Đó không phải là hình ảnh nông dân bên trời Tây mà là tại Việt Nam, nơi những cánh đồng lúa ở ĐBSCL đang được dự án VnSAT đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại
“Có xe hơi đang chạy tới kìa tụi mày ơi… Ra đây xem xe hơi đẹp quá tụi mày ơi…” Thấy chiếc xe ôtô chạy tới, đám trẻ con gia đình các hộ nông dân đang vui chơi trước sân nhà bỗng reo lên, ùa ra đường đuổi theo.
Đó là hình ảnh đồng quê rất thanh bình mà chúng tôi ghi lại được khi cùng với anh Phan Văn Nhơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Thương mại Bình Hòa (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đi ra thăm ruộng lúa.
Con đường bờ Tây kênh 2 tháng 9, xuyên giữa cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái, rau màu, có diện tích khoảng hơn 1.000 ha của HTX mới được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Đồng Tháp đầu tư làm lộ nhựa.
Không chỉ được đầu tư lộ nhựa nối với đường giao thông nông thôn, mà dựa án VnSAT còn đầu tư cho HTX Bình Hòa trạm biến thế, hệ thống bơm tưới bằng điện, kiên cố hóa cống máng… Cở sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã giúp cho HTX chủ động trong việc trồng lúa, tiêu thụ sản phẩm, cũng như chuyển đổi sản xuất hiệu quả.
Khi xe dừng bên trạm biến thế, anh Nhơn bước xuống, chỉ với thao tác ấn nút là hệ thống bơm điện hoạt động, nước cuồn cuộn chảy vào ruộng. Sau đó, vị giám đốc HTX Bình Hòa lội xuống ruộng kiểm tra sự phát triển của cây lúa, xem có sâu bệnh, dịch hại gì không.
“Trước đây, con đường này mùa mưa lầy lội, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản. Con em nông dân trong vùng đi học cũng rất khó khăn.
Từ khi được dự án VnSAT đầu tư cho con đường này, giao thông, giao thương đã được thuận lợi cả trong mùa mưa nắng, bộ mặt nông thôn cũng đẹp hẳn lên. Chỉ cách đây vài năm, không ai nghĩ trong khu ruộng lúa mà xe ôtô có thể đi tới dễ dàng”, Giám đốc Phan Văn Nhơn tự hào nói.
Theo ông Nhơn, HTX Nông nghiệp Bình Hòa được thành lập năm 1998, có quy mô diện tích hơn 1.000 ha, với 1.200 xã viên, có thể sản xuất 3 vụ lúa/năm.
Cuối năm 2015, HTX được VnSAT Đồng Tháp chọn để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa, như: “3 giảm, 3 tăng” và “ 1 phải, 5 giảm”… Số lượng tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân ngày một tăng. Bình quân mỗi năm HTX tập huấn khoảng 50 lớp, thông thường mỗi lớp có khoảng 35-40 nông dân tham gia học tập.
Ông Trần Văn Lý, thành viên của HTX Bình Hòa, sản xuất 3 ha lúa phấn khởi cho biết: “Kể từ ngày tham gia lớp học tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “ 1 phải, 5 giảm” về áp dụng thấy hiệu quả trong canh tác lúa, đem lại hiệu quả rõ rệt, cho lợi nhuận tăng thêm 30%/vụ.
Cụ thể vụ lúa Đông Xuân vừa qua, năng suất lúa đạt gần 1 tấn/công, bán giá trên 5.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các chi phí lợi nhuận từ 2,3- 2,5 triệu đồng/công. So với trước đây, sản xuất theo truyền thống cũ chỉ đem lại lợi nhuận từ 1,6-1,8 triệu đồng/công là cao nhất. Còn những năm gặp sâu bệnh nhiều chi phí bỏ ra cao, lợi nhuận còn khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/công”.
Đường nhựa bờ Tây kênh 2 tháng 9 của HTX Bình Hòa dài 3,5 km, rộng 3,5 m do dự án VnSAT đầu tư chạy thẳng tắp, xe ô tô chạy ra tận đến tận ruộng, học sinh không còn sợ cảnh bị ngập lũ trong mùa nước nổi để đến trường hay sình lầy mùa vào mưa.
Xe cộ có thể chạy giao thương hàng hóa thuận lợi. Nhờ con đường mà người dân nơi đây bắt đầu xây dựng các nhà tường kiên cố nằm cặp bên đường để sinh sống và buôn bán tạp hóa nhỏ.
Bên cạnh đó, con đường còn góp phần vào thay da đổi thịt cho miền quê xã Bình Thành, sớm đưa Thanh Bình về đích đạt xã nông thôn mới.
Không chỉ ở Đồng Tháp, đi khắp các tỉnh ĐBSCL từ An Giang, Hậu Giang… đến Kiên Giang, những nơi được dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hạ tầng đều thay da đổi thịt, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững.
Nhiều tổ chức nông dân hưởng lợi
Ông Phan Văn Nhơn – Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Hòa cho biết: Nhiều năm nay HTX hưởng lợi rất nhiều từ chương trình VnSAT, đặc biệt được đầu tư cơ sở hạ tầng khá lớn như: Đầu tư hệ thống trạm bơm điện khá hiện đại phục vụ hơn 200 ha sản xuất lúa thuận lợi không lo về nước tưới, đầu tư lưới điện 3 pha và con đường nhựa dài 3,5 km… tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng kiên cố và hiện đại đã giúp cho HTX mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất lúa gò cao kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái. Các cây chuyển đổi chủ yếu là mít, xoài, nhãn, chuối, cam… Việc chuyển đổi này đã giúp cho nông dân tăng thêm thu nhập gấp 3-5 lần so với trồng lúa.
