Vũ Tuyết Nhung là tác giả thơ không lạ với bạn yêu thơ. Chị chăm chỉ làm thơ và công bố thơ trên trang cá nhân với nick đúng tên thật. Hơn thế, thơ chị đã in, phủ sóng toàn quốc từ báo Văn nghệ đến các tạp chí văn học danh giá như Văn nghệ Quân đội và các tạp chí văn học nghệ thuật địa phương.
Năng lượng thơ trong trái tim Vũ Tuyết Nhung luôn trào lên đến nức nở.
Vũ Tuyết Nhung chuẩn bị in một tập thơ, hình như đầu tay, nên có mail cho tôi bản thảo gồm 57 bài thơ và inbox: “Anh đọc, góp ý với em”. Tôi cảm động, thứ nhất mình không phải là nhà phê bình chuyên nghiệp, được “nhờ đọc” là oách rồi; thứ hai, tôi chưa hề gặp Tuyết Nhung ngoài đời, được “nhờ đọc” chứng tỏ chỉ số lòng tin khá cao. Liệu người lớn luổi có đồng cảm với người thơ trẻ không, đó là điều băn khoăn.
Cách đây không lâu tôi được biết qua trang cá nhân của Vũ Tuyết Nhung PGS. TS. nhà văn Vũ Nho đã có bài viết giới thiệu về tập thơ này. Vũ Nho là một thương hiệu trong “làng phê bình” nên càng mừng cho chị.
Vũ Tuyết Nhung, như tôi biết, đa dạng đề tài, thi pháp. Chị vừa “hậu hiện đại” vừa “tiền hiện đại”, “hiện đại”. Chị làm thơ lục bát khá ấn tượng, thậm chí tham gia thơ 1 – 2 – 3 khá nhiệt tình. Như vậy, là “cởi mở”.
Bản thảo Vũ Tuyết Nhung gửi cho tôi cũng đa dạng đề tài, thi pháp . Tôi xem qua thì thấy, thơ Nhung là tiếng nói của một tâm hồn “niềm vui chưa kịp tới” nhưng nỗi buồn thì “căng chật”. Ngay bài “Ngó Sen”, xếp đầu tiên của tập bản thảo đã gây ấn tượng với tôi.
“Ngập chìm trong những cặn bùn/ ngó trắng không thanh minh cho mình được nữa/ xung quanh tất cả đều tối/ những cơn gió cũng chẳng đến tìm”. Khổ đầu Tuyết Nhung giới thiệu về “ngó Sen”, ngập trong bùn, nên chẳng lạ khi xung quanh tất cả đều tối, tối tui, đến những cơn gió cũng chẳng thèm để ý. Gió sao xuyên qua được tầng bùn?
Thì ai chẳng lạ gì, sen mọc trong đầm, hồ. Ca dao cũ có câu: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Bông sen đơn sơ, chân chất như người dân lao động mang nét đẹp bình dị, thôn dã, lúc nào cũng ngan ngát toa hương, một thứ hương thơm đặc biệt tinh khiết không pha lẫn mùi vị nào khác dù hoa sen trong đầm. Đầm lầy càng u tối, thối tha thi bóng hoa lại càng đẹp đẽ, sáng trói. Thông qua bài ca dao, hình ảnh của người dân lao động Việt Nam hiện lên một cách tự nhiên, hợp lý đến tài tình. Tâm hồn của mỗi con người được ví như một bông hoa thơm ngát, dù sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng giữ riêng cho mình nét trong trắng, thanh cao nguyên vẹn.
Chính vì thế mà hoa Sen, được chọn làm “quốc hoa”, đi vào đời sống tâm linh Việt. Rất nhiều nhà thơ viết về Sen, gần đây nhiều nhà thơ lấy tên bài viết về Sen đặt tên chung cho các tập thơ xuất bản.
Vũ Tuyết Nhung không viết về hoa sen, cánh sen, nhụy sen; chị viết về ngó sen, tức là cái lõi nằm trong cuống hoa sen. Vũ Tuyết Nhung đã bắt đầu “chơi chữ” rồi đấy, chị đi từ “chữ” đến “nghĩa”. “Ngó sen” của Vũ Tuyết Nhung là một ẩn dụ, một thi ảnh. Thường thì “đen tối” mới phải thanh minh “trong trắng”. không ngược lại. Như vậy, chỉ với một câu thơ “ngó trắng không thanh minh cho mình được nữa”, Vũ Tuyết Nhung đã “mách bảo” một tầng ẩn của bài thơ.
…
bốn bề lặng im
hoa vô tâm khoe sắc tỏa hương
không hiểu được
ngó có nỗi buồn
giấu nỗi đau
tận đáy
Khi tôi viết về “Ngó Sen” của Vũ Tuyết Nhung thì trải dài khắp đất nước Việt Nam, mùa sen đang ở tưng bừng. Mùa các thiếu nữ đội nắng, đội gió chụp ảnh cùng sen. Mùa các họa sỹ đang sáng tác về sen. Mùa trong mỗi gia đình ngan ngát hương sen.
