ gặp gỡ và làm quen. Biết anh là người có học, hiền lành nên anh ngỏ lời, chị gật đầu. Cảnh nghèo khó vẫn khiến chị nhớ mãi, khi để đủ tiền cưới vợ anh phải cắm xe máy, vay mượn khắp nơi.
Nhà anh Soái có 6 chị em, anh là con trai út. Khi về làm dâu, bố mẹ chồng chị Giang đều ngoài 70 tuổi, mẹ chồng chị bắt đầu không còn minh mẫn. Bà không tự chủ được việc ăn cơm, vệ sinh nên hai vợ chồng đều phải thay nhau chăm lo.
Năm 2007, con trai đầu lòng của họ chào đời, lần lượt sau đó năm 2009 và 2015, họ sinh thêm 2 con.
Biết vợ phải chăm sóc 3 con và bố mẹ chồng đau yếu nên anh Soái cố gắng làm việc để chị không phải vất vả kiếm tiền. Với nghề lắp điện, nước dân dụng, anh phải nuôi cả gia đình có 7 người.
“Nửa năm trước ngày anh mất, tôi nói mãi anh mới đồng ý cho vợ đi làm công nhân. Mỗi ngày làm việc và đi lại mất 14 tiếng, tôi về nhà khi trời đã tối mịt. Việc chăm con, mẹ già đều do anh đảm nhiệm”.
Đêm trước ngày gặp tai nạn, anh còn chia sẻ với vợ đầy hi vọng rằng, nếu Tết này anh lấy được khoản tiền công, họ sẽ sửa nhà. Căn nhà hiện tại đã quá cũ. Nhưng mọi việc đều thành dang dở…
Điều khiến chị Giang đau đớn không chỉ là vì mất chồng sau vụ tai nạn mà còn là những điều tiếng khi gia đình chị quyết định hiến mô, tạng của anh.
“Có một lần bé C. – cháu bé được nhận tim của chồng chị ở Lạng Sơn, về chơi cùng gia đình tôi. Tôi đăng ảnh lên facebook để sau này các con lớn lên và biết rằng, bố đã mất nhưng tim của bố vẫn sống trong hình hài những người khác. Vậy mà có người vào nhắn tin hỏi tôi: “Bán tim chồng được bao nhiêu tiền?”.
Con trai chị đi học cũng phải chịu dị nghị rằng, mẹ em đã bán nội tạng bố để lấy tiền. Em bật khóc ngay ở trường.
“Sau này, khi Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho chồng tôi, nhiều người mới hiểu và con trai – cháu càng tự hào hơn về người đã sinh ra mình”, chị nói.
Cú sốc vì chồng qua đời và những điều tiếng đã làm chị Giang gục ngã. Nhiều tháng liền chị đóng cửa ở trong nhà, một thời gian dài không ăn uống, chị gầy rộc, chỉ còn 38kg.
“Đã có lúc quá đau đớn, tôi chỉ muốn đi theo anh ấy. Có những ngày tôi nấu cơm cho con ăn mà đổ nước mắm vào nồi cơm, có những hôm đưa xe đi đổ xăng rồi không biết đi đâu, hết xăng lại dắt bộ về nhà.
Nhưng khi người chị chồng nhắc tôi: “Cậu bỏ lại cho mợ gánh nặng như vậy mà mợ lại không vững vàng thì ai lo cho các cháu?”, tôi đã tỉnh ra”.
“Vì con tôi phải đứng dậy”
Không thể làm ở công ty vì mất nhiều thời gian, chị Giang chọn các công việc bán thời gian để có điều kiện chăm sóc 3 con. Hiện, chị làm cho xưởng nước gần nhà với mức lương 2-3 triệu đồng/tháng và tư vấn bảo hiểm cho khách hàng.
“Một lần, ngày 5/5 âm lịch vừa rồi, tôi đi làm từ Bắc Ninh về nhà quá giờ trưa, nhìn nhà nào cũng sum vầy ăn uống, 3 đứa con mình thẫn thờ đợi mẹ về, chỉ muốn chảy nước mắt. Thương con, tôi gắng làm để bốn mẹ con có đủ cái ăn”.
Bù lại, 3 đứa con chị đều thương và hiểu hoàn cảnh của mẹ. Những hôm chị bận làm, bữa cơm chỉ có quả cà, bát rau muống và bìa đậu nhưng các em vẫn ăn ngon lành.
“Những ngày hết tiền, tôi bảo con: “Mẹ không thể vay để ăn được, như vậy chỉ còn nước bán nhà mà trả nợ. Mẹ muốn cho các con ăn ngon nhưng không có điều kiện, khi nào có tiền mẹ mua món ngon cho con. Các cháu có ý thức lắm, chưa một lần đòi hỏi.
Thậm chí, cu út còn an ủi mẹ: “Mẹ không phải lo, phải buồn, sau này con xây cho mẹ ngôi nhà tỉ tầng. Chả biết cháu nghe đâu ra bảo “ngôi nhà tỉ tầng”, chị bật cười trong nước mắt.
Những ngày chị đưa con đi làm cùng ở xưởng nước đóng chai, thấy mẹ rửa bình mệt, Đạt cũng nói: “Mẹ ngồi đây nghỉ đi, mệt thì con rửa cho”.
Không chỉ chăm các con, người mẹ chồng nay được bác cả đón về chăm nom cũng được chị quan tâm. “Mỗi lần mẹ đau ốm, dù không có nhiều tôi vẫn muốn cùng các anh lo cho mẹ. Tôi thương mẹ và cũng muốn thay chồng tôi lo cho bà như ngày còn sống anh đã làm”.
Bàn thờ của anh Soái khá đơn giản, nổi bật là lọ sen hồng được vợ anh hái khi trên đường đi làm về.
“Ngày còn sống, anh bảo: “Kỷ niệm 10 năm ngày cưới, gia đình mình sẽ đi chụp lại bộ ảnh cưới cùng 3 con”.
Đến hẹn 10 năm mà không đủ tiền để chụp, anh lại bảo “Chờ anh đến dịp 15 năm em nhé”.
Năm sau, tròn 15 năm như lời anh nói, dẫu có đủ tiền thì người lại không còn”, nhắc đến đó, chị Giang òa khóc.