Tờ Independent của Anh đã nhận định Nguyễn Công Trí là nhà thiết kế tiên phong trong quá trình thay đổi diện mạo nền thời trang đương đại của Việt Nam…
Còn tờ Vogue của Mỹ thì khẳng định anh là nhà thiết kế Việt Nam duy nhất chạm đến giới hạn thật sự của thời trang cao cấp (haute couture) với những sáng tạo khơi gợi cảm xúc người xem. Và để có được những nhận xét đầy sự tôn trọng đó là cả một quá trình nỗ lực của Công Trí mà như anh nói – anh quý trọng từng giây phút, từng cơ hội nhỏ bé đến với mình.
Chia sẻ trong cuộc trò chuyện tại Culture Mosaic của VTV, Công Trí nói: “Công Trí vẫn nhớ những ngày đầu chuẩn bị một show diễn ở New York, điều mình lo lắng nhất là làm thế nào để tìm được báo chí, các stylist và mời được những người quan trọng tới tham dự show của mình? Mình được chuyên gia trang điểm Hùng Văn Ngô giới thiệu tới các đồng nghiệp, từ đó các mối quan hệ cứ dần dần mở ra…”.
“Đó là cả một quá trình rất dài tuy nhiên, Công Trí có thể đúc kết qua một câu ngắn gọn: Không để người ta thất vọng! Bởi một cơ hội nó sẽ mở ra cho bạn 10 cơ hội khác. Nếu chúng ta không biết trân quý từng phút giây, không kỹ lưỡng, không tạo ra những bất ngờ với khách hàng của mình, những người nổi tiếng khi nhận được sản phẩm của mình hay những thiết kế thì chắc chắn bạn sẽ không có cơ hội kế tiếp”.
Nói về những khó khăn trong quá trình tiếp cận, giới thiệu thiết kế của mình tới các ngôi sao, Công Trí cho biết: “Có những ngôi sao nổi tiếng mình gửi bản thiết kế đến, gửi luôn cả trang phục đến nhưng người ta không mặc. Điều đó không làm mình nhụt trí. Mình vẫn tiếp tục làm việc. Mình làm đến khi nào người ta mặc thì thôi. Đó là cách Công Trí làm việc!”.
“Công Trí nghĩ là à, ok, lần này chưa hài lòng mình sẽ cố gắng lần tới” – Công Trí nói tiếp – “Và mỗi lần như thế mình sẽ rút được kinh nghiệm vì sao mẫu này người ta không mặc. Có thể đến phút cuối người nghệ sĩ đó người ta thay đổi cảm xúc, đó là một cách để mình biết thêm rằng đôi khi trong công việc nó có những cái bạn phải chấp nhận”.
“Cảm xúc mang lại khi bạn sáng tạo nó là điều gì đó nó tương đương với việc một người nghệ sĩ khoác lên một bộ trang phục – người ta phải có cảm xúc. Có thể… mình tự an ủi rằng có thể lúc đó cảm xúc của 2 người nghệ sĩ nó chưa chạm vào nhau nên lúc đó người ta chưa mặc trang phục của mình mà thôi”.