Các bạn nữ đang mê mẩn giữa cánh đồng sen đủ màu sắc chắc sẽ thấy Sen nở hết sức vô tư, điệu đà, ngúng nguẩy, nhưng vô tâm “không hiểu được/ ngó có nỗi buồn/ giấu nỗi đau/ tận đáy”. Vũ Tuyết Nhung thông qua hình ảnh ẩn dụ “ngó Sen” để cất lên tiếng nói của thân phận, thông qua “ngó sen” để phơi bản ngã. Điều này, không phải ai cũng nhìn thấy, bởi nó là điều siêu hiện thực. Lòng trắc ẩn, luôn tồn tại. Hạnh phúc và đau khổ luôn song hành trong xã hội hiện nay. Tôi bỗng nhớ câu nói của một nhà văn “Ở đời ai cũng có lo âu, hy vọng. Ai thấu hiểu được lo âu hy vọng của người khác đó mới là người đáng trọng”.
Hạnh phúc vốn không chia đều, hạnh phúc lại bò như ốc như sên; trong khi nỗi buồn đến như điên như dại. Đó là chưa nói đến nhiều số phận, nhiều cuộc đời rất không may mắn, bất hạnh trong cuộc đời này. Đáng tiếc, con người trong khi vật chất càng đủ đầy thì càng rời xa cái đẹp của tâm hồn, con người ngày càng trở nên vô cảm, thậm chí độc ác, “vô tâm khoe sắc tỏa hương”…Nói như R.Gamzatop: “Bàng quan đẻ ra tội ác, tội ác lẩn quất xung quanh sự bàng quan”. Đó là điều đáng cảnh tỉnh. Đáng tiếc, điều đó đang tồn tại.
Bài thơ “Ngó Sen” của Vũ Tuyết Nhung có 4 khổ, tôi cho rằng 02 khổ đầu nói về cái chung, 02 khổ sau lại nói về cái cụ thể, cái riêng. Tất nhiên như phạm trù triết học, cái chung đi ra từ cái riêng.
chỉ người hái sen biết
cúi xuống bùn tìm
rửa qua
trắng muốt
ngọt giòn dâng hiến
khát khao đến cháy bỏng
dưới đáy
lặng thầm
anh có chịu cúi xuống tìm em?
Thì đúng rồi, ngó Sen trắng muốt, làm nộm đã ngon, điều này, các chị khoái món nộm không lạ. “Khát khao đến cháy bỏng” được dâng hiến. Vũ Tuyết Nhung đã “tuyên ngôn” bản ngã. Rằng, dẫu thế nào trong trắng của em là bất biến, trong trắng đến lặng thầm. “Anh có chịu cúi xuống tìm em?”, câu hỏi vừa cần trả lời, vừa không cần trả lời.
Muốn tìm đến sự trong trắng, chỉ có những con người, những tấm lòng hướng thiện, biết vượt lên cám dỗ, tầm thường để nâng niu, trân quý những điều thanh khiết. Đó mới là điều cần ở “anh”. Ngược lại, không cần.
Hoa sen biểu tượng cho những gì cao đẹp của con người Việt Nam, luôn sống một cách ngay thẳng, chân thực trong bất cứ hoàn cảnh nào để trở thành những đóa sen thơm ngát giữa đầm. Vẫn biết, không phải không có những bông hoa rũ cánh, cúi xuống đầm lầy để vướng phải bùn nhơ. Cũng như trong xã hội, không thiếu những kẻ đứng trước hoàn cảnh khó khăn đã không giữ được mình.
Con người đang ngày càng hám danh hám lợi, cầu thân; hành động đi ngược lại với lương tâm, đạo lí con người. Sống giữa khó khăn của xã hội đầy cạm bẫy, lọc lừa, làm sao giữ cho mình một tâm hồn đẹp, biết yêu thương, thương cảm đồng loại không dễ. Để làm một đóa “hoa sen”, biết chia sẻ không dễ. Trong tình yêu con người đã vậy; tình yêu nam nữ yêu nhau đến mức đọc được cảm xúc của nhau cũng không dễ. Chính vì thế, bài thơ “Ngó Sen” nhẹ nhàng nhưng gửi đến một thông điệp về vĩnh cữu, phẩm hạnh và tình yêu giữa con người./.
19/6/20 – NĐH
Vũ Tuyết Nhung
NGÓ SEN
Ngập chìm trong những cặn bùn
ngó trắng không thanh minh cho mình được nữa
xung quanh tất cả đều tối
những cơn gió cũng chẳng đến tìm
bốn bề lặng im
hoa vô tâm khoe sắc tỏa hương
không hiểu được
ngó có nỗi buồn
giấu nỗi đau
tận đáy
chỉ người hái sen biết
cúi xuống bùn tìm
rửa qua
trắng muốt
ngọt giòn dâng hiến
khát khao đến cháy bỏng
dưới đáy
lặng thầm
anh có chịu cúi xuống tìm em?