Với album ‘Nơi gặp gỡ tình yêu’, Thanh Lam hát ‘nhẹ như bấc’ và có chiều sâu. Nhiều người bảo diva đã không còn phá cách.
Ở tuổi 51, và cũng đến chừng hơn 30 năm ca hát chuyên nghiệp, Thanh Lam đã đạt đến đỉnh sự nghiệp của mình, và có lẽ, cũng đến đỉnh của cả những khen chê nghệ thuật. Không ít lời hay ý đẹp đã dành cho chị: diva, “nữ hoàng nhạc nhẹ”, “người đàn bà hát”. Hà Trần gọi đàn chị là “diva của tôi”, nhạc sĩ Phú Quang thì bảo “Thanh Lam là ca sĩ hát hay nhất Việt Nam”.
Nhưng, lời chê cho Lam cũng chẳng ít. “Xem tivi thấy Thanh Lam hát, tôi chuyển kênh”, là nội dung bình luận của không chỉ một người. Rồi một nhạc sĩ đi nghe nhạc, đến tiết mục của Thanh Lam hát, đã chọn cách ra về vì… “sợ đau tim”. Lý do chung được đưa ra đều là Thanh Lam của khoảng 10 năm nay lạm dụng năng lượng, trưng trổ kỹ thuật, phá cách quá đà. Nhiều người mến mộ nhớ thời diva là một “giọt Lam” hơn là… nham thạch của núi lửa.
Thanh Lam có lẽ biết tất cả những khen chê ấy, vì báo giới từng không ít lần đặt thắc mắc cho chị. Điều đáng quý ở một diva, trong cảm nhận của những người tiếp xúc, chị không bao giờ tỏ ra khó chịu với những lời chê trách. Mà như một lần, Thanh Lam lý giải rằng “Ai chê cũng chưa chê đủ sâu bằng khi mình tự phán xét mình, ai khen cũng cạn hơn sự an hòa nội tâm. Chỉ quan tâm đằng sau đấy là thiện hay chưa thiện chí. Tôi đón nhận khen chê như đón nhận mưa nắng của cuộc đời”.
Và hơn cả, là một sự cầu thị có thật, từ một giọng ca vẫn được cho là toàn mỹ nhất, cả thanh lẫn sắc của nhạc nhẹ. Thanh Lam thay đổi. Bắt đầu là từ live show Đón bình minh năm 2018 với hai đêm diễn kín khán giả tại Cung Việt Xô (Hà Nội) và mới nhất là Nơi gặp gỡ tình yêu, một album với 15 ca khúc thuộc dòng trữ tình – cách mạng, nơi không thuộc về vùng an toàn của Thanh Lam. Không phải bản thu nào cũng thuyết phục, song, đó là một Thanh Lam rất khác, vẫn “nặng như chì” nhưng cũng đang “nhẹ như bấc”.
“Nữ hoàng nhạc nhẹ” ra khỏi… vùng nhạc nhẹ
Thanh Lam không thuộc về nhạc trữ tình – cách mạng, vì nhạc nhẹ mới là nơi diva thuộc về, với vai trò như một giọng ca kiến tạo của thời kỳ đầu. Để rồi sau đó, được truyền thông định danh như một “nữ hoàng”.
Nhấn mạnh điều ấy để thấy, với album Nơi gặp gỡ tình yêu, Thanh Lam đã bước ra khỏi vùng an toàn của mình, để đến với một thể loại âm nhạc mà chị gần như chưa để lại bất cứ dấu ấn nào.
Nhưng chẳng phải là một cuộc bắt “trend”, chạy theo nhạc đang “hot”. Thay vào đó, âm nhạc của album mang đúng tinh thần mà Lam thổ lộ – “đó là một món quà”, mà trước hết là nữ ca sĩ muốn dành tặng cho người cha của mình – cố nhạc sĩ Thuận Yến, cũng là tác giả của nhiều ca khúc trữ tình – cách mạng.
Nhờ tính chất cá nhân ấy, Nơi gặp gỡ tình yêu đã được Thanh Lam thực hiện theo cách nhẹ nhõm nhất có thể. Cách làm nhạc, cách thực hiện, thậm chí những bản thu đều không nặng nề về concept, về dấu ấn một diva hay phải là những sáng tạo chưa từng thấy.