Từ những kết quả đó, ông Nhơn tự hào nói: “Gần 2 năm nay các thành viên trong HTX không còn ai là hộ nghèo, giờ đang trên đà vươn lên khá, giàu đều nhờ vào sự đầu tư hiệu quả từ Dự án VnSAT Đồng Tháp”.
Trong thời gian tới, lãnh đạo HTX Bình Hòa cũng đề nghị VnSAT cần hỗ trợ thêm cho HTX về các hạng mục đang thiếu như hệ thống máng bơm nước bằng bê tông, đầu tư thêm các hệ thống máy bơm điện thủy lợi, lò sấy và nhà kho để HTX đi vào hệ thống khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Xa hơn nữa HTX sẽ phấn đấu xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa an toàn, xây dựng thương hiệu gạo sạch kết nối với danh nghiệp hướng đến xuất khẩu, vươn xa hạt gạo của HTX Bình Hòa nói riêng và lúa gạo Đồng Tháp nói chung.
Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đồng Tháp cho biết, dự án VnSAT đầu tư tại Đồng Tháp trên địa bàn các huyện, thành phố, gồm: Tháp Mười, Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự, Tâm Nông và Cao Lãnh.
Từ khi triển khai cho đến nay, lũy kế đã đào tạo được 519 lớp theo gói kỹ thuật chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, với 19.416 lượt hộ tham dự, tương ứng với diện tích canh tác 32.900 ha.
Ngoài ra, còn đào tạo nâng cao khác cho các tổ chức nông dân được 37 lớp, với 1.716 học viên tham dự. Các nội dung tập huấn là về phương án sản xuất kinh doanh, quản trị tài chính, tập huấn tuyên truyền, tư vấn thành lập HTX, tập huấn sản xuất phân hữu cơ, tập huấn và triển khai mô hình luân canh cây trồng trên 2 đối tượng là bắp và ớt.
Tập huấn, hội thảo cho cán bộ tỉnh, huyện và các hoạt động chuyên môn khác như đánh giá tác động môi trường – xã hội, tái định cư bắt buộc, quản lý tài chính, mua sắm đấu thầu, lập kế hoạch hành động, tập huấn triển khai nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác và các hội thảo kỹ thuật khác cho hơn 1.050 người tham dự.
Ngoài ra, cũng đã tổ chức 4 đợt học tập chia sẻ kinh nghiệm các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết tiêu thụ cho 161 cán bộ, tỉnh, huyện, xã, HTX, THT…
Về đầu tư, trong đợt 1, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị các tiểu dự án ccho các HTX thuộc dự án VnSAT. Cụ thể, gồm: HTX Mỹ Đông 2, Thắng Lợi (huyện Tháp Mười), Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh), Bình Hòa, An Thạnh (huyện Thanh Bình), Tân Thành A (huyện Tân Hồng)… Về đầu tư trang thiết bị cho các đơn vị tham gia dự án, đã mua máy cấy lúa, 2 máy cuộn rơm…
Tương tự, tại Hậu Giang, dự án VnSAT được thực hiện ở 6/8 huyện, thị, thành phố, gồm: Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ, TX Long Mỹ và TP Vị Thanh.
Ông Võ Minh Phúc, Phó Giám đốc Dự án VnSAT Hậu Giang cho biết, mục tiêu của dự án là toàn tỉnh có 17.000 ha sản xuất lúa áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, 9.500 ha áp dụng “1 phải, 5 giảm”. Đến nay, mục tiệu này của tỉnh đã đạt 100%.
Theo ông Phúc, toàn tỉnh có 13 tổ chức nông dân được hưởng lợi từ dự án VnSAT, gồm tập huấn đào tạo cho nông dân, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Tùy vào nhu cầu thực tế và khả năng đối ứng vốn, các tổ chức nông dân được đầu tư xây dựng nhà kho chứa lúa, lò sấy nông sản, trạm điện hạ thế, hệ thống bơm điện, kiên cố cống máng bơm tưới, đường nội đồng, máy tách hạt (làm sạch lúa giống), máy cấy lúa, máy phun hạt…
Nhờ đó, nông dân đã giảm được lượng giống gieo sạ. Hiện lượng giống gieo sạ 12 kg lúa giống/công đạt 90% diện tích, còn gieo sạ 10 kg lúa giống/công chiếm hơn 50% diện tích mục tiêu tỉnh đề ra.
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Bình Hòa, Phan Văn Nhơn:
Có thể nói, qua nhiều lớp tập huấn các tiến bộ kỹ thuật, nhận thấy trình độ canh tác lúa có phần nâng cao hơn trước đây rất nhiều.
Nông dân làm lúa đã giảm được lượng giống gieo sạ còn 120 – 150 kg/ha, thay vì trước đây sử dụng 200 -220kg/ha. Đồng nghĩa giảm giống thì bên cạnh đó nông dân giảm sử dụng phân bón khoảng 30% so với sản xuất truyền thống trước đây.
Và đặc biệt hơn trong đó giảm lượng phun thuốc BVTV từ 2-3 đợt phun/vụ… Từ đó giúp nông dân giảm chi phí khá lớn, tăng lợi nhuận mà năng suất lúa không ngừng tăng lên.