Cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt… là những món ăn ‘giết sâu bọ’ không thể không có trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng của người phương Đông, phổ biến ở các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Việt Nam.
Mỗi quốc gia lại có những phong tục và cách cúng bái khác nhau. Ngay tại ở Việt Nam, mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ cũng có ít nhiều sự thay đổi.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ cũng mang ý nghĩa diệt trừ sâu bọ nhưng có một số cách lý giải khác. Theo đó, đầu tháng 5 là lúc kết thúc vụ chiêm, chuẩn bị bước sang vụ mùa, cũng là thời điểm sâu bọ phát triển sinh sôi, làm hại mùa màng. Tương truyền rằng có một ông lão tên là Đôi Truân từ xa đi tới, khuyên người dân lập đàn cúng bánh gio, trái cây, cơm rượu nếp… để giải được nạn. Từ đó, phong tục này trở nên phổ biến.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều người thường ăn món cơm rượu nếp vì theo quan niệm của người dân, cơm nếp có thể tiêu diệt ký sinh trùng trong cơ thể. Vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại. Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng. Các gia đình có thể nấu cơm nếp, ủ rượu ở nhà hoặc mua ngoài hàng bán sẵn.
Bánh tro
Bánh tro (còn có tên gọi là bánh gio, bánh nắng, bánh nẳng, bánh ú tro) là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Loại bánh này được làm từ bột gạo nếp ngâm và lọc qua nước tro của một số loại cây trong vườn nhà. Nguyên liệu dễ kiếm nhưng cách làm lại khá cầu kỳ. Tuy vậy, nhưng nó lại được lòng rất nhiều người bởi màu sắc hấp dẫn, hương thơm đặc trưng của cây vườn nhà và vị thanh mát tan ngay trong miệng.
Hoa quả
Dịp Tết Đoan Ngọ, các loại hoa quả được lựa chọn để “diệt sâu bọ” chủ yếu là các loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua, thơm. Đó là những trái mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu,… Đặc biệt là mận, vải. Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này thì Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa của nó.
Bánh ú
Bánh ú là món ăn truyền thống ngày 5/5 âm lịch ở Trung Quốc và miền Nam nước ta. Bánh ú có 2 loại là bánh ú nhân ngọt và bánh ú nhân mặn. Trong đó, bánh ú mặn được ưa chuộng ở miền Tây.
Bánh có nhân là trứng cút, trứng vịt muối, thịt xá xíu, nấm đông cô, tôm khô, hạt sen… quyện với lớp vỏ dẻo dẻo, thơm thơm mùi lá. Chiếc bánh được gói theo hình chóp nón, lớp vỏ không quá dày, ôm lấy nhân bánh nên mùi vị thấm đẫm từ trong ra ngoài.
Thịt vịt
Với nhiều người thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. Cũng bởi quan niệm “diệt sâu bọ”, chữa bệnh mà thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương, làm mát cơ thể.
Thực tế, từ tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.