Trái lại, Nơi gặp gỡ tình yêu với 15 ca khúc, chia làm 2 CD, dường như, theo cách ngẫu nhiên và ít tính toán nhất. Những bản phối của Lưu Hà An và Thanh Phương cũng rất đa dạng, thay vì theo đuổi một concept cố định.
Nhưng cũng điểm này là tiền đề cho những cái được và chưa được của album này.
Hát “nhẹ như bấc” nhưng có tiếc nuối
Ngoài việc chấp nhận ra khỏi vùng an toàn, điểm gây chú ý ở Nơi gặp gỡ tình yêu còn là cách Lưu Hà An và Thanh Phương – hai nhạc sĩ cũng gắn bó với nhạc nhẹ nhiều hơn là nhạc trữ tình – cách mạng tạo ra những bản phối rất mới mẻ. Một số ca khúc trong album, thậm chí đưa jazz, pop rock vào dù mang hơi hướm nhiều hơn sự đậm nét.
Nhưng sự sáng tạo này giúp những ca khúc trữ tình – cách mạng vốn đã rất quen thuộc có một đời sống âm nhạc khác, qua giọng hát của một diva nhạc nhẹ.
Thanh Lam ghi điểm vì tạo ra những phiên bản của riêng mình, gần như không còn thấy điểm chung với những giọng ca từng thể hiện trước đó. Nhưng lại sáng tạo trong kiểm soát. Không thể phủ nhận, trong một số ca khúc, Thanh Lam đã phá nốt nhạc truyền thống trên nền tảng bản phối đã thay đổi.
Tuy nhiên, lại không phải sự phá phách quá đà, bất chấp.
Thanh Lam hát nhẹ nhàng trong mọi ca khúc của album. Lối hát bỏ nhỏ, tinh tế được đề cao hơn những kỹ thuật vẫn được cho là mang bản sắc Thanh Lam như cộng minh, rung ngân nội lực.
Chưa kể, một số ca khúc còn thấp thoáng kỹ thuật hát của nhạc dân gian, như đổ hột của ca trù hay một chút vang rền nền nảy của quan họ. Nhiều âm được hát rất sáng thay vì khoe chất trung trầm của giọng hát vốn có.
Những ca khúc thuyết phục nhất có thể kể đến như Nhạc rừng, Ở hai đầu nỗi nhớ, Nơi gặp gỡ tình yêu, Lên ngàn, Sợi nhớ sợi thương… Trong đó, Nhạc rừng chinh phục trọn vẹn.
Song, nhiều ca khúc cũng gây tiếc nuối, phần vì tỏ ra không phù hợp, phần vì không ra được tinh thần của ca khúc hoặc làm mới không đủ ấn tượng như Mùa xuân đầu tiên, Mẹ Việt Nam mặt trời trong tim con…
Đặc biệt ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng là tiếng nuối nhất của album. Màn kết hợp với ca sĩ Tuấn Anh lạc tông hoàn toàn so với album. Bản thu tương tối cũ kỹ về mặt thể hiện, hai giọng ca không ăn nhập với nhau.
Ngoài ra, một vài ca khúc từng được Thanh Lam thể hiện và gây ấn tượng ở Giai điệu Tự hào cách đây vài năm nhưng khi thu lại để đưa vào album lại không đạt chất lượng như trước như Mẹ yêu con và Màu hoa đỏ.
Thanh Lam từng chinh phục cả hai hội đồng bình luận: Lão thành và Trẻ tuổi ở Giai điệu tự hào, cùng nhiều khán giả truyền hình với Màu hoa đỏ, sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Nhưng với bản thu trong album Nơi gặp gỡ tình yêu, nữ ca sĩ lại không tái hiện được điều này.
Phương án hai CD trong một album với tất cả 15 ca khúc đã khiến sản phẩm lê thê không đáng có về mặt âm nhạc dù vẫn biết nữ ca sĩ có nhiều đất diễn hơn về cảm xúc.
Dù vậy, sau nhiều năm không ra album, Nơi gặp gỡ tình yêu chiều lòng được những người yêu mến Thanh Lam, và tin chắc vẫn thuyết phục được một bộ khán giả của dòng trữ tình – cách mạng.
Hơn cả, hết “phá cách”, Thanh Lam đang hết mực nhẹ nhàng và dịu dàng. Sự dịu dàng của một người đang yêu chăng?